; CHIÊU LIÊU – Thảo dược HerbEco
Giỏ hàng

CHIÊU LIÊU

CHIÊU LIÊU

Tên khoa học: Terminalia chebula Retz.

Tên khác: Kha tử.

Tên nước ngoài: Myrobalan, chebulic myrobalan, inknut tree (Anh); badamier chébule (Pháp).

Họ: Bàng (Combretaeae).

Mô tả

Cây to, cao 15-20cm. Cành non có lông. Vỏ thân màu xám nhạt, có vách nứt dọc. Lá mọc so le, đầu nhọn, dài 15-20cm, có lông mềm, về sau nhẵn. Ở đầu cuống lá có 2 tuyến nhỏ.

Hoa nhỏ, màu trắng vàng vàng, thơm, xếp thành chùy ở nách lá hay ở ngọn, phủ lông màu đồng.

Quả hình trứng thuôn, dài 3- 4cm, rộng 22-25mm, tù hai đầu, không có cánh, có 5 cạnh dọc, màu nâu vàng nhạt, có thịt đen. Hạch chưa một hạt dày 4mm, có lá mầm cuộn.

Cây ra hoa tháng 5- 6, có quả tháng 8-9 trở đi.

Phân bố, sinh thái

Chiêu liêu (kha tử) là cây nhiệt đới tương đối điển hình của vùng Ấn Độ, Malaysia. Cây phân bố phổ biến ở Ấn Độ, Malaysia, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam và một số nơi phía nam Trung Quốc. Ở Ấn Độ, chiêu liêu có nhiều ở vùng cận Himalaya, đến độ cao 1500m.

Ở Việt Nam, chiêu liêu thường chỉ thấy ở các tỉnh phía nam, bao gồm các tỉnh Tây Nguyên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đồng Nai, Tây Ninh… Cây thường mọc ở kiểu rừng nửa rụng lá hay rừng thưa, khi còn nhỏ là cây chịu bóng, sau dần trở nên ưa sáng. Cùng với một số loài cây gỗ khác thuộc họ Lythraceae, Dipterocarpaceae… tạo nền tầng ưu thế của rừng. Chiêu liêu ra hoa quả nhiều hàng năm. Tái sinh tự nhiên chủ yếu từ hạt. Cây cho gỗ tốt (nhóm III), được ngành Lâm nghiệm chú ý bảo vệ và nhân trồng thêm.

Công dụng

Quả chiêu liêu hay kha tử là một vị thuốc chuyên dùng chữa đi ỉa lỏng lâu ngày, chữa lỵ kinh niên, còn dùng chữa ho mất tiếng, di tinh, mồ hôi trộm, trĩ lòi dom, xích bạch đới. Ngày dùng 3-6g dưới dạng thuốc sắc hay thuốc viên. 3- 6 quả loại trung bình đủ dể gây xổ, do vậy không dùng quá liều. Điều đáng chú ý là liều nhỏ chiêu liêu cầm tiêu chảy, trái lại liều lớn lại gây tiêu chảy.

Ở Ấn Độ, quả chiêu liêu được coi là có tác dụng nhuận tràng, lợi tiêu hóa, bổ và làm hồi phục, là vị bổ trợ cho những thuốc khác trong nhiều bệnh. Quả chiêu liêu, kết hợp với 2 dược liệu khác làm thuốc trị giun. Thịt quả dùng làm thuốc đánh răng, chữa chảy máu và loét lợi. Tán quả thành bột và hút trong một tẩu hút thuốc lá làm giảm hen. Một bột nhão mịn của quả với dầu béo cũng được dùng đắp lên vết bỏng làm lành nhanh hơn. Quả chiêu liêu cũng được dùng trị ho, phối hợp với dược liệu khác sắc uống trị hen, rối loạn tiết niệu, táo bón, bệnh tim. Bài thuốc chữa sỏi niệu, đái đau gồm quả chiêu liêu, quả gai chống, vỏ cây chùm ngây, gừng và 4 dược liệu khác. Bài thuốc chữa bệnh về tim gồm quả chiêu liêu, gừng, vỏ rễ me, hạt tiêu, lựu và một số dược liệu khác.

Ở Nepal, nhân dân dùng quả chiêu liêu phối hợp với dược liệu khác trị khó tiêu. Nướng 1 quả chiêu liêu trên than hồng rồi nhai chậm để chữa viêm họng và có tác dụng long đờm.

Bài thuốc

  • Chữa lỵ (Chỉ lỵ phương):

Chiêu liêu 30g, hoàng liên 100g, túc xác 12g, nhục khấu 20 hạt. Nhục khấu bỏ vỏ. Các vị tán nhỏ, luyện hồ làm viên bằng hạt đậu xanh. Liều uống 50 viên.

  • Chữa xích bạch lỵ:

Chiêu liêu 12 quả, 6 quả để sống, 6 quả nướng bỏ hạt, sao vàng và tán nhỏ. Nếu lỵ ra máu thì dùng nước sắc Cam thảo, mà chiêu thuốc, nếu lỵ ra mũi, thỉ dừng nước sắc Cam thảo chích (cam thảo sấy khô, tẩm mật sao vàng).

  • Chữa lỵ mạn tính (Chân nhân dưỡng tạng thang):

Chiêu liêu 6g; đảng sâm, bạch truật, đương quy, mỗi vị 12g; gừng nướng, nhục đậu khấu, thạch lựu bì, mộc hương, cam thảo, mỗi vị 6g; nhục quế 4g. Sắc uống ngày một thang.

  • Chữa tiêu chảy mạn tính:

Chiêu liêu 10g, tán bột hòa với cháo ăn.

  • Chữa đau bụng, tiêu chảy lâu ngày, lỵ mạn tính:

a. Quả chiêu liêu phơi khô (200 – 250g), sắc và cô thành cao khô, tán bột, lấy 5g hòa với 10ml rượu và 10ml sirô. Người lớn, ngày uống 3 lần, mỗi lần 1 thìa canh, trẻ em dùng nửa liều người lớn.

b. Quả chiêu liêu, bạch đậu khấu, cam thảo, trần bì, thanh bì, đinh hương. Tất cả phơi khô, tán bột mịn, trộn đều, uống làm 5 ngày.

  • Chữa ho lâu ngày:

Chiêu liêu, đảng sâm, mỗi vị 4g. Sắc và chia 3 lần uống trong ngày.

  • Chữa ho đờm, suyễn thở lâu ngày:

Quả chiêu liêu, hạt na rừng, hạt tía tô, hạt cải trắng, sâm nam, mạch môn, mỗi vị 8g sắc uống.