; BẠCH ĐỒNG NỮ – Thảo dược HerbEco
Giỏ hàng

BẠCH ĐỒNG NỮ

BẠCH ĐỒNG NỮ

Tên khoa học: Clerodendrum petaaites (Lour.) Moore

Tên đồng nghĩa: Clerodendrum viscosum Vent.

Tên khác: Vậy trắng, bấn trắng, mò trắng, lẹo trắng, poóng phi đón (Thái), poong pị (Tày).

Họ: Cỏ roi ngựa (Verbenaceae).

Mô tả

Cây nhỏ, cao khoảng 1m. Thân vuông có lông màu vàng nhạt. Lá mọc đối, gốc tròn hoặc hình tim, đầu nhọn dài khoảng 10 – 20cm, rộng 8 – 15cm, mép nguyên hoặc có răng cưa rất nhỏ, có ít lông cứng và ở mặt dưới thường có tuyến nhỏ tròn; gân lá nổi rõ, gân phụ đan thành mạng lưới, vò lá thấy có mùi hăng đặc biệt; cuống lá phủ nhiều lông.

Cụm hoa mọc ở ngọn thân thành chùy hoặc xim hai ngả, phủ đầy lông màu hung; lá bắc dạng lá hình trái xoan – mũi mác, rụng sớm, lá bắc con hình mũi mác; hoa màu trắng hoặc ngà vàng; đài nhỏ, nhẵn; tràng có ống hình trụ mảnh; nhị và vòi nhụy mọc thò dài; bầu nhẵn.

Quả hạch, hình cầu, màu đen bóng, có đài tồn tại màu đỏ.

Mùa hoa: tháng 5 – 8; mùa quả: tháng 9 – 11.

Cây có công dụng tương tự:

  • Xích đồng nam – Clerodendrum kaempferi (Jacq.) Sieb. rất giống cây bạch đồng nữ, chỉ khác là hoa màu đỏ, quả màu lam đen.
  • Ngọc nữ đỏ - Clerodendrum paniculatum rất giống cây xích đồng nam, khác ở lá chia 3 – 7 thùy, thường là 5.

Phân bố, sinh thái

Clerodendrum L. là một chi lớn có khoảng 350 loài đã được ghi nhận, gồm các loại cây bụi, bụi nhỏ hoặc cây gỗ, phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới châu Á. Ở Việt Nam, có khoảng 30 loài, trong đó hơn 10 loài được sử dụng làm thuốc.

Bạch đồng nữ thuốc loại cây bụi, ưa sáng và có thể hơi chịu bóng, phân bố rải rác khắp các tỉnh vùng trung du và đồng bằng, cả ở miền Nam lẫn miền Bắc. Cây thường mọc lẫn với một số cây nhỏ khác ở quanh làng, ven đường đi và chân đồi. Còn được trồng ở một số địa phương để làm thuốc. Ở Ấn Độ, bạch đồng nữ được trồng làm cảnh vì có hoa đẹp.

Bạch đồng nữ ra hoa quả hàng năm, tuy nhiên xung quanh cây mẹ, lượng cây con mọc từ hạt ít. Phần thân và gốc còn lại sau khi chặt, có khả năng tiếp tục tái sinh.

Công dụng

Tính vị, công năng: Bạch đồng nữ có vị hơi đắng, mùi hôi, tính mát, vào hai kinh: tâm, tỳ, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, khu phong, trừ thấp, tiêu viêm.

Bạch đồng nữ được dùng điều trị các bệnh: bạch đới, tử cung viêm loét, kinh nguyệt không đều, mụn nhọt lở ngứa, viêm mật vàng da, gân xương đau nhức, mỏi lưng, huyết áp cao.

Ngày dùng 12 – 16g rễ dưới dạng thuốc sắc hay thuốc viên.

Còn dùng bạch đồng nữ trong điều trị vết thương bỏng. Bạch đồng nữ thuốc nhóm thuốc có tác dụng làm rụng nhanh có hoại tử ở vết loét. Dùng cành lá hoa tươi rửa sạch, đun sôi với nước rồi lọc và dùng nước lọc này để nhỏ giọt liên tục hoặc ngâm vết thương.

Trong y học dân gian Nepan, nước ép lá tươi, chồi non giã nát, hoặc nước ép rễ tươi, chồi non giã nát, hoặc nước ép rễ tươi uống để trị giun sán với liều lượng như sau:

Nước ép lá tươi: mỗi ngày uống một lần khoảng 4 thìa cà phê, liền trong 4 ngày. Hoặc uống mỗi ngày một lần 2 thìa cà phê nước ép lá tươi cho đến khi ra giun.

Còn dùng nước ép lá bôi để diệt bọ ký sinh ở động vật.

Trong y học dân gian Ấn Độ, thuốc nhão chế từ chồi non của cây bạch đồng nữ và cây ổi với một nhúm muối để điều trị đau dạ dày do đầy hơi, mỗi lần uống 2 thìa cà phê, ngày 2 lần cho tới khi khỏi.

Bài thuốc

  • Thuốc làm rụng nhanh các hoại tử ở vết bỏng:

Cành lá, hoa tươi bạch đồng nữ rửa sạch 1kg, nước 10 lít. Đun sôi 30 phút lọc lấy nước, nhỏ giọt liên tục hoặc ngâm vết thương ngày 2 lần, mỗi lần 1 giờ.

  • Thuốc điều kinh:

Bạch đồng nữ 16g, ích mẫu 40g, hương phụ chế 15g, đậu đen 10g, nghệ vàng 2g, ngải cứu 2g.

Sắc đặc, ngày uống một thang.

  • Chữa kinh nguyệt không đều, kinh thấy sớm kỳ, lượng máu nhiều đỏ tươi, hoặc máu ít đỏ thẫm, đau bụng trước khi thấy kinh:

Bạch đồng nữ, ích mẫu, cỏ nhọ nồi, rễ gai, dành dành hay vỏ núc nác, mỗi vị 20g. Sắc uống.