BÁCH BỘ
BÁCH BỘ
Tên khoa học: Stemona tuberosa Lour.
Tên khác: Củ ba mươi, mằn sòi (Tày), bẳn sam sip (Thái), hơ linh (Ba Na)
Tên nước ngoài: Stémona (Pháp)
Họ: Bách bộ (Stemonaceae)
Mô tả
Dây leo bằng thân quấn, dài 6 – 8 m, có khi hơn. Rễ củ nhiều, mập, nạc, hình trụ, mọc thành khóm dày, dài 15-30cm . Thân hình trụ hơi có cạnh, nhẵn, hơi phình lên ở những mấu, màu lục nhạt. Lá mọc đối, hoặc so le, hình trứng hoặc bầu dục dài 9 – 15 cm, rộng 6 – 12 cm, gốc hình tim, đầu thuôn nhọn; gân chính 7 – 13, hình cung, chạy từ cuống lá đến đầu lá, gân nhỏ nằm ngang, sít nhau rất đặc sắc, hai mặt nhẵn, gần như cùng màu; cuống dài 3 – 7 cm.
Cụm hoa mọc ở kẽ lá, cuống dài 2 – 4 cm, mang 1 - 2 hoa màu vàng lục; lá bắc hẹp; bao hoa gồm 4 mảnh giống nhau, hẹp ngang, dài khoảng 4 cm, mặt trong màu đỏ tía, có mùi hôi khó chịu; nhị 4 bằng nhau, chỉ nhị ngắn, đính ở gốc; bầu hình tháp.
Quả nang, hình trứng thuôn, dài 3.5 cm. Hạt 5 – 8, nhỏ, màu nâu.
Mùa hoa: tháng 3-5; mùa quả: tháng 6-8.
Phân bố, sinh thái
Stemona Lour. là một chi nhỏ, gồm các đại diện là dây leo hoặc cây thảo, phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới châu Á. Ở Việt Nam có 5-6 loài đều có rễ củ hình chùm; một số loài tương đối hiếm gặp nên đã được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam. Loài Stemona tuberosa Lour. có phạm vi phân bố rộng rãi nhất, bao gồm hầu hêt các tỉnh miền núi (trừ vùng cao trên 1000m), trung du và thậm chí có cả ở vùng ven biển và đồng bằng. Những tỉnh có nhiều Bách bộ ở Việt Nam là Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hòa Bình và Thanh Hóa.
Cây cũng phân bố ở các nước khác như: Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan, Campuchia, Trung Quốc…
Bách bộ thuộc loại ưu ẩm, ưa sáng và có thể hơi chịu bóng; thường mọc nơi đất ẩm, còn khá màu mỡ ở rừng thứ sinh ven đồi, bờ nương rẫy; cây còn mọc lẫn với nhiều cây cỏ khác ở rừng núi đá vôi ẩm. Bách bộ mọc ở nơi đất tơi xốp có rễ củ nhiều và to. Năm 1977 tại huyện Ninh Hòa (Khách Hòa), đoàn điều tra dược liệu đã thu được khóm Bách bộ, có bộ rễ củ nặng hơn 7kg. Cây Bách bộ mọc từ hạt sau hai năm thì có hoa quả. Số lượng quả trên mỗi cây không nhiều nhưng mỗi quả có nhiều hạt. Xung quanh cây mẹ thường thấy cây con mọc từ hạt. Sau khi bị chặt phá, phần còn sót lại vẫn còn khả năng tái sinh.
Nguồn trữ lượng Bách bộ ở Việt Nam tương đối phong phú. Trước đây thường được khai thác thu mua. Cây đang bị thu hẹp mạnh vùng phân bố do nạn phá rừng. Có thể trồng được bằng hạt hoặc phần gốc sau khi đã thu hết củ.
Công dụng
Bách bộ có vị ngọt, đắng, tính hơi ấm, có tác dụng nhuận phế, sát trùng.
Chữa ho, ngày dùng 4-12g, dưới dạng thuốc sắc, cao, viên hoặc bột.
Chữa giun, ngày uống 7-10g, dưới dạng thuốc sắc, uống sáng sớm, lúc đói, trong 5 ngày liền sau đó tẩy.
Diệt côn trùng, nước sắc bách bộ, cho thêm ít đường, ruồi ăn chết tới 60%. Dung dịch 1/20 giết chết bọ gậy 100%. Rắc bột Bách bộ vào hố phân, giòi chết 100%.
Đốt rễ Bách bộ, hơ khói để diệt ruồi muỗi, bọ chó, rận. Nước sắc rễ Bách bộ dùng gội đầu, ngâm quần áo có tác dụng diệt chấy rận.
Theo tài liệu nước ngoài, rễ Bách bộ được dùng điều trị lao phổi và ho
Kiêng kỵ: Tỳ vị hư yếu không dùng
Bài thuốc
- Trị ho do cảm mạo, ngứa họng, đờm ít
Bách bộ 16g,Kinh giới 12g,Bạch tiền 12g,Cát cánh 12g,Sắc uống (Trung Dược Học).
- Trị lao phổi có hang
Bách bộ 20g, Hoàng cầm 10g, Đơn bì 10g,Đào nhân 10g, Sắc đặc còn 60ml, uống ngày 1 thang, liên tục 2 – 3 tháng. Đã trị 93 cas, kết quả tốt (Đặng Tường Vinh Trung Quốc Phòng Lao Tạp Chí 1966, 1:27).
- Trị ho do lao phổi, do phế nhiệt
Bách bộ 640g,Sa sâm 640g,đổ 10 cân nước sắc bỏ bã, trộn với 640gmật ong, nấu nhỏ lửa cho thành cao. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 8ml (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).
- Trị ho, suyễn, khí quản viêm mãn tính
Bách bộ 20g,Miên hoa căn 5 cái, Ma hoàng 8g, Đại toán 1 củ, sắc uống (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).
- Trị ho gà
Bách bộ 12g, Bạch tiền 12g,Cam thảo 4g, Đại toán 2 tép, sắc uống với đường, mỗi ngày chia làm 3 lần uống liên tục 3 – 4 ngày (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).