; GẤC – Thảo dược HerbEco
Giỏ hàng

GẤC

GẤC

Tên khoa học: Momordica cochinchinensis (Lour.) Spreng.

Tên khác: Mộc miết tử, mác khẩu (Tày), má khẩu (Thái), đìa tả piếu (Dao).

Tên nước ngoài: Muricie (Pháp).

Họ: Bí (Cucurbitaceae).

Mô tả

Dây leo to, sống lâu năm, có rễ mập. Thân cứng nhẵn, có cạnh và khía. Lá mọc so le, có 3 - 9 thùy màu lục sẫm, gốc hình tim, lúc dầu có lông ở mặt trên, sau nhẵn; gân 5 hình chân vịt, mép lá nguyên hoặc có răng thưa không đều; cuống lá dài 2 - 3cm, có tuyến ở phần giáp với gốc lá; tua cuốn to, đơn.

Hoa đực và hoa cái riêng trên cùng một cây; hoa đực mọc ở kẽ lá, lá bắc hình thân to và rộng; đài có ống ngắn, các thuỳ hình tam giác nhọn, màu lam sẫm; tràng 5 cánh, màu trắng hoặc ngà vàng, hình trứng thuôn, có lông dày ở mặt trong: nhị 5; hoa cái có lá bắc nhỏ, bầu xù xì.

Quả hình bầu dục hoặc hình trứng, có cuống mập, đầu tù hoặc hơi nhọn, dài 12 - 17cm, mặt ngoài có rất nhiều gai nhọn, khi chín màu đỏ; hạt dẹt, màu đen hoặc xám đen, vỏ ngoài rất cứng có răng tù ở mép, dày 5 - 6mm.

Mùa hoa quả: tháng 7 - 12.

Theo kinh nghiệm của nhân dân ở một vùng thuộc tỉnh Hải Hưng, gấc có loại tẻ và loại nếp được phân biệt như sau:

- Gấc tẻ: tên khác là gấc giun (Hưng Yên), ruột màu đỏ, ăn không ngấy (màu này nhạt đi khi đồ chín), quả to, rất sai, gai quả mau, nhiều hạt.

- Gấc nếp: (gấc gạch), ruột màu vàng, ăn rất ngấy, quả nhỏ, cây ít quả, gai quả thưa, ít hạt.

Phân bố, sinh thái

Chi Momordica L. có khoảng 45 loài trên thế giới, đa số là cây trồng, tập trung chủ yếu ở vùng nhiệt đới châu Phi và châu Mỹ. Châu Á có 5 - 7 loài, trong đó Việt Nam có 4 loài (M. Karaudren Aymonin, 1975 và Nguyễn Hữu Hiến, 1994). Gấc được trồng chủ yếu ở Ấn Độ, Trung Quốc, Philippin, Lào và Việt Nam.

Ở Việt Nam, gấc được trồng từ lâu đời trong nhân dân. Cây trồng có giống quả chín màu đỏ và giống quả màu vàng. Giống quả vàng hiện thấy trồng ở một số vùng núi thuộc tỉnh Lai Châu và Sơn La. Giống quả đỏ có 2 loại: quả to và quả nhỏ, đều được trồng nhiều ở vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ.

Gấc thuộc loại cây ưa sáng và ưa ẩm, sinh trưởng, phát triển nhanh trong điều kiện được chăm sóc tốt và có đủ giá thể leo. Hàng năm, sau khi quả được thu hoạch, cây có hiện tượng rụng lá. Để tạo điều kiện cho cây ra nhiều chồi khoẻ, người ta thường chặt bỏ toàn bộ phần thân leo, chỉ chừa lại phần gốc, với mục đích tạo ra thế hệ cây chồi mới, có sức sống mạnh mẽ hơn.

Công dụng

Tính vị, công năng: Dầu gấc có vị ngọt, tính bình, có tác đụng bổ tỳ vị, làm sáng mắt. Hạt gấc chỉ mới thấy dùng trong phạm vi kinh nghiệm nhân dân, chưa có cơ sở nghiên cứu khoa học. Theo sách cổ, hạt gấc có vị đắng, hơi ngọt, tính ôn, hơi có độc, vào 2 kinh can và đại tràng. Hạt gấc dùng trong có tác dụng tiêu tích, lợi trường, tiêu thũng, sinh cơ; dùng ngoài có tác dụng tiêu sưng. Rễ gấc vị đắng, tính mát, có tác dụng trừ thấp nhiệt, hoạt huyết, lợi tiểu.

Dầu gấc được dùng trong những trường hợp cơ thể cần vitamin Á như trẻ con chậm lớn, đàn bà chửa, cho con bú, bệnh khô mắt, quáng gà, người kém ăn mệt mỏi. Dùng ngoài, bôi vào vết thương, với bỏng làm mau lên da non, chóng lành. Dầu gấc dùng kèm với một số kháng khuẩn đặc hiệu chữa được bệnh trứng cá kén có nhân. Ở Anh, một số chuyên gia đã dùng vitamin A liều cao để chữa ung thư, tuy có đạt kết quả nhưng ở liều cao dễ có biến chứng, nên trong vòng 10 năm nay, người ta đã chuyển sang dùng β caroten. Dầu gấc nhuận tràng, dùng thích hợp cho người táo bón. Người di lỏng không nên uống dầu gấc. Liều dùng: Người lớn mỗi ngày 10-20 giọt, chia làm 2 lần uống trước 2 bữa ăn chính; trẻ em: 5 - 10 giọt/ngày.

Nhu cầu về vitamin A đối với người lớn vào khoảng từ l – 3 mg/ngày. Trong chế độ ăn bình thường, nhu cầu này được thức ăn mang lại đầy đủ, chỉ có những lúc đói kém thì vitamin A được đưa vào từ thức ăn bị thiếu hụt nên cần được bổ sung thêm. Ở Việt Nam, ta thường ăn nhiều rau quả, trong đó có hàm lượng caroten khá đủ, nhưng lại có nhiều người vẫn bị hội chứng thiếu vitamin A. Để giải thích điều này, có tác giả cho rằng có thể trong khẩu phần của ta thường quá ít dầu mỡ mà β caroten muốn được cơ thể hấp thụ phải có một lượng dầu mỡ nhất định. β caroten lại tan sẵn trong dầu nên cơ thể dễ hấp thụ, là một thuận lợi lớn mà chúng ta cần khai thác tối đa.

Hạt gấc được dùng theo kinh nghiệm nhân dân, chữa mụn nhọt, tràng nhạc lâu ngày không khỏi, quai bị, sưng vú, tắc tia sữa, trĩ, lòi dom. Có nơi còn dùng hạt gấc chữa sốt rét có báng. Chủ yếu dùng ngoài, khi dùng trong phải cẩn thận, mỗi ngày dùng 1-2g.

Rễ gấc chữa tê thấp, sưng chân, phù với liều dùng 4g/ngày.

Gốc dây gấc, phối hợp với đơn gối hạc, mộc thông, tỳ giải mỗi vị 15g, sắc nước uống hoặc dùng ngoài ngâm rượu xoa bóp cũng chữa phong thấp, sưng chân.

Bài thuốc

  • Chữa mụn nhọt, ghẻ lở:

Nhân hạt gấc mài với nước, bôi.

  • Chữa sưng vú:

Nhân hạt gấc giã với một ít rượu 30 – 40o đắp lên chỗ sưng đau.

  • Chữa trĩ, lòi dom:

Hạt gấc giã nát, thêm một ít giấm thanh, gói bằng vải, đắp để suốt đêm.

  • Chữa sốt rét có báng:

Hạt gấc và vảy tê tê, hai vị bằng nhau, sấy khô tán bột. Mỗi lần dùng 2g hòa với rượu ấm uống lúc đói.