; CỎ MỰC – Thảo dược HerbEco
Giỏ hàng

CỎ MỰC

CỎ MỰC

Tên khoa học: Eclipta prostrata (L.) L.

Tên khác: Nhọ nồi, hạn liên thảo, lệ trường, phong trường, mạy mỏ lắc nà (Tày), nhả cha chát (Thái).

Tên nước ngoài: Dyer’s weed, dye-weed, white eclipta (Anh); éclipte

Droite (Pháp).

Họ: Cúc (Asteraceae).

Mô tả

Cây thảo, mọc đứng, đôi khi bò lan rồi vươn thẳng, cao 30 - 40cm, có khi hơn. Thân tròn, có lông cứng áp sát, màu lục hoặc đỏ tía. Lá mọc đối, hình mác, dài 2 - 8cm, rộng 0,5 – 1,5cm, gốc thuôn, đầu nhọn, mép khía răng rất nhỏ, hai mặt có lông nháp; cuống lá rất ngắn.

Cụm hoa mọc ở ngọn thân hoặc kẽ lá thành đầu, cuống dài 1 - 4cm, có lông thô áp sát; đầu có đường kính 0,8 - 1,2cm, lá bắc thuôn nhọn, có lông; hoa màu trắng, hoa cái ở ngoài, hình lưỡi, xếp thành một hàng, hoa lưỡng tính ở trong hình ống, mào lông giảm thành vảy nhỏ và ngắn, tràng hoa cái có lưỡi nguyên hoặc xẻ 2 răng; tràng hoa lưỡng tính có 4 thùy hình trái xoan, nhị 4.

Quả bế, dài 3mm, rộng l,5mm, có 3 cạnh, hơi dẹt, đầu bẹt, có 2 sừng nhỏ.

Mùa hoa quả: tháng 2 - 5.

Cây rất đa dạng. Thân có thể thắt lại ở mấu và phình ra ở dóng. Lá có khi to bản, hình bầu dục hoặc hình trứng.

Phân bố, sinh thái

Chi Eclipta L. chỉ có một loài là cây cỏ mực mọc tập trung nhiều ở hầu hết các nước vùng Nam và Đông Nam châu Á.

Ở Việt Nam, cỏ mực phân bố rộng rãi ở khắp các tỉnh vùng đồng bằng, trung du và miền núi, đến độ cao 1500m (ở các tỉnh phía nam). Cây ưa ẩm, ưa sáng và có thể hơi chịu bóng, thường mọc lẫn với các loại cỏ thấp, trên đất ẩm ở bãi sông, ruộng trồng hoa màu, ven đường đi, bãi hoang quanh làng bản… Ra hoa quả nhiều hàng năm, tái sinh tự nhiên chủ yếu bằng hạt. Bên cạnh đó với khả năng mọc chồi gốc và phân cành nhiều, cây dễ dàng phát triển, tạo thành đám bò lan trên mặt đất.

Công dụng

Tính vị, công năng: Cỏ mực có vị ngọt chua, mặn, tính mát, có tác dụng bổ thận, mạnh xương, đen tóc, mát huyết, cầm máu, giải độc.

Cỏ mực thường được dùng làm thuốc bổ máu, cầm máu bên trong và bên ngoài, chữa ho ra máu, lỵ ra máu, rong kinh, băng huyết, chảy máu cam, trĩ ra máu, nôn ra máu, đái ra máu, bị thương chảy máu. Còn dùng chữa ban sởi, ho, hen, viêm họng, bỏng, lao phổi, di mộng tinh, bệnh nấm ở da, làm thuốc mọc tóc (sắc uống hoặc ngâm vào dầu dừa mà bôi) và nhuộm tóc.

Mỗi ngày dùng 20g cây khô, dưới dạng thuốc sắc uống. Dùng tươi 30 - 50g, giã vắt lấy nước uống, còn bã đắp vết thương.

Trong y học cổ truyền Trung Quốc, cỏ mực được dùng làm thuốc bổ toàn thân và cầm máu, có trong thành phần thuốc mỡ để điều trị một số bệnh của da. Liều dùng một lần: 4 - 6g, dạng thuốc sắc uống.

Ở Ấn Độ, cỏ mực được dùng làm thuốc bổ và chữa ứ tắc trong các bệnh phì đại gan và lách, và chữa một số bệnh về da. Dịch ép cây được dùng phối hợp với một số chất thơm để chữa vàng da xuất tiết. Dịch ép lá cây được dùng cùng với mật ong để chữa số mũi ở trẻ nhỏ. Một chế phẩm làm từ dịch ép lá cỏ mực đun nóng với dầu dừa hoặc dầu vừng được dùng để bôi đầu làm tóc mọc đầy và đen. Cây tươi có tác dụng giảm đau và thấm hút. Nó được trộn với gôm để chữa đau răng và đắp với một ít dầu để trị nhức đầu. Nó cũng được đắp với dầu vừng để trị phù voi. Cây cỏ mực được dùng làm chất nhuộm để xăm hình. Lá cỏ mực được dùng làm rau ăn ở Java, và làm gia vị ở một số vùng Ấn Độ.

Cỏ mực được dùng ngoài làm thuốc sát trùng chữa các vết thương và vết loét ở gia súc.

Bài thuốc

  • Thuốc cầm máu:

a. Mỗi ngày 12g cỏ mực khô hoặc 30 – 50g tươi, sắc uống. Dùng riêng hoặc phối hợp với ngó sen, lá trắc bá, bách hợp.

b. Viên cỏ mực – cóc kèn: Cao lỏng cỏ mực (1/1) một phần, bột mịn lá cóc kèn 2 phần, tá dược vừa đủ làm viên nén 200mg. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 5g.

  • Chữa lỵ:

a. Cỏ mực 10g, rau sam 10g, cỏ sữa lá to 10g, lá nhót 10g, búp ổi 10g. Dạng thuốc bột, thuốc hoàn, ngày uống 2 - 3 lần, mỗi lần 10g.

b. Cỏ mực tươi 100g, lá mơ tươi (mơ tam thể hay mơ trắng) 80g, lá dại thanh tươi 30g, hạt cau 6g, bách bộ 12g, vỏ đại 8g. Sắc đặc chia nhiều lần uống trong ngày. Có tác dụng với cả lỵ amip và trực khuẩn.

c. Cỏ mực tươi 100g, lá mơ lông (mơ trắng, mơ dại) 100g. Nếu chỉ có 1 trong 2 vị, dùng 200g tươi. Sắc đặc chia nhiều lần uống trong ngày.

  • Chữa ỉa chảy (do nhiễm khuẩn đường tiêu hóa):

Cỏ mực 1 nắm, mã đề tươi 1 - 2 nắm, rau má 1 nắm. Sắc đặc, chia nhiều lần uống trong ngày.

  • Chữa sốt xuất huyết nhẹ, sốt phát ban, phong nhiệt nổi mẩn:

Cỏ mực, rau sam, sài đất, huyền sâm, mạch môn, ngưu tất, mỗi vị 10 - 15g, sắc uống.

  • Chữa sốt xuất huyết:

a. Cỏ mực tươi 30g, rau má tươi (hoặc cát căn, cỏ mần trầu) 30g, bông mã đề tươi (hoặc cối xay, rễ cỏ tranh) 20g. Vắt lấy nước uống hoặc sắc uống. Bài thuốc này cũng có thể dùng để phòng bệnh.

b. Cỏ mực tươi 40g, rau má tươi (hoặc cát căn) 40g, rau sam tươi 40g, mã đề tươi 40g, kim ngân tươi 30g, hoa hoè 10g, thảo quyết minh 10g. Sắc với 300ml nước lấy 100ml uống nước đầu. Sau đó sắc nước thứ hai và thứ ba uống tiếp trong ngày.

  • Chữa các chứng đau sưng ở trẻ em và người lớn:

Cỏ mực, rau diếp cá, lá xương sông, lá huyết dụ, lá khế, lá dưa chuột, lá nhài, lá cải trời giã nát, thêm nước, vắt lấy nước uống, bã dùng xoa, đắp chỗ sưng.

  • Chữa trẻ em tưa lưỡi:

Cỏ mực tươi 4g, hẹ 2g. Hai vị rửa sạch, giã nhỏ, vắt lấy nước cốt, hòa mật ong, trộn đều, chấm thuốc vào lưỡi, cách 2 giờ một lần.

  • Chữa rong kinh, rong huyết sau khi đặt dụng cụ tử cung:

Cỏ mực 16g, sinh địa 16g, hoài sơn 16g, đương quy 12g, bạch thược 12g, thỏ tỵ tử 12g, ích mẫu 12g, hương phụ 10g, xuyên khung 8g, sắc uống.

  • Chữa rối loạn kinh nguyệt (kinh nguyệt thường thấy trước kỳ, lượng huyết nhiều):

Cỏ mực tươi 30g, rau má tươi 30g, sinh địa 16g, ích mẫu 16g, củ gấu (tứ chế) 12g, quả dành dành (sao cháy) 12g, ngưu tất 12g. Sắc uống ngày một thang.

  • Chữa động thai băng huyết:

Cỏ mực 1 nắm, ngải cứu 1 nắm, trắc bách diệp 1 nắm sao cháy đen, cành tía tô 12g (hoặc nhọ chảo, nhọ soong 10g), củ gai 12g. Sắc đặc uống làm một lần.

  • Ho do viêm họng hoặc viêm amidan cấp:

Cỏ mực tươi 50g, sắc uống mỗi ngày 1 thang, trong 3 ngày.

  • Chữa thâp khớp (có sưng khớp):

Cỏ mực 16g, rễ cỏ xước 16g, hy thiêm 16g, thổ phục linh 20g, ngải cứu 12g, thương nhĩ tử 12g. Sao vàng, sắc đặc, ngày uống một thang, trong 7 - 10 ngày liền.

  • Chữa di mộng tinh:

a. Cỏ mực sấy khô tán nhỏ, uống mỗi lần 8g với nước cơm, hay sắc 30g uống.

b. Cỏ mực 12g; tỳ giải, bồ công anh, củ mài, mỗi vị 16g; ý dĩ, hoàng bá nam, mẫu lệ, cam thảo nam, mỗi vị 12g. Sắc uống ngày một thang.

  • Chữa chảy máu kéo dài do nguyên nhân bệnh:

Cỏ mực, đảng sâm, ô tặc cốt, mỗi vị 16g; hoàng kỳ, bạch truật, địa du, ngải cứu, trắc bá diệp, mỗi vị 12g; đương quy 8g; cam thảo 6g. Sắc uống ngày một thang.

  • Chữa đái ra máu do viêm nhiễm mạn tính đường tiết niệu:

Cỏ mực 16g; hoàng bá, thục địa, quy bản, rễ cỏ tranh, mỗi vị 12g; tri mẫu, chi tử sao đen, mỗi vị 8g. Sắc uống ngày một thang.

  • Chữa rong kinh:

a. Do thừa foliculin: Cỏ mực 20g; đảng sâm, ý dĩ, hoài sơn, mỗi vị l6g; bạch truật 12g; huyết dụ 6g. Sác uống ngày một thang.

b. Do nhiễm khuẩn đường sinh dục (huyết nhiệt): Cỏ mực 20g; sinh địa, huyền sâm, mỗi vị 16g; địa cốt bì, rễ cỏ tranh, mỗi vị 12g; huyết dụ 6g. Sắc uống ngày một thang.

  • Chữa rong huyết:

a. Cỏ mực, sinh địa, mỗi vị 16g, huyền sâm 12g; địa cốt bì, kỷ tử, a giao, than bẹ móc, chi tử sao, mỗi vị 8g. Sắc uống ngày một thang.

b. Cỏ mực 16g; ích mẫu 20g; đào nhân 10g; uất kim, nga truật, mỗi vị 8g; huyết dụ 6g; bách thảo sương 4g. Sắc uống ngày một thang.

c. Cỏ mực 16g; đảng sâm, thục địa, cỏ nến, mỗi vị 12g; hương phụ, bạch truật, xuyên khung, mỗi vị 8g; chỉ xác 6g. Sắc uống ngày một thang.

  • Chữa phong tê thấp:

Cỏ mực 100g, vòi voi 300g, củ bồ bồ 150g, rễ nhàu 100g. Các vị tán nhỏ làm hoàn to bằng hạt tiêu. Liều uống 20 hoàn, ngày 3 lần.

  • Chữa lao phổi:

Cỏ mực 12g; đảng sâm 16g; bạch truật, tử uyển, mỗi vị 12g; phục linh, bách hợp, mỗi vị 8g; cam thảo, ngũ vị tử, bối mẫu, mỗi vị 6g. Sắc uống ngày một thang.

  • Chữa thiếu máu do thiểu năng tạo máu của tủy xương:

Cỏ mực, thục địa, mỗi vị 16g; hoài sơn, mai ba ba, ngẫu tiết, rễ cỏ tranh, mỗi vị 12g; sơn thù, trạch tả, phục linh, đan bì, mỗi vị 8g. Sắc uống ngày một thang.

  • Chữa viêm gan virus thể mạn tính tiến triển:

Cỏ mực 12g; mẫu lệ 16g; kê huyết đằng, sinh địa, mỗi vị 12g; quy bản 10g; uất kim, tam lăng, nga truật, chỉ xác, mỗi vị 8g. Sắc uống ngày một thang.

  • Chữa đái ra máu kéo dài do bệnh toàn thân:

Cỏ mực, đảng sâm, mỗi vị 16g; hoài sơn, bạch truật, thạch hộc, ngẫu tiết sao đen, thục địa, trắc bá diệp, ngải cứu, mỗi vị 12g. Sắc uống ngày một thang.

  • Chữa bệnh bại liệt trẻ em giai đoạn khởi phát:

Cỏ mực, cỏ tranh, bồ công anh, cam thảo đất, liên kiều, mã đề, mỗi vị 10g; ngân hoa 6g. Sắc uống ngày một thang.

 

TRỒNG VÀ SẢN XUẤT CỎ MỰC TẠI TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU VÀ SẢN XUẤT DƯỢC LIỆU MIỀN TRUNG

Vùng trồng dược liệu Cỏ Mực của Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất Dược liệu miền Trung được Cục quản lý Y dược cổ truyền - Bộ Y Tế cấp giấy chứng nhận vùng trồng dược liệu đạt chuẩn GACP - WHO

       

 

Chọn mua trà Cỏ Mực hút chân không