; GỪNG GIÓ – Thảo dược HerbEco
Giỏ hàng

GỪNG GIÓ

GỪNG GIÓ

Tên khoa học: Zingiber zerumbet (L.) Sm.

Tên khác: Gừng dại, gừng rừng, phong khương, khinh kèng (Tày).

Tên nước ngoài: Zerumbet ginger (Anh); gingembre zerumbet, gingembre fou (Pháp).

Họ: Gừng (Zingiberaceae).

Mô tả

Cây thảo, cao 1m hay hơn. Thân rễ dạng củ, phân nhánh, màu trắng vàng nhạt, có mùi thơm. Thân khí sinh khoẻ, mọc đứng, nhẵn. Lá không cuống, mọc thành hai dãy, hình mác thuôn, gốc hẹp dần, đầu nhọn dài, dài khoảng 20cm, rộng 5cm, mặt trên nhẵn, mặt dưới có lông rải rác, bẹ lá to nhẵn, lưỡi bẹ tròn, dễ gãy.

Cụm hoa dạng trứng, đôi khi hình trụ, mọc từ thân rễ trên một cán mập, đài 20 - 30cm, phủ bởi những lá bắc xếp lợp, mép màu lục nhạt, đôi khi pha hồng; đài hoa nhỏ, tràng hoa có ống loe thành thuỳ màu trắng, 1 nhị, bao phấn dài hơn trung đới; cánh môi rộng màu vàng nhạt, chia 3 thuỳ ngắn, nhị lép tạo thành thuỳ bên của cánh môi, bầu hình ellip.

Quả nang, hình bầu dục, chứa ít hạt màu đen.

Mùa hoa: tháng 7 - 9.

Phân bố, sinh thái

Trên thể giới, gừng gió phân bố ở vùng nhiệt đới Đông Nam Á, Nam Á, bao gốm một số nước như Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan, Lào, Việt Nan và Nam Trung Quốc. Ở Việt Nam, cây mọc rải rác ở các tỉnh trung du, vùng núi thấp và đôi khi cả ở đồng bằng.

Gừng gió là cây ưa ẩm, chịu bóng, thường mọc ở ven rừng và dưới tán rừng kín thường xanh. Ở vùng trung du và đồng bằng, cây mọc lẫn trong các lùm bụi dưới chân đồi hoặc quanh làng bản. Gừng gió có hệ thống thân rễ phát triển. Mỗi năm từ một nhánh mẹ có thể mọc thêm 2 - 3 nhánh con. Do đó, trong tự nhiên cây thường tạo thành những bụi lớn, có khi chiếm l - 2m2.

Cây ra hoa quả hàng năm. Chưa quan sát được cây con mọc từ hạt. Tuy nhiên, gừng gió là cây dễ trồng. Trồng bằng các nhánh con hoặc đoạn thân rễ đều cho kết quả tốt. Cây trồng tại Vườn thuốc của Trại Văn Điển (Viện Dược liệu), sinh trưởng phát triển bình thường và ra hoa quả đều hàng năm.

Công dụng

Gừng gió tương tự như gừng, có tác dụng chữa trúng gió, đau bụng, sưng tấy đau nhức, với liều 20 - 30g, phối hợp với các vị thuốc khác. Để chữa đau nhức chân tay mình mẩy, thân rễ gừng gió giã nát, hòa với rượu, dùng xoa bóp hàng ngày.

Ở Ấn Độ, gừng gió cũng dùng như gừng làm chất kích thích, gây trung tiện, chữa khó tiêu, đau bụng đầy hơi. Thân rễ gừng gió và rễ xuyên tâm liên (lượng bằng nhau) chế thành bột nhão, mỗi lần uống một thìa cà phê, ngày 3 lần trong 15 ngày, chữa ho gà.

Bài thuốc

  • Chữa trúng gió bị ngất, tay chân lạnh.

Gừng gió 20 - 30g, giã nhỏ chế thêm rượu, vắt lấy nước cốt uống. Dùng bã chưng nóng xoa bóp khắp mình.

  • Chữa bị thương ứ máu hay đơn độc, sưng tấy:

Gừng gió, nghệ vàng, nghệ đen, mỗi vị 15g, giã nhỏ, chế thêm một chén giấm, vắt lấy nước cốt uống, rồi lấy bã chưng nóng đắp vào chỗ đau.

  • Chữa vết thương:

Thân rễ gừng gió, lá chàm mèo, mỗi vị 20g. Hai vị dùng tươi, rửa sạch, giả nát, đắp vào vết thương.

  • Chữa hôi nách:

Thân rễ gừng gió 20g, long não 4g. Gừng gió phơi khô, tán thành bột mịn cùng với long não. Trộn đều, ngày 2 lần, xoa bột vào nách.

  • Chữa trâu bò và voi ngưa bị dịch mùa hè, mắt đỏ, ăn không nuốt được:

Gừng gió, cốt khí tím, chỉ thiên, sắn dây, các vị bằng nhau, giã thật nhỏ, hoà với nước cho uống.