; LÔ HỘI – Thảo dược HerbEco
Giỏ hàng

LÔ HỘI

LÔ HỘI

Tên khoa học: Aloe vera L. var. chinensis (Haw.) Berger

Tên khác: Lưỡi hổ, hổ thiệt, lư hội, nha đảm.

Họ: Lô hội (Asphodelaceae).

Mô tả

Cây thảo nhỏ, sống lâu năm. Thân ngắn hóa gỗ, mang nhiều vết sẹo do lá rụng. Lá không cuống, gốc tầy và rộng, mọc áp sát vào nhau thành hình hoa thị, đầu thuôn dài thành mũi nhọn, phiến rất dày, mọng nước, dài 15 – 20 cm, rộng 1 – 2 cm, mặt trên phẳng hoặc hơi lồi, có những đốm trắng, mặt dưới khum, mặt cắt tam giác, mép có gai thưa và cứng. Cắt lá thấy có nhựa vàng nhạt chảy ra.

Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành chùm trên một cán dài, mang rất nhiều hoa bao bọc bởi những lá bắc màu đỏ, mọc rủ xuống; bao hoa nạc màu vàng cam, có 6 phiến dính liền ở gốc; 6 nhị hơi dài hơn bao hoa, bầu rời có 3 ô.

Quả nang, hình trứng thuôn, khi chín màu nâu, chứa nhiều hạt.

Mùa hoa quả: tháng 3 – 5.

Có nhiều loài lô hội khác nhau về kích thước đều được sử dụng.

Cây dễ nhầm lẫn:

Cây lưỡi hổ (Sauropus rostratus Miq.) thuộc họ Thầu dầu (Euphorbiaceae) (xem Cam sũng).

Phân bố, sinh thái

Chi Aloe L. có khoảng 330 loài trên thế giới, phân bố ở vùng nhiệt đới châu Phi, Madagasca và Ả Rập... Trong đó, Nam Phi, Ethiopia và Bắc Sômali là những trung tâm có sự đa dạng cao nhất về các loài của chi này. Trong số 330 loài, đã có 100 loài và các dạng lai được trồng khá phố biến ở khắp các vùng nhiệt đới thuộc Bắc Mỹ, Caribê, châu Phi, Nam Á và Đông Nam Á, Australia. Cây lô hội được trồng nhiều ở các nước Thái Lan, Campuchia, Malayisa, Ấn Độ, Indonesia, Philippin và Việt Nam. Cây được nhập vào Malaysia từ thế kỷ 16. Chưa rõ thời gian nhập trồng ở Việt Nam. Về nguồn gốc nguyên thủy của loài, có thể từ Ả Rập.

Ở Việt Nam, lô hội được trồng rải rác ở khắp nơi, nhiều nhất là các tỉnh phía nam và ven biển miền Trung. Cây được trồng ở chậu hay trên đồng ruộng để làm cảnh và làm thuốc. Lô hội là cây có biên độ sinh thái khá rộng, thích nghi với nhiều loại đất, kể cả đất pha cát hoặc chỉ có cát. Cây có khả nàng chịu hạn tốt do khả năng giữ nước của lá (lá mọng nước), sinh trưởng phát triển mạnh trong điều kiện chiếu sáng đầy đủ và ra hoa quả nhiều.

Công dụng

Tính vị, công năng: Lô hội có vị đắng, tính hàn, vào 4 kinh: can, tỳ, vị, đại tràng, có tác dụng thanh nhiệt, làm mát gan, thông đại tiện, nhuận tràng, tẩy.

  • Lô hội được dùng trị táo bón cấp tính. Dùng liều cần thiết nhỏ nhất để làm phân mềm. Liều nhuận tràng cho người lớn và trẻ em trên 10 tuổi là 0,04 – 0,11g dịch ép khô lá lô hội, tương đương với 10 – 30mg hydroxyanthraquinon trong một ngày, hoặc uống một liều 0,1g vào buổi chiều.

Không dùng lô hội trong những trường hợp sau: tắc hoặc hẹp ruột, mất trương lực, mất nước, mất điện giải nặng, hoặc táo bón mạn tính, viêm ruột thừa, bệnh Crohn, viêm ruột kết loét, hội chứng kích thích ruột, hoặc viêm túi thừa ruột, co cứng cơ, cơn đau bụng, trĩ, viêm thận hoặc những triệu chứng ở bụng không được chuẩn đoán như đau, buồn nôn hoặc nôn, trẻ em dưới 10 tuổi và phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú.

Tác dụng không mong muốn có thế xảy ra như đau quặn bụng, phân lỏng. Sự lạm dụng mạn tính có thể gây viêm gan. Dùng làm thuốc nhuận tràng thời gian dài có thể gây rối loạn chất điện phân, hạ kali máu và calci - máu, nhiễm acid chuyển hóa, khó hấp thu, sút cân, albumin - niệu, huyết niệu, yếu ớt hoặc hạ huyết áp thể đứng có thể tăng ở người già: Chứng tăng aldosteron thứ phát có thể xảy ra do thương tổn tiểu quản thận, sau khi dùng liều cao. Đã nhận xét thấy giảm albumin máu, bài tiết calci quá mức trong phân và nhuyễn xương cột sống, bệnh nhiễm melanin kết tràng ở người uống thuốc nhuận tràng anthraquinon trong thời gian kéo dài, sự nhiễm sắc tố vô hại về lâm sàng và thường hồi phục trong vòng 4 - 12 tháng sau khi ngừng thuốc.

  • Gel lô hội được dùng trong y học cổ truyền để điều trị vết thương và viêm da nhẹ, bỏng, vết thâm tím và vết trầy da, nhất là những vết bỏng do nhiệt ở độ I và II, và bỏng do phóng xạ đều khỏi nhanh và ít có sẹo.

Dùng gel mới pha chế vì để lâu dễ bị phân hủy do men, do oxy hóa hoặc vi khuẩn.

Không dùng gel lô hội bằng đường uống, vì không có tác dụng điều trị chắc chắn.

Trong y học dân gian, gel lô hôi được dùng ngoài chữa trĩ, trứng cá, vảy nến, viêm da tăng tiết bã nhờn và nhiễm nấm, côn trùng đốt, mẩn ngứa do con giời leo.

Dùng gel mới bào chế hoặc chế phẩm chứa 10 - 70% gel lô hội.

Tác dụng không mong muốn: Một số ít trường hợp có viêm da tiếp xúc và cảm giác bỏng da sau khi bôi tại chỗ gel lô hội trên da bí trầy xước. Cũng có phản ứng dị ứng bọng nước cấp tính và mày đay tiếp xúc do dùng gel lô hội.

Bài thuốc

Bột lô hội 0,05g, cao mật bò tinh chế 0,05g, phenolphtalein 0,05g, bột cam thảo 0,05g, tá dược vừa đủ cho một viên. Ngày uống 2 viên sau bữa ăn chiều. Không dùng liên tực trên 1 - 2 tuần để tránh nguy cơ mất cân bằng chất điện phân (Viên nhuận tràng).