; BẠCH HOA XÀ – Thảo dược HerbEco
Giỏ hàng

BẠCH HOA XÀ

BẠCH HOA XÀ

Tên khoa học: Plumbago zeylanica L.

Tên khác: Đuôi công hoa trắng, nhài công, lài dưa, bươm bướm, cây mộng mắt, cây lá đinh, bạch tuyết hoa, pít pì khao (Tày), cỏ nhả cam (Thái).

Tên nước ngoài: Ceylon leadwort, white leadwort, swart waterbossic, white – flowered leadwort (Anh); dentelaire de Ceylan (Pháp).

Họ: Đuôi công (Plumbaginaceae).

Mô tả

Cây thảo, cao 50 – 70cm. Thân hóa gỗ ít hay nhiều, khúc khuỷu, có khía dọc rất mảnh và có đốt rõ. Lá mọc so le, hình trứng hay bầu dục thuôn, gốc gần bằng, đầu nhọn, mép lượn sóng, mặt trên màu lục sẫm bóng, mặt dưới trắng nhạt; cuống lá như ôm vào thân.

Cụm hoa thành chùm bông ở ngọn gồm nhiều hoa màu trắng; lá bắc thuôn nhọn, ngắn hơn đài hoa; đài hình trụ có cạnh rõ phủ đầy lông tuyến dính; phía trên xẻ 5 thùy rất nhỏ; tràng hoa hình đinh; ống rất hẹp, dài gấp đôi đài, 5 cánh hình trứng ngược, đầu có mũi nhọn; nhị 5, chỉ nhị hình chỉ, bao phấn thuôn màu vàng, bầu có vòi nhụy dài và rất mảnh, đầu nhụy xẻ 5 nhánh.

Quả thường lép.

Mùa hoa quả gần như quanh năm, nhưng chủ yếu vào tháng 5 – 6.

Còn có loài xích hoa xà hay đuôi công hoa đỏ, bươm bướm đỏ - Plumbago india L. (P. rosea L.) có hoa màu đỏ, cũng được dùng với công dụng tương tự.

Phân bố, sinh thái

Chi Plumbago L. có khoảng 24 loài trên thế giới, phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới châu Á, một số loài ở vùng ôn đới ấm. Có hai loài thường gặp ở các nước Nam Á và Đông Nam Á là bạch hoa xà và xích hoa xà.

Bạch hoa xà mọc hoang và được trồng ở Ấn Độ, Tây Bengal và các nước ở vùng Đông Nam Á, bao gồm Malaysia, Philippin, Thái Lam, Lào, Campuchia, Indonesia nhưng không thấy ở Boreo và đảo Moluccas. Còn gặp ở một số nơi thuộc vùng nhiệt đới châu Phi. Loài này phân bố rộng hơn so với loài xích hoa xà.

Ở Việt Nam, bạch hoa xà vừa là cây hoang dại, vừa được trồng ở một số nơi. Cây mọc rải rác ở các tỉnh miền trung và đồng bằng trung du Bắc Bộ. Bạch hoa xà được trồng ở vườn các gia đình hay vườn cây thuốc ở trạm xá xã và các cơ sở chữa bệnh y học cổ truyền. Tuy nhiên, hiện nay chưa phát hiện thấy cây thuốc này ở các tỉnh vùng núi với độ cao trên 1000m.

Bạch hoa xà là cây ưa ẩm, ưa sáng và có thể hơi chịu bóng.

Cây mọc nơi dãi nắng thấy nhiều hoa quả hơn so với cây trồng ở vườn ươm bị che bóng. Sau khi bị chặt đến sát gốc, phần còn lại tiếp tục tái sinh thành cây mới.

Công dụng

Tính vị, công năng: Bạch hoa xà có vị cay, tính nóng có độc, có tác dụng thông kinh, hoạt huyết, sát trùng, tiêu viêm, khu phong, trừ thấp, tan máu ứ.

Lá sao vàng sắc uống trừ hàn lãnh, huyết ứ của sản phụ. Theo Lĩnh nam bản thảo của Hải Thượng Lãn Ông, bạch hoa xà có công dụng giải thuốc độc, chữa trúng phong bại liệt méo mồm, phong hủi, lở ngứa, mụn nhọt.

Dùng ngoài, chữa đinh nhọt, tràng nhạc, sưng vú (dùng lá, rễ tươi giã nát đắp).

Chữa hắc lào, ghẻ lở (rễ tươi rửa sạch giã nhỏ, phơi trong râm, ngâm rượu 700 bôi)

Chữa chai chân đau không đi được (rễ tươi rửa sạch giã đắp, sau 2 giờ bỏ ra).

Nhân dân thuường dùng rễ hay lá tươi giã nhỏ với cơm thành một thứ bột nhão, đắp lên những chỗ sưng đau. Có nơi người ta sắc rễ lấy nước bôi ghẻ, dùng lá bạch hoa xà giã nát đắp lên đầu chốc lở đã rửa sạch đến khi thấy nóng thì bỏ ra.

Trong y học dân gian Ấn Độ, rễ bạch hoa xà được dùng để làm chất kích thích da, để điều trị chứng khó tiêu, trĩ, phù toàn thân, tiêu chảy và bệnh da. Bột nhão bào chế từ rễ được áp dụng để mở các áp xe, chưa bệnh phong và một số bệnh da có tính dai dẳng khó trị, bệnh nấm da và chàm. Ở một số vùng nông thôn ở Bắc Ấn Độ, nhân dân dùng nước sắc lá và cành non để gây co hồi tử cung sau khi đẻ, uống trong 10 ngày liên tục; và uống nước sắc lá hoặc rễ để gây sẩy thai, nhưng phải thận trọng, vì do tính chất độc của plumbagin, nó có thể gây buồn nôn, nôn, đau bỏng ở họng, hoặc có thể gây chết người khi dùng liều cao.

Theo kinh nghiệm dân gian Trung Quốc, rễ khô bạch hoa xà sắc uống chữa phong thấp đau xương, sưng khớp, gan lách sưng to, tâm vị đau tức. Giã lá hoặc rễ tươi đắp vết thương sưng đau, rắn cắn.

Ở châu Phi, rễ bạch hoa xà trị bệnh cúm, sốt tiểu đen, sốt chu kỳ và bệnh lây lan qua đường sinh dục.

Kiêng kỵ: Cấm uống bạch hoa xà đối với người mang thai.

Đồng bào miền núi dùng rễ gọt vỏ, đặt vào cổ tử cung để gây sẩy thai, đã xảy ra tai biến nguy hại đến tính mạng. Cần phải ngăn cấm việc này.

Bài thuốc

  • Chữa thấp khớp:

a. Thân cây bạch hoa xà bỏ lá, phơi khô, sao vàng 10 – 12g, ngâm rượu uống. Mỗi ngày uống liều như trên.

b. Rễ bạch hoa xà giã nhỏ ngâm rượu xoa bóp.

  • Thuốc đắp chữa nhọt mủ:

Lá bạch hoa xà, giã đắp qua nhiều lớp vải gạc lót trên vùng đắp thuốc để tránh tác dụng gây phỏng rộp.