BỒ CÔNG ANH
BỒ CÔNG ANH
Tên khoa học: Lactuca indica L.
Tên khác: Cây mũi mác, diếp dại, diếp trời, rau bồ cóc.
Tên nước ngoài: Indian lettuce (Anh); laitue indienne, laitue d’Inde (Pháp).
Họ: Cúc (Asteraceae)
Mô tả
Cây thảo, mọc đứng, sống một năm hay hai năm. Thân nhẵn, thẳng, cao 0,5 – 1m, có khi đến 2m, ít phân cành, đôi khi có những đốm tía. Lá mọc so le, gần như không cuống, rất đa dạng. Những lá ở dưới thuôn dài, xẻ thùy không đều, hẹp và sâu, thùy lớn và thùy nhỏ xen kẽ nhau, mép có răng cưa, gốc tù, đầu nhọn; các lá ở giữa và ở trên ngắn và hẹp hơn, có ít răng hoặc hoằng toàn nguyên.
Cụm hoa là một đầu, tụ họp thành chùy dài 20-40 cm, mọc ở ngọn thân và kẽ lá, phân nhánh nhiều, mỗi nhánh mang 2-5 đầu; tổng bao hình trụ, mỗi đầu có 8-10 hoa màu vàng hoặc vàng nhạt; tràng hoa có lưỡi dài, ống mảnh; nhị 5, bao phấn có đỉnh rất tròn, tai hình dùi; vòi nhụy có gai.
Quả bế, màu đen, có mào lông trắng nhạt, 2 cạnh có cánh, 2 cánh khác giảm thành một đường lồi. Thân và lá khi bấm có nhựa màu trắng chảy ra
Mùa hoa quả: tháng 6-7; mùa quả: 8-9.
Phân bố, sinh thái
Lactuca L. là một chi tương đối lớn, gồm những cây sống một năm, vài loài sống lâu năm, phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới và á nhiệt đới Bắc bán cầu. Ở Ấn Độ, có khoảng 25 loài, Việt Nam cũng có hơn 10 loài, trong đó, Bồ công anh có lẽ là loài phân bố phổ biến nhất, ở hầu hết các tỉnh từ miền núi đến đồng bằng. Độ cao phân bố thường không quá 1.500m. Cây cũng gặp ở nhiều nước khác nhau như Trung Quốc, Lào, Ấn Độ, Nhật Bản, Philippin và Inddoneessia…
Bồ công anh là loài cây ưu ẩm và ưa sáng, thường mọc trên những nơi đất tương đối màu mỡ, nhất là các bãi bồi ven sông, vườn bỏ hoang hoặc nương rẫy. Hàng năm, cây con mọc từ hạt thường xuất hiện vào cuối mùa xuân. Cây sinh trưởng nhanh trong mùa hè, ra hoa quả vào đầu mùa thu và sau đó lụi tàn. Hạt giống có túm lông ở đỉnh, nhờ gió phát tán đi khắp nơi. Vài năm trở lại đây, nhiều cơ sở khám chữa bệnh bằng y học dân tộc đã trồng thêm cây thuốc này.
Công dụng
Bồ công anh có vị ngọt, hơi đắng, tính hàn, có tác dụng giải độc, tiêu viêm, thanh nhiệt, tán kết.
Bồ công anh được dùng điều trị tỳ vị có hỏa uất, sưng vú, áp xe, tràng nhạc, mụn nhọt. Ngày dùng 20-40g cây tươi ép lấy nước hoặc 8-30g cây khô sắc uống. Thường phối hợp với các vị thuốc khác. Đắp trị ngoài trị ung nhọt. Có trường hợp dùng uống để điều trị bệnh đau dạ dày, ăn uống kém tiêu.
Kiêng kỵ: Trong các trường hợp âm hư hoặc tràng nhạc, ung nhọt đã vỡ mủ, khi dùng Bồ công anh nên thận trọng.
Bài thuốc
- Thuốc tiêu độc chữa sưng vú, mụn nhọt
Bồ công anh 12g, ké đầu ngựa 12g, vòi voi 12g, liên kiều 12g, kim ngân hoa 10g, kinh giới 10g, hạ khô thảo 10g, cỏ mần trầu 10g. Tất cả phơi khô, thái nhỏ sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm 2 lần trong ngày.
- Chữa đau dạ dày
Lá bồ công anh khô 20g, lá khôi 15g, lá khổ sâm 10g, nước 300ml. Đun sôi trong vòng 15 phút, thêm đường, chia làm 3 lần uống trong ngày. Uống liên tục trong vòng 10 ngày. Nghỉ 3 ngày rồi lại tiếp tục cho đến khi khỏi.
- Chữa mụn nhọt, làm nhọt chóng chín và vỡ mủ
Lá Bồ công anh tươi phối hợp với lá phù dung, rễ vông vang hoặc rễ gai, giã đắp.