; ĐẬU SĂNG – Thảo dược HerbEco
Giỏ hàng

ĐẬU SĂNG

ĐẬU SĂNG

Tên khoa học: Cajanus cajan (L.) Millsp.

Tên khác: Đậu cọc rào, đậu chè, đậu chiều, mộc đậu.

Tên nước ngoài: Pigeon pea, red gram, indian pea, congo pea (Anh); pois cajan, pois d’ Angola, pois nègre (Pháp).

Họ: Đậu (Fabaceae).

Mô tả

Cây nhỏ, cao 1-3m. Cành hình trụ, có cạnh lồi, có lông ngắn. Lá kép mọc so le, 3 lá chét nguyên, hình mũi mác, dài 7-10cm, rộng 1,5-3,5cm, lá chét tận cùng lớn hơn , gốc thuôn hoặc tròn, đầu rất nhọn, hai mặt có lông mềm, mặt trên màu lục sẫm, mặt dưới trắng nhạt, gân nổi rõ; cuống chung dài 2,5cm; lá kèm nhỏ.

Cụm hoa mọc thành chùm ngù ở kẽ lá và đầu cành; hoa màu vàng hoặc đỏ; đài có lông, có 4 răng đều; cánh hoa sớm rụng, cánh cờ rộng; nhị 2 bó; bầu có lông.

Quả đậu dẹt, có lông, đầu có mũi nhọn; hạt lồi lên rất rõ, 3-5, hình cầu hơi dẹt, màu vàng nâu.

Mùa hoa quả: tháng 1-3.

Phân bố, sinh thái

Chi Cajanus DC. Có 5 loài ở Việt Nam đều là cây trồng, nếu có trong tự nhiên là do hoang dại hóa.

Đậu săng có nguồn gốc ở Ấn Độ, sau lan dần ra các nước vùng Đông Nam Á cách đây đã hàng ngàn năm. Cây có mặt ở châu Phi từ 2000 năm trước Công nguyên. Cùng với các cuộc chinh phục và buôn bán nô lệ, đậu săng được đưa sang châu Mỹ và một số vùng khác ở Thái Bình Dương và Đại Tây Dương. Tuy nhiên, nơi tập trung sự đa dạng cao của loài này vẫn là vùng Ấn Độ và đông châu Phi, vì ở đó hiện nay vẫn đang tồn tại một số quần thể trồng (10 dạng ở Ấn Độ) và mọc tự nhiên cổ (L. J. G. van de Maesen, 1992, in : PROSEA, No1, Pulses, 39-42).

Ở Việt Nam, đậu săng cũng được trồng từ lâu đời ở nhiều nơi, nhất là các tỉnh trung du, núi thấp và đồng bằng Bắc Bộ. Cây trồng làm hàng rào, cải tạo đất và tạo bóng ở các đồi chè. Là một cây nhiệt đới tương đối điển hình, đậu săng tỏ ra thích nghi với những nơi có quang chu kỳ lớn, gần xích đạo. Giới hạn nhiệt độ cần cho sự phát triển là 18-35oC (38oC); lượng mưa 600-1000mm/năm. Các nơi trồng nhiều đậu săng ở miền Bắc là Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Thái Nguyên…, có lượng mưa tới trên 2000mm/năm, cây càng sinh trưởng, phát triển tốt. Đậu săng có thể sống tốt trên nhiều loại đất với pH thích hợp từ 5 đến 7. Cây trồng từ hạt, sau 3-4 tháng bắt đầu có hoa quả; ở năm tuổi thứ 2-4, có nhiều quả nhất. Đậu săng là cây có ích cần phát triển.

Công dụng

Hạt đậu săng là nguồn protein, được dùng làm thực phẩm; chú ý tránh dùng những loại hạt chứa nhiều acid cyanhydric. Hạt và rễ đậu săng được dùng làm thuốc chữa sốt, giải độc, tiêu thũng, hay đái đêm. Ngày dùng 10-20g dạng thuốc sắc uống. Còn dùng rễ đậu săng thái miếng nhai ngậm chữa ho, viêm họng.

Ở Ấn Độ, đậu săng được dùng để bổ sung protein vào chế độ ăn có nhiều tinh bột. Ăn hạt sống với lượng nhiều có tác dụng làm ra mồ hôi. Vỏ quả đậu còn xanh dùng làm rau ăn. Nhân dân ở Rwanda (Trung Phi), dùng lá đậu săng chữa viêm phổi, bệnh lậu. Ở Haiti, để chữa đau răng, nhân dân dùng nước sắc lá súc miệng, hoặc dùng lá giã nát, xát vào lợi. Ở Senegal, đậu săng được dùng trị tiêu chảy và lỵ.

Bài thuốc

  • Chữa cảm sốt, mụn nhọt, trẻ em lên sởi, ho:

Rễ đậu săng 15g sắc uống; hoặc phối hợp với sài đất, kim ngân hoa, mỗi vị 10g, cùng sắc uống.

  • Chữa đái tháo đường:

Ăn hạt đậu săng, rau khoai lang đỏ. Đồng thời dùng quả chuối hột xanh 30g, sắc uống hàng ngày.