; ĐUÔI CHUỘT – Thảo dược HerbEco
Giỏ hàng

ĐUÔI CHUỘT

 

ĐUÔI CHUỘT

Tên khoa học: Stachytarpheta jamaicensis (L.) Vahl

Tên đồng nghĩa: Stachytarpheta indica C.B.Clarke

Tên khác: Cỏ đuôi lươn, bôn bôn, đũa bếp, điềm thông

Tên nước ngoài: Aaron’s rod, bastard vervain, brazilian tea, devil’s coach whip (Anh); queue de rat, herbe à chenilles, crête d’ Inde (Pháp).

Họ: Cỏ roi ngựa (Verbenaceae).

Mô tả

Cây thảo, sống hàng năm, cao khoảng 1m. Thân mọc đứng, phân cành nhiều. Cành non gần vuông, phủ lông thưa. Lá mọc đối, hình trái xoan hay hình trứng, dài 3 - 10cm, rộng 3 – 4,5 cm, gốc thuôn, đầu nhọn hoặc hơi tù, mép khía răng ở 2/3 phía trên, hai mặt nhẵn hoặc có ít lông ở mặt dưới, mặt trên sẫm bóng; cuống lá mảnh dài 1cm.

Cụm hoa mọc ở ngọn thân và đầu cành thành bông mảnh, dài 10 – 30cm; lá bắc hình mũi mác, có lông; hoa nhỏ màu lam; đài hình trụ hẹp, nhẵn, có 4 – 5 răng nhọn; tràng có ống cong, mặt trong có lông, 5 cánh tròn; nhị 2 không đều, đính ở trong ống tràng; bầu 2 ô nhẵn.

Quả nang, hơi dài.

Mùa hoa quả: tháng 4 – 6.

Phân bố, sinh thái

Chi Stachytarpheta Vahl có vài chục loài, phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới châu Mỹ. Cây đuôi chuột cũng có nguồn gốc ở đây, sau phân bố rộng rãi khắp các vùng nhiệt đới khác.

Ở Việt Nam, đuôi chuột là loại cây rất quen thuộc, phân bố ở khắp các tỉnh đồng bằng và vùng núi, đến độ cao khoảng 1000m. Cây cũng gặp nhiều ở các đảo lớn, đặc biệt là ở Hòn Mê (Thanh Hóa). Đuôi chuột là cây ưa sáng và ưa ẩm; thường mọc từ hạt vào cuối mùa xuân trên đất ẩm, ở các bãi hoang trong rừng, ven đồi, nương rẫy và ven đường đi. Cây sinh trưởng nhanh, ra hoa quả nhiều, hạt có sức nảy mầm khỏe. Ở nhiều nơi, đuôi chuột mọc tập trung gần như thuần loại, lấn át các loại cây thảo khác.

Đuôi chuột được coi là loài cỏ dại, ảnh hưởng trực tiếp đến cây trồng.

Công dụng

Cây đuôi chuột có vị hơi đắng, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu tiện.

Cây đuôi chuột được dùng chữa đái buốt, đái ra sỏi và viêm đường tiết niệu. Ngày 20 – 40g cây khô, sắc uống. Lá tươi (40g) giã nhỏ, vắt lấy nước cốt uống dần chữa viêm hóng, đau mắt sưng đỏ. Lá còn dùng giã đắp chữa mụn nhọt sưng tấy.

Ở nhiều nước Đông Nam Á, nhân dân dùng dịch ép lá, rễ hoặc toàn cây đuôi chuột làm thuốc bổ, gây nôn, long đờm, làm ra mồ hôi, kích thích, tẩy, điều kinh, làm dịu da và làm mát, chữa nhức đầu, đau tai, sốt rét, sốt vàng, giang mai, vàng da, vết thương đụng giập, bệnh gan, giun, đau thần kinh và kiết lỵ. Ở Malaysia, nước sắc lá uống trị loét mũi và sốt rét. Ở Java, nước sắc của rễ uống trị lậu và để gây sẩy thai. Ở Lào, Campuchia nhân dân dùng bột lá xoa vào cơ thể trị sốt. Ở Tây Phi, nhựa lá bôi trị đau tai, và uống trị bệnh tim.

Ở Ấn Độ, cây đuôi chuột là thuốc trị giun, bệnh hoa liễu, loét, viêm quầng, phù, đau dạ dày và nôn mửa. Dịch ép cây được dùng trị đục thể thủy tinh và mụn lở, loét. Ở Brasil, cây đuôi chuột được dùng uống trị sốt, viêm thấp khớp, và dùng ngoài trị mụn nhọt có mủ. Nước sắc của cây dùng uống cũng gây sẩy thai. Nước hãm vỏ trị lỵ và tiêu chảy. Lá trị rối loạn về tim và xát chữa bong gân, vết thâm tím và mụn nhọt. Nước sắc lá trị loét mũi. Cao nước của cây có tác dụng tăng huyết áp mạnh do sự có mặt của dopamin. Cao này độc đối với chuột nhắt trắng.

Bài thuốc

  • Chữa phong thấp đau xương:

Cây đuôi chuột, dây đau xương, cốt toái bổ, mỗi vị 20 – 30g. Sắc uống ngày một thang.

  • Viêm hầu họng:

Đuôi chuột tươi, giã nát, thêm đường, dùng ngậm nuốt nước.

  • Mụn nhọt, viêm mủ da:

Đuôi chuột 90g, Ngưu tất 60g. Bọ mắm 60g, giã chung và đắp ngoài.

  • Chấn thương bầm giập:

Đuôi chuột, Cỏ cứt lợn, mỗi thứ một ít, giã chung rồi đắp.

  • Tẩy giun cho trẻ em:

Dùng nước sắc rễ Đuôi chuột, thêm nước ép lá (dịch lá) cho uống.