; ĐU ĐỦ – Thảo dược HerbEco
Giỏ hàng

ĐU ĐỦ

ĐU ĐỦ

Tên khoa học: Carica papaya L.

Tên khác: Phiên qua thụ, phiên mộc, mác rẩu, mác vá, cà lào (Tày), má hống (Thái).

Tên nước ngoài: Papaya tree, papaw tree, melon tree (Anh); papayer, arbre à melon (Pháp).

Họ: Đu đủ (Papayaceae)

Mô tả

Cây nhỏ hoặc cây nhỡ, cao 2 - 4m. Thân thẳng, không phân nhánh, mang nhiều vết sẹo do cuống lá rụng để lại. Lá to, mọc so le, tập trung ở ngọn, cuống rất dài, xẻ 5 - 7 thuỳ sâu, gốc hình tim, đầu nhọn, mỗi thuỳ lại chia tiếp thành những thuỳ nhỏ không đều, gân lá hình chân vịt, hai mặt nhẵn.

Hoa màu vàng lục nhạt, mọc ở kẻ lá; hoa đực và hoa cái cùng gốc hoặc khác gốc; cụm họa đực dài, phân nhánh thành chuỳ xim, đài hợp có 5 răng ngắn, tràng 5 cánh hàn liền hình phễu, nhị xếp thành 2 vòng trên ống tràng, nhụy tiêu giảm: cụm hoa cái có 2 – 3 hoa, đài và tràng gồm những hộ phận hơi dính nhau ở gốc, không có nhị lép, bầu 1 ô, nhiều lá noãn.

Quả mọng to, hình trứng ngược hoặc thuôn dài, khi chín màu vàng đỏ; hạt nhiều màu đen.

Mùa hoa quả: tháng 5 - 10

Phân bố, sinh thái

Chi Carica L. có nguốn gốc ở vùng nhiệt đới châu Mỹ. Ở vùng núi cao (1500 - 3000 m), từ Panama đến Bolivia, có loài đu đủ mọc tự nhiên (C. pubescens Linné & K. Koch) quả ăn được. Cây đu đủ trồng hiện nay rất có thể là một giống lai tự nhiên của loài C.peltata Hook & Ann. Vào khoảng thế kỷ l6, người Tây Ban Nha đã đưa đu đủ vào trồng ở vùng Caribê và một số nước Đông Nam Á. Từ các địa điểm này, cây tiếp tục được trồng rộng rãi ở Ấn Độ, Srilanca, châu Đại Dương và châu Phi (V.N. Villegas, 1991: Carica papaya L., in PROSEA – 2, Edible fruits and nuts, 108 - 112).

Ở Việt Nam, đu dủ cũng là cây trồng khá lâu đời trong nhân dân và chưa xác định được cụ thể thời gian cây được nhập khi nào. Đu đủ trồng gồm nhiều giống, gần như ở mỗi vùng sinh thái đều có một giống đu đủ khác nhau. Nhưng vài năm gần đây, một vài giống cho quả sớm, năng suất và chất lượng cao được nhập trồng, có xu hướng lấn át các giống có tính bản địa cũ.

Ðu đủ là loại cây trồng nhiệt đới, ưa khí hâu nóng và ẩm. Nhiệt độ thích hợp cho cây sinh trưởng là 21 - 33°C; lượng mưa hàng năm trên 1200 mm. Cây sống được trên nhiều loại đất, song yêu cầu phải thoát nước nhanh. Ðu đủ không chịu được ngập úng quá 20 giờ. Ở Việt Nam, cây không trồng được ở vùng núi cao lạnh (trên 1500m). Ðu đủ là cây sinh trưởng nhanh. Cây trồng từ hạt sau 4 - 5 tháng có thể ra hoa. Hoa thụ phấn nhờ gió hoặc côn trùng, do đó, chúng dễ bị lại tạp ở các thế hệ sau.

Hiện nay, đu đủ đã trở thành cây ăn quả quan trọng ở Việt Nam cũng như nhiều nước nhiệt đới khác. Tổng sản lượng đu đủ của thế giới năm 1988 lên tới 3.68 triệu tấn. Các nước trồng nhiều đu đủ nhất là Braxin, Ấn Độ, Mehicô, Indonesia, Zaia… ở châu Phi người ta còn trồng đu đủ để lấy nhựa mủ (như Tanzania: 132 tấn). Quả sau khi lấy nhựa, lúc chín vẫn ăn được.

Công dụng

Tính vị, công năng: Quả đu đủ có vị ngọt, mùi hơi hắc, tính mát, có tác dụng làm mát gan, nhuận tràng, tiêu đờm, giải độc, tiêu thũng.

Quả đu đủ chín được coi là bổ, có tác dụng giúp tiêu hóa, nhuận tràng. Trẻ em ăn đu đủ chín trong 7 – 10 ngày hoặc lâu hơn, sau khi ăn cơm chiều, thấy giun kim ra nhiều. Quả đu đủ xanh còn non, bổ đôi, hơ lửa cho nóng, rồi áp vào chỗ sưng tấy, day đi day lại nhiều lần, khi nào nguội lại hơ nóng. Quả đu đủ xanh già nấu thật nhuyễn, ngày ăn 2 lần trước mỗi bữa ăn, hoặc nạo thành sợi nhỏ, sấy khô, tán bột, ngày uống 2 lần, mỗi lần 1 – 2 thìa cà phê, để chữa đầy bụng khó tiêu. Còn ăn quả non hầm với chân giò lợn để lợi sữa. Lá đu đủ tươi giã nát, gói vào miếng gạc, đắp vào 2 bên thái dương chữa đau đầu. Nước sắc đặc lá đu đủ khô, có tác dụng sát khuẩn, dùng rửa vết thương, lở loét, và tẩy được vết máu trên vải, quần áo. Lá đu đủ tươi gói loại thịt cứng và dai trong vài giờ thì khi nấu chín, thịt sẽ chóng mềm và dừ. Nhân dân còn dùng lá đu đủ chữa ung thư. Mỗi lần hái 3 - 7 lá bánh tẻ tươi, tước nhỏ, cả cuống lá (không dùng dao thái), rồi sắc với nước, còn lại 1/ 3 lượng nước, chia 3 lần uống trong ngày. Dùng liên tục thời gian dài. Nhựa mủ từ lá và quả đu đủ dùng bôi chữa chai chân, hột cơm, nốt tàn nhang, hắc lào mới phát, eczema, vẩy nến. Còn dùng lá đu đủ đắp trị mụn nhọt, tiêu sưng tấy.

Hoa đu đủ đực tươi 10 - 20g, trộn với đường, đường phèn hoặc mật ong, hấp cơm rồi nghiền nát, uống làm 2 - 3 lần trong ngày, để trị ho trẻ em. Rễ đu đủ chữa băng huyết, sỏi thận (sắc uống), chữa rắn cắn (giã nát vắt lấy nước uống, bã đắp vết cắn); ngày dùng 8 - 12g.

Kiêng kỵ: Phụ nữ có thai, người viêm loét dạ dạy kiêng dùng nhưa và quả đu đủ xanh.

Trong y học dân gian Ấn Độ, quả đu đủ chín làm dễ tiêu, lợi tiểu, trị đầy hơi. Sirô và rượu vang chế từ quả đu đủ có tác dụng long đờm, an thần và bổ. Nhựa mủ từ quả xanh có tác dụng trị giun sán, đặc biệt có hiệu quả trục giun đũa; đôi khi được dùng làm thuốc mỹ phẩm để chữa nốt tàn nhang và những vết khác ở da. Quả xanh có tác dụng nhuận tràng và lợi tiểu nhẹ, và có tính chất thúc đẻ. Hạt có tác dụng làm đỡ khát và diệt giun. Lá được dùng đắp trị đau thần kinh và giảm phát triển dạng phù voi. Rễ trị ghẻ cóc, trĩ và làm thuốc bổ toàn thân. Nhiều tác dụng điều trị được quy cho papain, tập trung phần lớn ở nhựa mủ của quả. Còn dùng dịch ép vỏ rễ, uống 2 thìa cà phê một lần một ngày trong 5 ngày liền để lợi sữa. Phụ nữ mang thai kiêng ăn đu đủ vì dễ bị sẩy thai hoặc đẻ non.

Y học cổ truyền Indonesia dùng dịch ép lá đu đủ uống chữa sốt rét và những bệnh sốt khác; có thể phối hợp với lá đại bi. Lá đu đủ cũng có trong bài thuốc sắc uống chữa lao. Nhựa mủ và rễ được dùng trị giun, đặc biệt giun kim. Rễ giã nát, trộn với hạt tiêu, đắp lên trán trị cảm sốt và cúm. Rễ đu đủ còn chữa viêm màng bụng.

Ở Nepal, nhựa mủ đu đủ bôi trị bọ cạp cắn. Ở Nigiêria, nước sắc lá đu đủ trị sốt rét cho người và làm thuốc tẩy cho ngựa. Nước sắc rễ trị ghẻ cóc, trĩ; nước hãm rễ lại trị giang mai. Quả non cắt làm đôi, đắp lên lách to để làm nhỏ lại. Nhựa mủ của quả có tác dụng rút mủ ở các nhọt. Hạt đu đủ là thuốc trị đầy hơi và chống kích thích. Ở Peru, quả đu đủ băm nhỏ dùng ngoài chữa vết thương, chống nhiễm khuẩn tại chỗ, làm lột da. Uống nước ngâm quả để trị giun và chữa viêm ruột trẻ em. Nước hãm lá uống gây hạ huyết áp, làm dễ tiêu. Ở Haiti, nhân dân uống dịch ép quả để trị tăng huyết áp, uống nước ngâm rễ trị viêm niệu đạo, đắp lá nấu chín trị thấp khớp, chấn thương, bong gân. Bôi nhựa mủ vào răng hoặc súc miệng bằng nước sắc lá trị đau răng.

Bài thuốc

  • Chữa sai khớp, bong gân:

Ðu đủ xanh, lá na, mỗi vị 10g; muối ăn, vôi tôi, mỗi vị 5g. Giã nhỏ cho vào gạc đắp lên chỗ sưng đau và băng lại, sau khi đã nắn chỉnh hình khớp.

  • Chữa rắn độc cắn:

a. Lá đu đủ, rễ chỉ thiên, lá hoặc quả ớt, mỗi vị 50g. Rửa sạch, giã nát, thêm nước, gạn uống, bã đắp vào vết rắn cắn.

b. Rễ đu đủ đực 20g, lá xuyên tiêu 10g, hồng bì 5 hạt. Tất cả giã nhỏ, thêm nước, gạn nống, bã đắp.

  • Chữa ho, viêm họng:

Hoa đu đủ đực 15g; xạ can, củ mạch môn, lá húng chanh, mỗi vị 10g. Cho dược liệu vào một bát nhỏ, thêm ít muối, hấp cơm rồi nghiền nát, ngày ngậm 2 - 3 lần, nuốt nước dần dần.

  • Chữa ho gà:

Hoa đu đủ đực, vỏ quýt lâu năm, vỏ rễ dâu, mỗi vị 20 g; bách bộ, phèn phi, mỗi vị 12 g. Hoa đu đủ sao vàng, rễ dâu tẩm mật sao. Tất cả tán nhỏ, rây bột mịn. Ngày uống 3 lần. Trẻ em 1 - 5 tuổi, mỗi lần 1 - 4 g, 5 - 10 tuổi, 5 – 8g.

  • Chữa áp xe, sưng tấy, ứ máu:

Quả đu đủ non to bằng quả trứng, rửa sạch bằng nước muối, giã nhỏ với một củ tỏi, đắp lên chỗ áp xe và băng lại. Ngày làm 2 lần.

  • Chữa lở mặt, lở đầu:

Nhựa quả đu đủ xanh 1g, trộn với bột hàn the và nước, bôi hàng ngày chữa lở mặt, lở đầu.

  • Thuốc lợi sữa:

Ðu đủ xanh, lá sung, mỗi vị 50g, chân giò lợn 1 cái, gạo nếp 100 g. Chân giò lợn cạo lông, rửa sạch, chặt thành miếng nhỏ. Đu đủ gọt vỏ, bỏ hột, thái nhỏ. Lá sung rửa sạch, băm nát. Tất cả hầm nhừ với gạo nếp, dùng ăn trong một ngày, chia 2 lần. Dùng vài ngày.