; CHÈ DÂY – Thảo dược HerbEco
Giỏ hàng

CHÈ DÂY

CHÈ DÂY

Tên khoa học: Ampelopsis cantoniensis (Hook.et Arn.) Planch.

Tên khác: Chè hoàng giang, song nho, pàn oỏng, khau cha (Tày).

Họ:  Nho (Vitaceae)

Mô tả

Cây leo. Thân và cành cứng, hình trụ, có lông nhỏ. Tua cuốn chẻ đôi, mọc đối diện với lá. Lá kép lông chim, mọc so le, có 7-13 lá chét có cuống, hình trái xoan, dài 2,5 – 7,5 cm, rộng 1,5 – 5cm, gốc tròn, đầu nhọn, mép có ít răng cưa, nhẵn, mặt trên lá khi khô có những vết trắng loang lổ như bị nấm mốc, mặt dưới rất nhạt; lá kèm khô xác.

Cụm hoa mọc đối diện với lá thành ngù phân nhiều nhánh, rộng 3-6 cm; hoa nhiều màu trắng; dài hình chén, có lông mịn, 5 răng ngắn; tràng có 5 cánh, mép hơi nhăn; nhị 5, chỉ nhị mảnh; bầu hình nón, nhẵn, có 2 ô, mỗi ô 2 noãn.

Quả mọng khi chín màu đen; hạt 3-4, thót lại ở gốc.

  

Phân bố, sinh thái

Chi Ampelopsis Michx. không rõ có bao nhiêu loài trên thế giới; chỉ biết rằng ở Ấn Độ và Trung Quốc có 5-6 loài được mô tả. Ở Việt Nam, có tác giả ước tính tới 5 loài (Nguyễn Tiến Bấn, 1997). Trong đó, cây chè dây là loài được dùng làm thuốc. Loài này còn có ở một số tỉnh phía nam Trung Quốc, Lào, Ấn Độ và Indonesia.

Chè dây phân bố ở Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai. Sau đó được phát hiện thêm ở nhiều điểm như Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ (Hà Giang); Hương Khê (Hà Tĩnh); Trà My (Quảng Nam); Đắk Tô, Konp lông (Kon tum); K’Bang (Gia Lai) (Nguyễn Tập và cộng sự, 1999-2002) và một số điểm khác ở Nghệ An, Lâm Đồng và Đồng Nai (Võ Văn Chi, 1997). Trong số các điểm phân bố trên, có lẻ Đồng Văn và Yên Minh là nơi có chè dây mọc tập trung nhất. Trữ lượng hiện có, ước tính tới vài trăm tấn.

Chè dây là loại cây ưa ẩm và ưa sáng, thường leo và mọc trùm lên trên các loại cây bụi và cây gỗ nhỏ ở vùng đồi, ven rừng hoặc ở bờ nương rẫy. Độ cao phân bố từ 600 đến 1.600m. Cây tỏ ra thích nghi với vùng á nhiệt đới núi cao như Hà Giang, Lào Cai… Mùa ra chồi và sinh trưởng mạnh trùng với mùa mưa ẩm. Những cây mọc trùm lên các loại cây khác có nhiều hoa quả hơn cây bị che bóng. Chè dây có khả năng tái sinh chồi mạnh sau khi bị chặt cành. Hiện nay, nạn phá rừng làm nương rẫy vẫn là nguy cơ chủ yếu làm thu hẹp vùng phân bố tự nhiên của chè dây ở Việt Nam.

Cây có thể trồng được bằng cách gieo hạt và các cây con thu thập trong tự nhiên.

Công dụng

Chè dây có vị ngọt, nhạt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, khu phong, lợi thấp, giảm đau, chống viêm.

Thân và lá được dùng nấu nước uống thay chè. Viện Y học cổ truyền chiêt ra dạng cao khô dùng chữa loét dạ dày tá tràng.

Tài liệu Trung Quốc dùng chè dây chữa viêm kết mạc cấp tính, viêm gan thể hoàng đản, cảm mạo phong nhiệt, viêm họng, mụn nhọt. Dùng toàn cây ngày 15 – 60g sắc uống. Dùng ngoài, lấy cây tươi, đun sôi, xông, chữa viêm kết mạc cấp.

Bài thuốc

  • Chữa đau dạ dày

Theo kinh nghiệm của đồng bào Tày, hàng ngày, lấy 30-50g dược liệu, hãm hoặc sắc uống làm nhiều lần. Một đợt điều trị dùng liên tục từ 15-30 ngày. Trường Đại học Dược Hà Nội đã chế ra chế phẩm Ampelop có 50% flavonoid chè dây, còn Viện Dược liệu chế ra chế phẩm Cantonin có 80% flavonoid chè dây, mỗi lần dùng 3 viên nang 0,25g, ngày 2-3 lần.

  • Phòng bệnh sốt rét

Chè dây 60g, lá hồng bì 60g, rễ cỏ xước, lá đại bi, lá tía tô, lá hoặc vỏ cây vối, rễ xoan rừng mối thứ 12g, thái nhỏ, phơi khô, sắc với 400ml nước còn 100ml uống trong ngày. Cứ 3 ngày dùng một thang.

  • Chữa tê thấp đau nhức

Lá chè dây tươi giã nát, hơ nóng, gói vào vải sạch, đắp vào chỗ đau nhức