; HOÀI SƠN – Thảo dược HerbEco
Giỏ hàng

HOÀI SƠN

HOÀI SƠN (CỦ MÀI)

Tên khoa học: Dioscorea persimilis Prain et Burkill

Tên khác: Khoai mài, sơn dược, mằn chèn (Tày), mán dịn, co mằn kép (Thái), mằn ôn (Nùng), hìa dòi (Dao), gờ lờn (K’dong).

Tên nước ngoài: Yam (Anh), igname (Pháp).

Họ: Củ nâu (Dioscoreaceae).

Mô tả

Dây leo có 1 – 2 rễ củ mập hình trụ hơi dẹt, thuôn dần về phía đầu như hình quả bầu, dài 30 – 50cm, có thể đến 1m, ăn sâu xuống đất. Thân cây nhẵn, hơi có cạnh, đôi khi có màu đỏ, thường mang những củ ngắn, nhỏ ở kẽ lá gọi là dái mài (thiên hoài). Lá đơn mọc so le hay mọc đối, hình tim dài, đầu nhọn, nhẵn, dài 8 – 10cm, rộng 6 – 8cm, gân lá 5 – 7, tỏa ra từ gốc; cuống lá dài 1,5 – 3,5cm.

Cụm hoa mọc thành chùm ở kẽ lá gồm nhiều hoa nhỏ, màu vàng, hoa đực và hoa cái khác gốc; bao hoa có 6 phiến dài bằng nhau; nhị 6; cụm hoa đực dài 40cm, cụm hoa cái cong, dài 20cm.

Quả nang có 3 cánh: khi quả khô, cây không còn lá; hạt có cánh mỏng màu nâu xỉn.

Mùa hoa: tháng 5 – 7; mùa quả: tháng 8 - 10.

Cây dễ nhầm lẫn:

Bên cạnh củ mài, còn nhiều loài khác cũng cho củ ăn được: nhưng không chế biến thành hoài sơn như: Dioscorea glabra Roxb., D.pyrifolia Kunth., D.decipiens Hook., D.intempestiva var. chevalierii Prain et Burkill, D. intempestiva Prain et Burkill, D.hamiltoni Hook., D.brevipetiolata Prain et Burkill, D.kratica Prain et Burkill

Phân bố, sinh thái

Dioscorea L. là chi duy nhất trong họ Dioscoreaceae, có tổng số khoảng 140 loài đều là loại dây leo, phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới thuộc Đông và Đông Nam châu Á. Ở Việt Nam, có khoảng 30 loài; một số là cây trồng lấy tinh bột từ củ và hầu hết đều được dùng làm thuốc.

Cây mọc hoang dại rải rác khắp vùng rừng núi với độ cao phân bố từ 100 đến 600 m, cũng có khi lên đến 1000 m. Cây ưa sáng, ưa ẩm và thường chỉ mọc ở đất còn tương đối màu mỡ. Hàng năm, chồi thân từ củ mọc vào tháng 3 - 4, sau 2 tháng có chiều dài tới vài mét, bao trùm lên các cây giá thể khác. Cây ra hoa quả nhiều, và đến cuối mùa thu, toàn bộ phần trên mặt đất bị tàn lụi.

Nguồn củ mài mọc tự nhiên ở Việt Nam tương đối phong phú. Trước kia, khi chưa có cây trống thay thế, riêng ở các tỉnh phía bắc (từ Quảng Bình trở ra) mỗi năm đã khai thác thu mua được 30 - 60 tấn củ để làm thuốc.

Công dụng

Tính vị, công năng: Hoài sơn có vị ngọt, tính bình, vào các kinh phế, tỳ, vị, thận. Có tác dụng bổ tỳ, dưỡng vị, sinh tân, ích phế, bổ thận, chỉ khát.

Trong y học cổ truyền hoài sơn được coi là một vị thuốc bổ, chữa tỳ vị hư nhược, ăn uống kém tiêu, viêm ruột kinh niên, tiêu chảy lâu ngày không khỏi, phế hư ho hen, bệnh tiểu đường, di tinh, di niệu, bạch đới.

Liều dùng: ngày uống 10 - 20g, dưới dạng thuốc sắc, thuốc bột. Thường dùng phối hợp với các vị thuốc khác. Hoài sơn với quả giun, hạt keo, ý dĩ có tác dụng chữa trẻ em cam sài, gầy yếu, bụng ỏng đít beo, kém ăn nôn trớ.

Bài thuốc

  • Chữa tỳ vị hư nhược, ăn ít, đái nhiều, tiêu chảy lâu không khỏi:

Hoài sơn, đảng sâm, bạch truật (sao), mốt vị 10g. Sắc nước uống. Hoặc dùng hoài sơn nấu cháo với gạo ăn vào mỗi buổi sáng.

  • Chữa đau đầu, chóng mặt, chân tay lạnh, đau mình mẩy, ăn uống kém:

Hoài sơn 60g, ngũ vị tử 180g, nhục thung dung 120g, đỗ trọng (sao) 90g, thỏ ty tử 90g, thần phục 30g, ba kích 30g, thục địa 30g, ngưu tất 30g, trạch tả 30g, xích thạch chỉ 30g. Tất cả nghiền thành hột, trộn với hồ làm thành viên bằng hạt đậu đen. Mỗi lần uống 20-30 viên.

  • Phì nhi hoàn (thuốc kiện tỳ tiêu thực, dùng cho trẻ em gầy yếu):

Hoài sơn (sao) 60g, phục linh 45g, bạch biển đậu (sao) 45g, sơn tra 45g, mạch nha 45g, thần khúc 45g, đương quy 45g, bạch truật (sao) 30g, trần bì 30g, sử quân tử 30g, hoàng liên 20g, cam thảo 20g. Tán bột rây mịn, trộn với mật làm thành viên bằng hạt đậu xanh. Mỗi lần uống 3g, ngày 2 – 3 lần.

  • Chữa di mộng tinh:

Hoài sơn, quả chốc xôi (sao vàng) sắc uống.

  • Chữa bệnh tiểu đường:

Hoài sơn 180g, liên tử 90g, phục linh 40g, ngũ vi tử 350g, thỏ ty tử 300g. Nghiền thành bột rây mịn, thêm rượu trộn với hồ làm thành viên bằng hạt đậu xanh. Mỗi lần uống 50 viên với nước cơm.

  • Chữa suy dinh dưỡng trẻ em có kèm theo tiêu chảy:

Hoài sơn 100g, phòng đảng sâm 50g (hoặc bố chính sâm 50g), ý dĩ 100g, bạch truật 50g, mạch nha 100g, hạt cau 25g, vỏ quýt 25g. Tất cả sao vàng, tán thành bột mịn, trộn đều, mỗi ngày ăn 16 – 20g bột.

  • Chữa bệnh dương ủy, lưng đau:

Hoài sơn 10 phần, ba kích 12 phần, đỗ trọng 12 phần, ngưu tất 12 phần, quế tâm 8 phần, cẩu tích 8 phần, độc hoạt 8 phần, ngũ gia bì 10 phần, sơn thù du 10 phần, phòng phong 6 phần. Nghiền thành bột mịn, trộn đều, thêm mật làm viên, uống vào lúc đói, với liều 10g.

  • Món ăn – vị thuốc có hoài sơn (tài liệu nước ngoài):

- Thuốc bổ thận tinh, cố tràng vị:

Hoài sơn nấu với gạo thành cháo, ăn.

- Chữa sỏi mật, kèm theo tiểu đường:

Hoài sơn 60g, ý dĩ 120g, lách lợn 1 cái. Nấu cháo ăn trong ngày:

Chú thích: Một số địa phương dùng củ cọc (Dioscorea alata L.) thay hoài sơn. Thí nghiệm trên súc vật, củ cọc dùng cùng liều với hoài sơn, chỉ có tác dụng làm tăng trọng lượng tuyến tiền liệt và trọng lượng cơ nâng hậu môn với mức độ tác dụng thua kém hoài sơn, đồng thời không thể hiện tác dụng làm tăng trọng lượng tử cung ở chuột cống cái.