CHÓC MÁU
CHÓC MÁU (LỒNG ĐÈN)
Tên khoa học: Salacia chinensis L.
Tên khác: Lồng đèn, chóc máu tàu, chóc máu Trung Quốc
Họ: Dây gối (Celastraceae)
Mô tả
Cây bụi leo cao 2-3m, cành nhỏ có cạnh, màu đỏ nhạt, sau đen dần. Lá mọc đối, hình bầu dục dài 5 – 11cm, rộng 3 – 5 cm, chóp hơi nhọn, mép nguyên hay có răng cưa, mặt trên màu lục sẫm, mặt dưới màu lục nâu; 6 – 7 đôi gân bên; lá kèm nhỏ.
Hoa nhỏ, màu vàng nhạt, mọc 1 – 2 cái ở nách lá. Lá đài 5, hình tam giác tù dính nhau ở gốc, có răng nhỏ. Cánh hoa 5, có mép nguyên, màu trắng vàng, tròn đầu. Nhị 3, bọc lấy một đĩa mật dày; chỉ nhị ngắn; bao phấn có các ô tẽ ra ở gốc. Vòi nhụy dài bằng bầu; bầu 3 ô, mỗi ô 2 noãn.
Quả mọng, hình quả lê, sau tròn dần, màu đỏ, cao 13 – 15 mm, chứa 1 – 2 hạt dài 8mm.
Phân bố, sinh thái
Ở nước ta, có gặp từ Lạng Sơn, Bắc Giang, Quảng Ninh, Ninh Bình qua Quảng Trị, Quảng Nam, Ninh Thuận, Đồng Nai tới Kiên Giang và An Giang.
Còn có ở Ấn Độ, Mianma, Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippin.
Cây mọc trong rừng thứ sinh, rừng thưa và sinh cảnh hở. Ra hoa vào tháng 12, tháng 1, có quả từ tháng 2 đến tháng 4.
Công dụng
Tính vị, tác dụng: Vị chát, tính ấm, có tác dụng khư phong trừ thấp, thông kinh hoạt lạc.
Ở Trung Quốc, rễ cây dùng làm thuốc trị viêm khớp do phong thấp, lưng cơ lao tổn và cơ thể vô lực.
Liều dùng 20 – 40g, dạng thuốc sắc. Dùng rượu phối hợp với Khuy áo nhẵn và Dây máu, mỗi vị 15 – 20g cùng sắc uống.