; CỐT KHÍ CỦ – Thảo dược HerbEco
Giỏ hàng

CỐT KHÍ CỦ

CỐT KHÍ CỦ

Tên khoa học: Reynoutria japonica Houtt.

Tên khác: Điền thất, hổ trượng căn, phù linh, nam hoàng cầm, co hớ hườn (Thái), mèng kẻng (Tày), hồng lìu (Dao).

Họ: Rau răm (Polygonaceae).

Mô tả

Cây nhỏ, sống lâu năm. Rễ phình thành củ cứng, mọc bò nghiêng dưới đất, vỏ ngoài màu nâu đen, ruột màu vàng. Thân hình trụ, nhẵn, mọc thẳng đứng, cao 0,5 – 1 m, thường có những đốm màu tím hồng. Lá mọc so le, cuống ngắn, hình trứng, đầu tù, hơi nhọn, mép nguyên, dài 5 – 12 cm, rộng 3,5 – 8 cm, mặt trên màu lục sẫm, có khi nâu đen; bẹ chìa ngắn.

Cụm hoa ngắn hơn lá, mọc thành chùm ở kẽ lá; hoa nhỏ màu trắng, hoa đực và hoa cái riêng; bao hoa có 5 phiến; hoa đực có 8 nhị; hoa cái có bầu ba góc.

Quả 3 cạnh, màu nâu đỏ.

Mùa hoa quả: tháng 10 – 11.

Cây dễ nhầm lẫn:

Nhiều cây cũng mang tên “cốt khí” như cốt khí muồng hay cốt khí hạt (Cassia occidentalis L.) thuộc họ Vang (Caesalpiniaceae), cốt khí thân tím (T. purpurea Pers.), cốt khí thân trắng (Tephrosia candida DC.) họ Đậu (Fabaceae) và cốt khí dây (Sabia olacifolia Stapf) họ Thanh phong (Sabiaceae).

Phân bố, sinh thái

Cốt khí củ có nguồn gốc ở vùng Đông Á, sau lan xuống khắp vùng cận nhiệt đới và nhiệt đới, bao gồm Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam, Lào và một vài nơi khác.

Ở Việt Nam, cây mọc hoang dại ở vùng núi cao, từ 1000 – 1600 m và được trồng rải rác trong nhân dân ở vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ.

Cốt khí củ ưa sáng, ưa ẩm thường mọc thành khóm trong các thung lũng, nơi gần nguồn nước (Sa Pa). Cây rụng lá vào mùa đông; ra hoa quả nhiều hàng năm, có khả năng mọc chồi từ thân rễ. Do hiếm gặp trọng tự nhiên, nên có tác giả đã đưa cốt khí củ vào Sách Đỏ Việt Nam, 1996 để lưu ý bảo vệ.

Công dụng

Tính vị, công năng: Rễ cây cốt khí củ có vị ngọt đắng, tính mát, có tác dụng khu phong, trừ thấp, lợi tiểu, hoạt huyết, thông kinh, giảm đau, giảm độc.

Cốt khí củ được dùng chữa phong thấp tê bại, đau nhức gân xương, chấn thương, ngã sưng đau ứ huyết, kinh nguyệt bế tắc, kinh nguyệt khó khăn đau đớn, sau khi đẻ huyết hôi bị tích trong tử cung, bụng chướng, đái rắt, buốt và đái ra máu. Còn  dùng trị mụn nhọt, lở ngứa và làm thuốc cầm máu trong trường hợp vết thương chảy máu. Ngày dùng 8 – 20g dạng thuốc sắc, hoặc ngâm rượu uống. Thường dùng phối hợp với rễ lá lốt, dây đau xương, rễ cỏ xước, quế…

Bài thuốc

  • Chữa thương tích, ứ máu, đau bụng:

Cốt khí củ 20g, cây lá móng 16g, nước 300ml. Sắc còn 150 ml, hòa thêm 20 ml rượu, chia 2 lần uống trong ngày.

  • Chữa phong thấp, đau nhức xương:

-  Cốt khí củ 12g, đơn gối hạc 12g, rễ cỏ xước 8g, hy thiêm 8g, uy linh tiên 6g, hạt cau già 6g.

Tất cả, trừ hạt cau, đêm phơi khô, thái nhỏ, sao vàng, hạ thổ. Sắc với 600 ml nước còn 200 ml, uống làm 2 lần trong ngày. Dùng 7 – 10 ngày. Nếu số lượng dược liệu nhiều, có thể nấu cao, rồi pha rượu hoặc sirô dùng dần.

- Cốt khí củ, rễ tầm xoọng, đơn gối hạc, rễ cỏ xước, cam thảo dây, lá lốt, dây đau xương (mỗi vị 20g). Sắc với nước, uống trong ngày.