; BẠCH HẠC – Thảo dược HerbEco
Giỏ hàng

BẠCH HẠC

BẠCH HẠC

Tên khoa học: Rhinacanthus nasutus (L.) Lindau

Tên đồng nghĩa: Rhinacanthus communis Nees

Tên khác: Kiến cò, cây lác, uy linh tiên, chóm phòn (Nùng).

Họ: Ô rô (Acanthaceae).

Mô tả

Cây nhỏ, mọc thành bụi, cao 1 – 2m, có rễ chùm, mảnh. Thân lúc non có lông mịn, sau nhẵn. Lá mọc đối, hình bầu dục thuôn hay hình mác, gốc thuôn, đầu nhọn, cuống rất ngắn.

Cụm hoa mọc thành xim hoặc chùy ở kẽ lá; lá bắc hình chỉ, có lông; hoa màu trắng, nom như con hạc đang bay; đài hình chuông gồm 5 phiến đều nhau, có lông nhỏ; tràng có ống hẹp dài, xẻ hai môi khác nhau rõ rệt, môi trên hình mác, môi dưới khía 3 thùy; nhị 2, bao phấn tù, không có nhị lép.

Phân bố, sinh thái

Rhinacanthus Nees là một chi nhỏ thuốc họ Acanthaceae. Bạch hạc là cây gặp phổ biến ở châu Á.

Bạch hạc có nguồn gốc ở vùng Nam Á (Ấn Độ, Srilanca) hoặc Đông Dương, được nhập trồng sang nhiều nơi khác và sau trở nên hoang dại hóa ở Trung Quốc, Thái Lan, Philippin, đảo Java, một số nước nhiệt đới châu Phi và đảo Madagasca. Ở Việt Nam, hiện chỉ thấy bạch hạc trong trạng thái trồng trọt, ít thấy mọc hoang. Cây thường được trồng ở vườn, sau hạt giống vươn vãi ra, có thể tận dụng làm bờ rào. Cây ra hoa quả nhiều hàng năm, thường rụng lá về mùa đông, hoặc có thể bị tàn lụi, nếu gặp sương muối. Bạch hạc có khả năng tái sinh dinh dưỡng khỏe, nên thường được trồng bằng cành.

Là một cây trồng, nhưng ít phổ biến nên cũng phải chú ý bảo vệ, với mục đích bảo tồn nguồn gen ở Việt Nam.

Công dụng

Tính vị, công năng: Vị ngọt dịu, mùi hắc nhẹ, tính bình, có tác dụng chống ho, sát trùng, chống ngứa, trừ phong thấp.

Dùng ngoài chữa hắc lào, chốc lở, ngứa, herpès loang vòng, eczema mạn tính. Dùng trong chữa ho, lao phổi, sơ nhiễm, viêm phế quản cấp và mạn, phong thấp, tê bại, huyết áp cao. Ngày 10 – 20g sắc uống. Ở Ấn Độ, còn dùng chữa ung thư, nấm da. Rễ để kích dục, lá chống giun sán, ký sinh trùng.

Bài thuốc

  • Chữa phong tê thấp, nhức gân xương, viêm khớp với tên là nam uy linh tiên:

Rễ bạch hạc, thiên niên kiện, thổ phục linh, tỳ giải, cỏ xước, cẩu tích, cốt toái bổ, mỗi vị 10 – 15g, sắc uống.

  • Eczema, hắc lào, herpes, chốc lở, ngứa:

- Lá và cành non tươi giã nát. Thêm cồn 700, ngâm, lấy nước bôi.

- Rễ tươi hoặc khô, giã nát, ngâm rượu hoặc dấm 7 – 10 ngày, lấy nước bôi.

  • Chữa lao phổi sơ nhiễm, viêm phế quản, ho:

Thân và lá 20g, sắc, thêm đường uống.