; ĐINH LĂNG LÁ XẺ – Thảo dược HerbEco
Giỏ hàng

ĐINH LĂNG LÁ XẺ

ĐINH LĂNG LÁ XẺ

Tên khoa học: Polyscias fruticosa (L.) Harms

Tên khác: Đinh lăng lá nhỏ, cây gỏi cá, nam dương lâm.

Tên nước ngoài: Ginseng tree(Anh); polyscias (Pháp).

Họ: Nhân sâm (Araliaceae).

Mô tả

Cây nhỏ, xanh tốt quanh năm, có thể cao đến 2m. Thân nhẵn, không gai, ít phân nhánh, mang nhiều vết sẹo to, màu xám. Lá to, mọc so le, kép lông chìm 2 – 3 lần, dài 20 - 40cm; lá chét có răng cưa nhọn, đôi khi chia thuỳ, gốc và đầu thuôn nhọn, có mùi thơm khi vò nát; cuống lá dài, phát triển thành bẹ to ở phần cuối.

Cụm hoa mọc ở ngọn thành hình chuỳ ngăn mang nhiều tán; lá bắc rộng, sớm rụng; hoa nhỏ, màu lục nhạt hoặc trắng xám; đài 5 răng hàn liền, mép uốn lượn; tràng 5 cánh hình trái xoan; nhị 5, chỉ nhị ngắn; bầu hạ, 2 ô.

Quả dẹt, hình trứng rộng, màu trắng bạc.

Mùa hoa quả: tháng 4-7.

Cây dễ nhầm lẫn:

Nhiều loài khác cũng mang tên đinh lăng, nhưng không được dùng làm thuốc:

  • Đinh lăng lá tròn (Polyscias balfouriana Baill).

Lá kép thường chỉ có 3 lá chét trên một cuống dài, lá chét hình tròn, đầu tù.

  • Đinh lăng lá to hay đinh lăng lá ráng (Polyscias ilicifolia (Merr.) Baill.)

Lá kép có 11-13 lá chét; lá chét hình mác có răng cưa to và sâu

  • Đinh lăng trổ hoặc đinh lăng viền bạc (Polyscias guilfoylei )

Lá kép có 7 lá chét; lá chét thường có viền trắng. Loài này lại có 2 thứ là:

- Polyscias guifoylei var. laciniata Baill.

- Polyscias guilfoylei var. victoriae Baill.

Phân bố, sinh thái

Chi Polyscias Forst. & Forst. f. có gần 100 loài trên thế giới, phân bố rải rác ở vùng cận nhiệt đới và nhiệt đới, nhất là một số đảo ở Thái Bình Dương. Ở Việt Nam có 7 loài đều là cây trồng (I. Grushvitzky, N. skvorsova, Hà Thị Dụng & N. Arnautov, 1985).

Đinh lăng có nguồn gốc ở vùng đảo Polynésie ở Thái Bình Dương. Cây được trồng ở Malaysia, Indonesia, Campuchia, Lào,... Ở Việt Nam, đinh lăng cũng có từ lâu trong nhân dân và được trồng khá phổ biến ở vườn gia đình, đình chùa, trạm xảá, bệnh viện…để làm cảnh, làm thuốc và rau gia vị.

Đinh lăng là loại cây ưa ẩm và có thể hơi chịu bóng, trồng được trên nhiều loại đất: thậm chí với một lượng đất rất ít trong chậu nhỏ, cây vẫn có thể sống được, theo kiểu cây cảnh bonsai. Trồng bằng cành sau 2 - 3 năm cây có hoa quả. Chưa quan sát được cây con mộc từ hạt.

Đinh lăng có khả năng tái sinh vô tính khoẻ. Với một đoạn thân hoặc cành cắm xuống đất đều trở thành cây mới.

Công dụng

Tính vị, công năng: Rễ đinh lăng có vị ngọt, tính bình. Lá vị nhạt, hơi đắng, tính bình. Dược liệu có tác dụng bổ 5 tạng, tiêu thực, tiêu sưng viêm, giải độc, bổ huyết, tăng sữa.

Rễ định lăng được dùng làm thuốc bổ tăng lực, chữa cơ thể suy nhược, gầy yếu, mệt mỏi, tiêu hoá kém, phụ nữ sau khi đẻ ít sữa. Có nơi còn dùng chữa ho, ho ra máu, đau tử cung, kiết lỵ và làm thuốc lợi tiểu, chống độc.

Lá chữa cảm sốt, mụn nhọt sưng tấy, sưng vú, dị ứng mẩn ngứa, vết thương (giã đắp). Thân và cành chữa thấp khớp, đau lưng. Ngày dùng 1 - 6g rễ hoặc 30 - 50g thân cành dạng thuốc sắc. Có thể dùng rễ khô tán bột hoặc rễ tươi ngâm rượu uống.

Ở Ấn Độ, đinh lăng được dùng làm thuốc làm săn và trị sốt. Rễ và lá sắc uống có tác dụng lợi tiểu chữa sỏi thận, sỏi bàng quang, chứng khó tiểu tiện. Bột lá được giã với muối và đắp trị vết thương.

Bài thuốc

  • Chữa mỏi mệt, biếng hoạt động:

Rễ đinh lăng phơi khô thái mỏng 5g. Thêm 100ml nước, đun sôi trong l5 phút, chia 2 - 3 lần uống trong ngày.

  • Chữa sốt lâu ngày, nhức đầu, háo khát, ho, đau, tức ngực, nước tiểu vàng:

Đinh lăng tươi (rễ, cành) 30g, lá hoặc vỏ chanh 10g, vỏ quýt 10g, sài hồ (rễ, lá, cành) 20g, lá tre tươi 20g, cam thảo dây hoặc cam thảo đất 30g, rau má tươi 30g, chua me đất 20g. Các vị cắt nhỏ, đổ ngập nước, sắc đặc lấy 250ml, chia uống 3 lẩn trong ngày.

  • Chữa sưng vú:

Cành lá đinh lăng 30 - 40g.  Thêm 300ml, sắc còn 200ml, uống nóng. Ngày uống 1 - 2 lần.

  • Thuốc lợi sữa:

Lá đinh lăng tươi 50 – 100g, bong bóng lợn 1 cái, băm nhỏ, trộn với gạo nếp, nấu cháo ăn.

  • Chữa đau tử cung:

Cành và lá đinh lăng rửa sạch sao vàng, sắc uống thay chè.

  • Chữa mẩn ngứa do dị ứng:

Lá định lăng 80g, sao vàng, sắc uống. Dùng trong 2 - 3 tháng.

  • Chữa thiếu máu:

Rễ đinh lăng, hà thủ ô, thục địa, hoàng tinh, mỗi vị 100g, tam thất 20g. Tán bột, sắc uống ngày 100g.

  • Chữa viêm gan mạn tính:

Rể định lăng 12g, nhân trần 20g, ý dĩ l6g; chi tử, hoài sơn, biển đậu, rễ cỏ tranh, xa tiền tử, ngũ gia bì, mỗi vị 12g; uất kim, nghệ, ngưu tất, mỗi vị 8g. Sắc uống, ngày một thang.

  • Chữa liệt dương:

Rễ đinh lăng, hoài sơn, ý dĩ, hoàng tinh, hà thủ ô, kỷ tử, long nhãn, cám nếp, mỗi vị 12g; trâu cổ, cao ban long, mỗi vị 8g; sa nhân 6g. Sắc uống, ngày một thang.

  • Chữa sốt rét:

Rễ đinh lăng, sài hồ, mỗi vị 20g; rau má 16g; lá tre, cam thảo nam, mỗi vị 12g; bán hạ sao vàng 8g, gừng 6g. Sắc uống.

TRỒNG VÀ SẢN XUẤT ĐINH LĂNG LÁ XẺ TẠI TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU VÀ SẢN XUẤT DƯỢC LIỆU MIỀN TRUNG