; CÁT SÂM – Thảo dược HerbEco
Giỏ hàng

CÁT SÂM

CÁT SÂM

Tên khoa học: Millettia speciosa Champ.

Tên khác: Sâm nam, sâm chèo chèo, sâm trâu.

Họ:  Đậu (Fabaceae).

Mô tả

Cây nhỏ, leo, thân gỗ, dài tới 5 - 6m. Cành non có nhiều lông mềm như nhung, màu trắng, sau nhẵn màu nâu. Lá kép lông chim, mọc so le, có cuống dài phủ đầy lông, lá chét 7-13, thường là 11, hình mũi mác thuôn hoặc bầu dục, dài 4-7cm, rộng 2-3cm, gốc tròn, đầu nhọn, mặt trên màu lục sẫm, có lông ở gần, mặt dưới phủ lông dày màu trắng, gân lá thành mạng rất rõ.

Cụm hoa tận cùng thành thùy, có lông, dài 10-20cm; hoa rất nhiều, màu trắng ngà; lá bắc dạng lá; đài có răng tam giác, mặt ngoài nhủ đầy lông; tràng hoa nhẵn ở mặt ngoài, cánh cờ rộng 1,8 cm, những cánh bên gần thẳng; bộ nhụy 2 bó, bầu có lông.

Quả phủ đầy lông mềm, thắt lại ở các hạt; hạt 4-6 có vỏ khá dày, màu đen.

Mùa hoa: tháng 7-9; mùa quả: tháng 10-12.

Tránh nhầm với cây sâm gạo (Vigna vexillata (L.) Benth.) cùng họ, chỉ có 3 lá chét.

Phân bố, sinh thái

Chi Millettia Wight & Arn. Có tới hơn 50 loài trên thế giới, bao gồm các đại diện là cây gỗ, cây bụi hay dây leo thân gỗ, phân bố khắp các vùng nhiệt đới, á nhiệt đới và ôn đới ẩm. Ở Việt Nam, chi này có 25 loài. Một số loài có chất độc nên thường được sử dụng làm thuốc diệt côn trùng hoặc đuôc cá. Cát sâm là một trong số ít loài có rễ củ, không độc.

Cát sâm phân bố hạn chế ở một số nước Lào. Nam Trung Quốc và Việt Nam. Ở Việt Nam, cát sâm phân bố rải rác ở các tỉnh miền núi và trung du. Vùng phân bố tương đối tập trung ở một số tỉnh như: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái…Độ cao phân bố thường dưới 1000m.

Cát sâm là cây ưa ẩm, ưu sáng, hơi chịu bóng ở thời kỳ cây con. Cây thường mọc lẫn trong các đám cây bụi hay gỗ nhỏ ở rừng thứ sinh, ven đồi, bờ nương rẫy. Đặc biệt là ở ven rừng ẩm núi đá vôi. Ở đây, cây thường có kích thước lớn hơn cây mọc ở đồi. Một khóm có thể thu hoạch được 2-3 kg rể củ. Cát sâm ra hoa quả nhiều hàng năm. Khả năng tái sinh cây con từ hạt tốt. Ngoài ra, khi cây bị chặt phá thường xuyên, phần gốc còn lại vẫn có khả năng tái sinh thành cây mới.

Công dụng

Rễ cát sâm vị ngọt, tính bình, có tác dụng thư cân, hoạt lạc, bổ hư, nhuận phế.

Cát sâm được coi là vị thuốc bổ mát, dùng trong những trường hợp suy nhược, viêm phế quản mạn tính, lao phổi, ho khan, sốt, khát nước, nhức đầu, tiểu tiện khó khăn. Có tài liệu nêu chữa di tinh ở nam giới, bạch đới ở nữ giới. Ngày 10-20g, có thể tới 40g. Dùng riêng, dưới dạng thuốc sắc, ngâm rượu hoặc phơi khô tán bột uống. Có thể phối hợp với các vị thuốc khác. Nhân dân ở các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây – Trung Quốc cũng dùng cát sâm làm thuốc chữa đau nhức, thấp khớp, đau lưng, viêm gan mạn tính, ho. Ngày 40-80g, dạng thuốc sắc.

Bài thuốc

  • Chữa ho có nhiều đờm, ho khan, ho dai dẳng

Cát sâm 12g, mạch môn 12g, thiên môn 8g, vỏ rễ dâu 8g. Sắc chia làm 3 lần uống trong ngày.

  • Chữa nhức đầu, sốt, khát nước, bí tiểu tiện

Cát sâm 30g, (tẩm mật sao) sắc uống.

Cát sâm 12g, cát căn 12g, cam thảo 4g. Sắc, chia làm 3 lần uống trong ngày.

  • Chữa cơ thể suy nhược, kém ăn

 Cát sâm tẩm nước gừng, sao vàng. Ngày 30g, sắc uống.