; CÀ GAI LEO – Thảo dược HerbEco
Giỏ hàng

CÀ GAI LEO

CÀ GAI LEO

Tên khoa học: Solanum procumbens Lour.

Tên khác: Cà gai dây, cà vạnh, cà quýnh, cà lù, gai cườm, chẻ nam (Tày).

Họ:  Cà (Solanaceae).

Mô tả

Cây nhỏ leo, sống nhiều năm, dài khoảng 1m hay hơn. Thân hóa gỗ ở gốc, nhẵn, phân cành nhiều; cành non tỏa rộng, phủ lông hình sao và rất nhiều gai cong màu vàng. Lá mọc so le, hình bầu dục hay thuôn, gốc tròn hoặc hình nêm, đầu tù; phiến lá có thùy nông không đều, mặt trên sẫm, mặt dưới nhạt phủ đầy lông tơ màu trắng; hai mặt đều có gai ở gân chính nhất là mặt trên; cuống lá cũng có gai.

Hoa mùa tím mọc thành xim 2-5 hoa ở kẽ lá, ít khi 7-9; đài có lông, xẻ thành 4 thùy tam giác nhọn, không gai; tràng có 4 thùy hình trái xoan nhọn; nhị 4 màu vàng, chỉ nhị phình ở gốc.

Quả mọng, hình cầu nhẵn, có cuống dài, màu vàng sau đỏ, đường kính 5-7mm; hạt hình thận màu vàng.

Mùa hoa: tháng 4-6; mùa quả: tháng 7-9.

  

Phân bố, sinh thái

Cà gai leo phân bố chủ yếu ở vùng đồng bằng và trung du, không thấy ở miền núi. Vùng phân bố tương đối phong phú ở Việt Nam bao gồm các tỉnh ven biển từ Hải Phòng đến Bình Thuận. Cà gai leo còn thấy ở một vài nước nhiệt đới châu Á khác như Campuchia, Thái Lan, đảo Hải Nam-Trung Quốc.

Cà gai leo là cây ưa ẩm, ưa sáng và có thể hơi chịu bóng, thường mọc tập trung nhiều cá thể, lẫn trong các lùm bụi thưa ở quanh làng, bãi hoang, kể cả các bụi tre gai. Cây mọc ở chỗ nhiều ánh sáng, sinh trưởng phát triển tốt, ra nhiều hoa quả. Cà gai leo có khả năng tái sinh bằng hạt hoặc từ các phần thân và gốc còn lại sau khi chặt. Ngoài ra, từ các đoạn thân và cành trồng vào mùa xuân cũng có thể mọc thành cây mới.

Nguồn cà gai leo ở Việt Nam tương đối phong phú. Các tỉnh ven biển miền Trung, từ Thanh Hóa trở vào có thể khai thác mỗi năm vài chục tấn nguyên liệu để làm thuốc.

Công dụng

Cà gai leo có vị hơi the, đắng, tính ấm, hơi có độc với tác dụng phong thấp, tiêu độc, trừ ho, giảm đau, cầm máu.

Cà gai leo được dùng trị rắn cắn, phong thấp, đau nhức các đầu gân xương, ho, ho gà, dị ứng. Ngày dùng 16-20g dạng thuốc sắc uống.

Chữa rắn cắn: Theo kinh nghiệm dân gian Lào, khi bị rắn cắn mà vết thương sưng tấy, nhức nhối, để cấp cứu kịp thời, có thể lấy 30-50g rễ cà gai leo tươi, rửa sạch giã nhỏ, hòa với khoảng 200 ml nước đun sôi để nguội, chắt nước cho người bị nạn uống tức thì. Ngày uống 2 lần. Người bị nạn sẽ cảm thấy dễ chịu ngay, bớt đau nhức, ngủ được. Sang ngày sau, tiếp tục cho uống nước sắc rễ cà gai leo phơi khô (10-30g, rễ khô, chặt nhỏ, sao vàng, nấu với 600ml nước còn 200ml) . Mỗi ngày uống 2 lần. Dùng 3-5 ngày là khỏi hẳn.

Chữa tê thấp: Rễ cà gai leo, rễ thổ phục linh, rễ xích đồng nam, dây chiều, dây gắm, dây mặt quỷ, dây tơ xanh, vỏ thân ngũ gia bì (mỗi thứ 1 kg), dây đau xương, cành hoặc lá vông nem (mỗi thứ 1/2kg). Tất cả chặt nhỏ, nấu với nước nhiều lần để được 1 lít cao. Thêm 500 g đường, cô còn 700ml. Để nguôi. Đổ rượu 300 vào cao cho đủ thành 1 lít. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 30ml.

Chữa ho, ho gà: Rễ cà gai leo 10g, lá chanh 30g. Sắc uống làm 2 lần trong ngày.

Ngoài công dụng trên, cà gai leo còn được nhân dân ở một số nơi dùng chữa say rượu. Người ta cho rằng trong khi uống rượu, thỉnh thoảng xát răng bằng rễ cà gai leo thì tránh được say. Nếu đã bị say, uống nước sắc của rễ.

Bài thuốc

  • Chữa phong thấp

Rễ cà gai leo, rễ xấu hổ, thổ phục linh, rễ cỏ xước, kê huyết đằng, rễ cỏ tranh, mỗi vị 16g. Sắc uống

Rễ cà gai leo, vỏ chân chim, rễ cỏ xước, dây đau xương, kê huyết đằng, rễ tầm xuân, mỗi vị 20g. Sắc uống.

  • Chữa tê thấp, bàn chân tê buốt, sợ nước, sợ lạnh, khớp xương đau buốt

Rễ cà gai leo, rễ lá lốt, quýt rừng, rễ gấc, rễ xuyên tiêu, cốt khí củ, mỗi vị 20-30g. Sắc uống.

  • Chữa sưng mộng răng

Hạt cà gai leo 4g tán nhỏ, cho vào nồi đồng với một ít sáp ong, đốt lấy khói xông vào chân răng.