; Ý DĨ – Thảo dược HerbEco
Giỏ hàng

Ý DĨ

Ý DĨ

Tên khoa học: Coix lacryma – jobi L.

Tên khác: Bo bo, hạt cườm, cườm gạo, dĩ mễ, co đươi (Thái), mạy păt (Tày).

Tên nước ngoài: Job’s tears, gromwell read (Anh); larme – de – Job, larme de Christ, larmille (Pháp)

Họ: Lúa (Poaceae)

Mô tả

Cây thảo lớn, mọc thành bụi, cao 1 – 2m, giống cây ngô. Thân to mọc thẳng, ít phân cành, nhẵn, ruột xốp. Lá mọc so le, hình dải, dài 10 – 15cm, rộng 2 – 5cm, gốc tròn hoặc hình tim, đầu thuôn nhọn, mép uốn lượn, gân giữa to nổi rất rõ ở mặt dưới; bẹ lá dài và rộng, bẹ chìa nhỏ.

Hoa đơn tính, cùng gốc, mọc thẳng đứng thành bông ở kẽ lá, dài 4 – 8mm; hoa đực ở trên, 2 – 3 cái xếp lợp; hoa cái ở dưới hình trứng, được bao bọc bởi một lá bắc rất dày.

Quả thóc (thường gọi nhầm là hạt), hình trứng, một mặt phẳng, một mặt lồi, đáy tròn, đầu thuôn nhọn, có vỏ ngoài mềm, nhẵn bóng, dễ bóc, màu xám nhạt, nhân màu trắng.

Mùa hoa quả: tháng 5 – 12.

Hiện này, ý dĩ trồng có hai loại: Loại có thân lá màu lục vàng nhạt, quả màu vàng lục, có tên khoa học là  Coix lacryma – jobi L. mayuen Stapf. (C. mayuen Roman) và loại có thân lá màu lục sẫm, quả màu tím đen là  Coix lacryma – jobi  L. var. susudama Honda.

Cây dễ nhầm lẫn:

Hạt cườm, thuộc 3 thứ (varietas): stenocarpa, monilifera hoặc  puellarum. Dáng cây rất giống ý dĩ, nhất là khi chưa có quả. Quả hạt cườm khác ý dĩ ở chỗ hình bầu dục, không có mặt phẳng, mặt lồi, vỏ dày cứng như đá, trong không có nhân, thường chỉ được dùng làm chuỗi hạt đeo cổ, vòng đeo tay và mành che.

Phân bố, sinh thái

Coix L. là một chi nhỏ gồm những loài phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới châu Á. Ở Việt Nam có 5 loài (Nguyễn Tiến Bân, 1997).

Ý dĩ là loài cây bản địa ở Việt Nam được trồng ngay từ thời cổ xưa như một cây thuốc quý và cây tinh bột nhiều chất bổ dưỡng. Vào thế kỷ thứ 2 trước công nguyên, người Hán đã lấy giống ý dĩ ở Viêt Nam đưa về Trung Quốc trồng. Ngay nay, ý dĩ được trồng nhiều ở Trung Quốc (cả Đài Loan) và Lào. Còn ở Việt Nam, ý dĩ hiện vẫn song song tồn tại hai quần thể ý dĩ mọc tự nhiên và ý dĩ trồng.

Ý dĩ mọc tự nhiên phân bố rải rác ở một só tỉnh vùng núi phía bắc, như Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Cao Bằng, Thái Nguyên … Cây thường mọc ở gần nguồn nước, dọc bờ khư suối ở cửa rừng hay trong những thung lũng. Độ cao phân bố từ 300m đến 1000m. Ý dĩ trồng thường không cố định theo khu vực. Vào đầu những năm 90, cây được trồng nhiều ở Kom Tum (Sa Thày). Đồng Nai… từ năm 1995 – 1997 ở Sơn La (Mộc Châu); Hòa Bình (Mai Châu) và Hà Tây.

Ý dĩ là cây ưa sáng và ưa ẩm. Tùy theo từng loại giống nhau, mà có loại ý dĩ thích nghi với điều kiện khí hậu nhiệt đới điển hình ở phía nam, với nhiệt độ trung bình từ 23 đến 26oC. Trong khi đó, giống ý dĩ trồng ở các tỉnh phía bắc lại thiên về khí hậu ẩm mát của vùng cận nhiệt đới. Ý dĩ sinh trưởng tốt trên các loại đất tơi xốp, thoát nước nhanh và còn giàu chất mùn. Từ một quả giống, sau 4 – 5 tháng, đã tọa thành một nhóm gồm nhiều nhánh, có chiều cao đến 2m. Hoa ý dĩ được tạo thành một bông kép sau này cho rất nhiều hoa. Khi quả chín, toàn cây lụi, phần gốc còn lại tiếp tục tái sinh các thế hệ cây mới cho năm sau.

Việt nam là nước trồng nhiều ý dĩ trong khu vực. Trong những năm 80 và 90. Ý dĩ của Việt Nam thường xuyên được xuất khẩu ra thị trường thế giới.

Công dụng

Theo y học cổ truyền, ý dĩ có vị nhọt, nhạt, tính mát, vào các kinh tỳ, phế, thận, có tác dụng kiện tỳ, bổ phế, thánh nhiệt, lợi thấp, chỉ tả, bài nùng.

Do có lượng protid, chất béo và tính bột khá cao, nên quả ý dĩ được coi là một nguồn lương thực có giá trị, đồng thời là một vị thuốc quý. Ý dĩ chữa rối loạn tiêu hóa, phù thũng, bí đái, trường ung, tả lỵ, đau bụng, phong thất lâu ngày không khỏi, gân co quắp khó vận động. Nhân dân Việt Nam thường dùng ý dĩ làm thuốc bồi dưỡng cơ thể nhất là đối với trẻ em. Dược liệu thường có mặt trong nhiều đơn thuốc và biệt dược như 54,5% trong bột bổ tỳ trừ giun, 40% trong bột cam trẻ em và 10% trong viên phì nhi liên hoàn hoặc kẹo bổ tỳ. Ý dĩ hầm với hạt sen và thịt nạc là món ăn -  vị thuốc cho những người cơ thể gầy yếu, suy dinh dưỡng.

Liều dùng ngày 8 – 30g. Thường dùng dưới dạng thuốc sắc. dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác.

Bài thuốc

  • Thuốc bổ chữa lao lực:

Ý dĩ 3g, mạch môn đông 3g, tang bạch bì 3g, bách hộ 3g, thiện môn đông 3g. Nước 600ml. Sắc còn 200ml. Chia3 lần uống trong ngày.

  • Chữa trường ung bụng trướng đầy, tiểu tiện khó.:

Ý dĩ, qua lâu nhân, mỗi vị 6 – 9g; mẫu đơn bì, đào nhân, mỗi vị 6g. Sắc nước uống (trung được từ hau III/1554)

  • Chữa thủy thũng.

Ý dĩ, xích tiểu đậu, đông qua bì, mỗi vị 30g; hoàng kỳ, phục linh, mỗi vị 15g, sắc nước uống.

  • Chữa tiểu tiện ra sỏi:

Ý dĩ 20g, nước 600ml, sắc còn 200ml. uống liên tục đến khi thấy tiểu tiện bình thường.

  • Chữa thê thấp:

Ý dĩ 40g, thổ phục linh 20g. Nước 400ml sắc còn 200ml. chia làm 2 lần uống trong ngày. Uống liền tròng 10 ngày, nếu thấy tiểu tiện nhiều là bệnh giảm.