; SÂM ĐẠI HÀNH – Thảo dược HerbEco
Giỏ hàng

SÂM ĐẠI HÀNH

SÂM ĐẠI HÀNH

Tên khoa học: Eleutherine subaphylla Gagnep.

Tên đồng nghĩa: Eleutherine Bulbosa (Mill.) Urban, E.longifolia Gagnep.

Tên khác: Tỏi lào, hành đỏ, tỏi đỏ, sâm cau, phong nhan, hom búa lượt (Thái).

Họ: Lay ơn (Iridaceae)

Mô tả

Cây thảo, sống lâu năm, cao đến 30cm hay hơn. Thân hành hình trứng thuôn, dài khoảng 5cm, đường kính 2,5 – 3cm gồm nhiều vảy mỏng, màu đỏ nâu. Lá hình dải nhọn, có gân song song, trông giống lá cau hay lá dừa.

Cụm hoa mọc từ thân hành thành chùm dài 20cm, lá bắc dạng lá, hoa màu trắng, có cuống dài, lá đài 3 thuôn hẹp, mỏng, cánh hoa 3, hơi hẹp hơn lá đài, nhị mọc đứng, bao phấn màu vàng, bầu hình trứng ngược, có 3 ô.

Quả ít gặp.

Mùa hoa: tháng 4 – 6.

Phân bố, sinh thái

Sâm đại hành có nguồn gốc ở châu Mỹ, hiện được trồng ở vùng nhiệt đới châu Á, bao gồm Indonesia, Philippin, và một số nước khác trong khu vùng Đông – Nam Á, trong đó có Việt Nam (Sel. Med. Pl vo.I, 1999,316). Cũng có những tài liệu cho rằng, sâm đại hành là loài đặc hữu Đông Dương, vừa thấy mọc hoang lại vừa được trồng ở Việt Nam (Võ Văn Chi, 1996, Đỗ Tất Lợi, 1971). Tuy nhiên, trong suốt quá trình điều tra dược liệu ở khắp Việt Nam, từ 1961 đến nay, Viện Dược liệu chưa phát hiện và thu được mẫu của loài này trong trạng thái hoang dại.

Sâm đại hành là cây ưa ẩm và ưa sáng. Tuy nhiên, trong một số giới hạn nào đó, cây trồng xen ở vườn cây ăn quả vẫn sinh trưởng phát triển được, nhưng về số lượng nhánh (hành con) trong khóm cũng như mức độ ra hoa thấp hơn những cây trồng ở nơi được chiếu sáng đầy đủ. Sâm đại hành thích nghi cao với điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng và ẩm. Cây trồng ở vùng núi cao trên 1500m nhiệt độ trung bình dưới 150C, sinh trưởng phát triển kém hơn ở vùng đồng bằng và trung du. Sâm đại hành ra hoa nhiều hàng năm, nhưng dường như không thấy đậu quả. Quan sát những nơi trồng sâm đại hành lâu năm, chúng tôi chưa phát hiện thấy cây con mọc từ hạt. Điều này chứng tỏ nguồn gốc của cây sâm đại hành có lẽ không phải ở Việt Nam. Hình thức tái sinh và phát triển chủ yếu của cây là việc đẻ nhánh con (hành con)

Sâm đại hành có hiện tượng bán tàn lụi vào mùa đông, sinh trưởng phát triển mạnh trong mùa mưa ẩm. Toàn bộ phần thân hành giữ được sức sống lâu sau khi đào lên khỏi mặt đất.

Công dụng

Sâm đại hành vị ngọt nhạt, tính bình, vào 3 kinh, can, tỳ, phế, có tác dụng giảm ho, cầm máu, tiêu độc, kháng khuẩn, tiêu viêm.

Thuốc bổ máu chữa thiếu máu, vàng da, xanh xao, hoa mắt, choáng váng, nhức đầu, mệt mỏi.

Thuốc cầm máu dùng trong băng huyết, ho ra máu, bị thương chảy máu (dùng cả tươi, giã đắp). Còn dùng chữa ho gà, viêm họng, mụn nhọt, chốc lở. Ngày dùng 4 – 12g, dạng thuốc sắc.

Ở Indonesia, rễ sâm đại hành được dùng theo kinh nghiệm dân gian làm thuốc lợi tiểu, trị lỵ, viêm và sa trực tràng. Ở Philippin, nhân dân dùng rễ củ giã nát đắp lên vết cắn của cá độc, để nhổ gai ở chân, và đắp vào vết châm đốt của sâu bọ, vết thương, nhọt. Rễ của nướng, giã nát, xát vào bụng chữa đau bụng. Ở Peru, thổ dân vùng Amazon dùng sâm đại hành trị rối loạn tiêu hóa và bệnh ngoài ra. Ở vùng trung Haiti, rễ sâm đại hành trị vô kinh dưới dạng thuốc sắc hoặc ngâm rượu uống.

Bài thuốc

  • Rượu sâm đại hành (Chữa thiếu máu, xanh xao, vàng da hay mệt mỏi):

Sâm đại hành phơi khô thái mỏng (100g), rượu trắng (30o) vừa đủ 1 lít.

Ngâm 7 – 15 ngày. Thêm đường cho đủ ngọt. Ngày uống 30ml, chia làm 2 lần trước bữa ăn. Uống liên tục 15 – 20 ngày.

  • Rượu bổ huyết trị tê thấp:

Sâm đại hành, bổ cốt toái, đương quy, bạch chỉ, cẩu tích, độc hoạt, mỗi vị 50g, ngâm với 2 lít rượu, uống dần.

  • Thuốc tiêu độc:

a. Sâm đại hành 30g dưới dạng chè thuốc và siro cho trẻ em.

b. Sâm đại hành, sài đất, bồ công anh, cam thảo đất, ké đầu ngựa, kim ngân, kinh giới dưới dạng cao lỏng.

  • Chữa mụn nhọt sưng tấy:

Sâm đại hành 4g, bông trang, đơn tướng quân, bồ công anh, sài đất, mỗi vị 16g. Sắc uống.

  • Chữa viêm họng, viêm phổi, sưng amidan:

Sâm đại hành 3g, vỏ rễ dâu, cỏ nhọ nồi, sài đất, bách bộ, mạch môn, mỗi vị 12g. Sắc uống.

  • Thuốc an thần Passerynum, làm ngủ dễ và ngon giấc.

Sâm đại hành, lạc tiên, vông nem, lá sen, thảo quyết minh, hạt tơ hồng, lá dâu, hạt keo dậu. Nấu cao và làm viên.

  • Chữa ho viêm phế quản;

Sâm đại hành, rễ dâu, lẻ bạn, mỗi vị 20gg, cam thảo nam, lá chanh, mỗi vị 12g. Sắc uống ngày một thang.

  • Chữa viêm phế quản có nhiều đờm:

Sâm đại hành 100g, hạt đình lịch 200g, gừng khô 50g, bán hạ 30g, trần bì 20g, phèn phi 20g. Hạt đình lịch sao đen, bán hạ chế, sâm đại hành thái mỏng phơi khô, các vị hợp lại tán nhỏ, gừng nấu nước luyện hoàn 0,30g sấy khô. Ngày uống 8g, chia 2 lần.

  • Chữa ho viêm họng trẻ em:

Sâm đại hành 100g, xạ can 50g. Sắc nước, cô đặc, pha thành 300ml siro. Mỗi ngày uống 12 – 30 ml siro chia 3 lần tùy theo tuổi.