ĐỎ NGỌN
ĐỎ NGỌN
Tên khoa học: Cratoxylum prunifolium Dyer
Tên khác: Thành ngạnh, lành ngạnh, ngành ngạnh, vàng la, cúc lương, hoàng ngưu trà, voòng a mộc, mạy tiên (Tày), co kín lang (Thái).
Họ: Nọc sởi (Hypericaceae).
Mô tả
Cây nhỡ hay cây to, cao 6 – 12m, có gai ở gốc. Cành non có lông tơ màu vàng nhạt, cành già nhẵn, màu xám. Lá mọc đối, hình mác hoặc bầu dục, gốc thuôn, đầu nhọn, dài 6 – 11 cm, rộng 2,5 – 3,5 cm, mặt trên có lông nhỏ, dày hơn ở mặt dưới; lá non màu hồng đỏ, có lông tơ; cuống ngắn.
Hoa màu hồng nhạt mọc riêng lẻ hoặc thành chùy nhỏ, 4 – 6 cái, ở kẽ lá; lá đài có lông ở mặt ngoài, đầu cánh hoa khía răng; nhị nhiều; bầu hình nón.
Quả nang, dài 1,5cm.
Mùa hoa quả: tháng 5 – 7.
Phân bố, sinh thái
Chi Cratoxylum Blume có 19 loài trên thế giới đều là cây gỗ hay cây bụi, phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới châu Á. Ở Việt Nam, có 4 – 5 loài. Đỏ ngọn có vùng phân bố khá rộng, gồm hầu hết các nước ở Đông Nam Á (Thái Lan, Lào, Campuchia, Malaysia, Indonesia, Mianma), Ấn Độ và các tỉnh ở phía nam Trung Quốc. Ở Việt Nam, đỏ ngọn mọc phổ biến ở tất cả các tỉnh thuộc vùng núi thấp (dưới 600m) và trung du.
Đỏ ngọn là loại cây ưa sáng và có khả năng chịu hạn cao. Cây thường mọc lẫn với nhiều loại cây bụi khác ở đồi, bờ nương rẫy hoặc ven rừng thưa. Ở nhiều nơi thuộc tỉnh Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Hà Tây,… cây mọc tập trung gần như thuần loài trên các đồi cây bụi. Đỏ ngọn có bộ rễ cọc khỏe, cắm sâu xuống đất dài tới hơn 1m, nên cây vẫn sống và phát triển được trên đất khô cằn, trơ sỏi đá. Cây ra hoa quả nhiều hằng năm; tái sinh tự nhiên chủ yếu từ hạt. Dù bị chặt phá nhiều lần, song phần còn lại của cây vẫn có khả năng tái sinh cây chồi khỏe.
Ngoài công dụng làm thuốc, phần thân cành của cây được sử dụng làm củi.
Công dụng
Đỏ ngọn có vị đắng chát, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiêu hóa.
Theo kinh nghiệm nhân dân, phụ nữ sau khi đẻ thường lấy lá đỏ ngọn nấu nước uống. Mỗi ngày dùng 15 – 30g, có thể thêm ít lá vối, để giúp tiêu hóa, làm ăn ngon, hoặc phối hợp với lá ngải hoa vàng (thanh cao hoa vàng) sắc uống để chữa sốt, mồ hôi trộm, chân tay mỏi rã rời. Còn dùng chữa cảm sốt, viêm ruột, tiêu chảy và khản cổ, ho mất tiếng dưới dạng nước sắc lá hoặc vỏ cây.
Ở Quảng Tây (Trung Quốc) người ta dùng đỏ ngọn trị cảm mạo, cảm nắng, viêm dạ dày ruột cấp tính, hoàng đản. Ở Ấn Độ, nhân dân dùng nước sắc vỏ cây uống chữa cơn đau bụng và dùng nhựa từ vỏ cây bôi để chữa ngứa.
Bài thuốc
- Chữa bỏng:
Lá đỏ ngọn giã nát, trộn với nước vo gạo đặc, đắp.
- Chữa bí tiểu tiện:
Lá đỏ ngọn 20g, thân rễ mía dò 10g, băm nhỏ, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm 2 lần trong ngày.
- Phòng cảm nắng, chữa lỵ:
Lá non đỏ ngọn, sắc uống thay chè.
- Chữa vết thương:
Ngọn non đỏ ngọn 60g, cỏ nhọ nồi 50g, vôi bột 40g, hạt cau già 30g. Tất cả phơi khô, tán bột, rây thật mịn. Rắc lên vết thương đã được phủ một lớp gạc mỏng. Nếu vết thương có mủ, rắc nhiều bột cho thấm mủ. Thuốc hút mủ tốt, làm vết thương khô, sạch, chóng lên da non, gây cảm giác mát, dễ chịu.