CÂY CAU
CÂY CAU
Tên khoa học: Areca catechu L.
Tên khác: Binh lang, tân lang, mạy làng (Tày), pơ lạng (K’ Ho)
Tên nước ngoài: Areca – nut palm, betel – nut palm, areca palm, penang palm, catechu palm (Anh); aréquier, noix d’arec (Pháp)
Họ: Cau (Arecaceae)
Mô tả
Cây có thân mọc thẳng đứng, cao 15 -20m. Thân hình trụ rỗng, có nhiều vòng đốt là vết tích của những tàu lá rụng; gốc thân hơi phình ra, mang nhiều rễ nổi trên mặt đất. Ở ngọn thân có một chùm lá rộng; lá có cuống và bẹ to, mang hai dãy lá chét xếp đều đặn dạng lông chim, lá chét hẹp ngang, màu lục bóng, có gân to.
Cụm hoa là một bong mo phân nhánh, thường gọi là buồng, bao bọc bởi một mo rụng sớm; hoa đực rất nhiều ở trên, nhỏ, rất thơm gồm 3 lá đài màu vàng lục, 3 cánh hoa màu trắng, 6 nhị; hoa cái to hơn, bao hoa không phân hóa, bầu trên 3 ô.
Quả hạch, hình trứng, vỏ quả ngoài mỏng, nhẵn bóng, khi chín màu vàng đỏ, vỏ quả giữa cứng và nhiều xơ; hạt hơi hình nón cụt đầu tròn, màu nâu nhạt.
Mùa hoa: tháng 5; mùa quả: tháng 10.
Phân bố, sinh thái
Chi Areca L. có khoảng 20 loài trên thế giới, phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới châu Á, châu Đại Dương. Tuy nhiên, trung tâm đa dạng của chi này lại ở vùng nhiệt đới Ấn Độ - Malaysia. Ở Việt Nam có 3 loài.
Cau là cây có nguồn gốc ở Malaysia, sau được nhập trồng sang các nước khác ở Đông Nam Á và Nam Á như Philippin, Thái Lan, Indonesia (Sumatra, Java), Srilanca, Mianmar và sang cả Madagasca và Đông Phi. Cây được trồng với nhiều mục đích, trong đó có việc lấy quả để ăn trầu. Một số loài khác cũng cho quả được dùng ăn trầu như Areca concinna (ở Srilanca, Naga và Assam - Ấn Độ); A. triandra (ở đảo Andaman - Ấn Độ và Sumatra – Indonesia).
Cau là cây trồng lâu đời và rất quen thuộc ở Việt Nam. Cây được trồng ở khắp nơi, nhất là vùng trung du và đồng bằng. Các tỉnh phía nam trồng nhiều hơn các tỉnh phía bắc. Cây thích nghi cao với điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng và ẩm. Nhiệt độ trung bình từ 22 đến 260C. Ở vùng núi cao trên 1000m ở các tỉnh phía bắc, không trồng được cau. Cây trồng từ hạt sau 4-5 năm có thể có hoa quả lứa đầu. Các năm về sau hoa quả nhiều hơn. Cây có thể sống được 60, thậm chí 100 năm (The Wealth of India, vol. I, 1984, 109-111).
Công dụng
Theo y học cổ truyền, hạt cau có vị đắng, chát, tính ôn, vào các kinh tỳ, vị, đại tràng, có tác dụng diệt trùng, tiêu tích, hành khí, lợi thủy.
Đại phúc bì có vị cay, tính hơi ôn, vào 5 kinh: tỳ, phế, vị, đại tràng, tiểu tràng. Có tác dụng hạ khí, khoan trung, hành thủy, tiêu thũng.
Hạt cau và hoạt chất arecolin thường được dùng làm thuốc trị bệnh giun sán cho gia súc gia cầm, như đối với chó thì liều dùng để trị sán của hạt cau là 4-10g hoặc arecolin bromhydrat là 1-15mg tùy theo thân trọng.
Đối với người, hạt cau phối hợp với hạt bí ngô dùng làm thuốc diệt sán. Cách dùng như sau: sáng sớm lúc đói bụng ăn 60-120g hạt bí ngô cả vỏ hoặc 40-100g hạt đã bóc vỏ. Hai giờ sau uống nước sắc hạt cau với liều 30g cho trẻ con dưới 10 tuổi, 50-60g cho phụ nữ và đàn ông bé nhỏ, 80g cho người lớn. Nước sắc hạt cau chế với liều trên, đun với 500ml nước, sắc đặc còn khoảng 150-200ml. Nhỏ dung dịch gelatin 2,5% để kết tủa hết tanin, xong lắng gạn và lọc, đun sôi còn 100-150ml. Uống hết một lần. Sau khi dùng nước sắc hạt cau nửa giờ, uống một liều thuốc tẩy (magie sulfat 30g). Nằm nghỉ đợi thật buồn đi ngoài, đại tiện trong một chậu nước ấm, nhúng cả mông vào. Chú ý trước khi đun sôi, ngâm nước hạt cau sẽ có tác dụng hơn không ngâm nước.
Dung dịch 1% arecolin bromhydrat có tác dụng gây thu nhỏ đồng tử mạnh, có thể dùng làm thuốc hạ nhãn áp trong bệnh glôcôm (glaucome), nhưng hiện nay ít dùng do có tác dụng phụ kích thích giác mạc.
Đại phúc bì chữa thấp trỡ, khí trệ, phù toàn thân, bụng đầy trướng, đại tiện không thông, tiểu tiện khó khăn. Liều: 6-9g sắc uống cùng với nhiều vị thuốc khác.
Bài thuốc
- Chữa sốt rét:
Hạt cau 2g, thường sơn 6g, thảo quả 1g, cát căn 4g; nước 600ml. Sắc đặc còn 200ml, chia làm 3 lần uống trong ngày.
- Chữa khó tiêu, bụng đầy trướng:
Hạt cau 10g, sơn tra 10g. Sắc nước uống.
- Chữa phù toàn thân, bụng trướng, mạch phù.
Đại phúc bì (chích), tang bạch bì (chích) phục linh bì, sinh khương bì, trần bì (ngũ bì ẩm). Mỗi thứ lượng bằng nhau. Mỗi lần dùng 12g, sắc nước uống hoặc nghiền thành bột uống.
- Chữa ngoại cảm phong hàn, nội thương thấp trệ, tức ngực, bụng đau, nôn mửa, miệng nhạt:
Đại phúc bì, bạch chỉ, tử tô, phục linh, mỗi thứ 30g, bán hạ, bạch truật, trần bì, hậu phác, cát cánh mỗi thứ 60g, hoắc hương 90g, cam thảo (chích) 70g. Tất cả nghiền thành bột uống mỗi lần 6g, hoặc sắc uống cho thêm 3 lát gừng sống và 1 quả đại táo.