HÒE
HÒE
Tên khoa học: Styphnolobium japonicum (L.) Schott
Tên khác: Hòe hoa, hòe mễ, lài luồng (Tày).
Tên nước ngoài: Japanese pagoda – tree, chinese scholar tree, umbrella tree (Anh); sophora (Pháp).
Họ: Đậu (Fabaceae).
Mô tả
Cây nhỡ thường xanh, cao 5 – 7 m, có khi đến 10 m. Thân có vở hơi nứt nẻ và cành nằm ngang. Cành hình trụ, nhẵn, màu lục nhạt, có những chấm trắng. Lá kép lông chim lẻ, mọc so le, 11 – 17 lá chét mọc đối, hình bầu dục – thuôn, gốc tròn, đầu hơi nhọn, dài 3 – 4,5 cm, rộng 1,2 – 2 cm, màu lục nhạt, nhất là ở mặt dưới, hơi có lông.
Cụm hoa mọc ở đầu cành thành chùm dài 20 cm, phân nhánh nhiều; hoa nhỏ màu trắng hoặc vàng nhạt; đài hình chuông, gần như nhẵn; cành hoa có móng ngắn, cánh cờ rộng, hình tim cụt ở gốc, mép cong lên; nhị 10 rời nhau; bao phấn hình bầu dục.
Quả đậu, hình tràng hạt, thắt lại không đều giữa các hạt, nhẵn, không mở, đầu có mũi nhọn ngắn; hạt 2 - 5, hình bầu dục, hơi dẹt, màu đen bóng.
Mùa hoa : tháng 5 – 8; mùa quả : tháng 9 - 11.
Trong dân gian, người ta phân biệt cây hòe nếp và cảy hòe tẻ. Kinh nghiệm của Thái Bình (nơi trồng nhiều hòe nhất trong cả nước) cho biết:
Hòe nếp: Hoa to, nhiều, đều, nở cùng một lúc, có màu nhạt, cuống ngắn. Cây phát triển nhanh, phân nhiều cành.
Hòe tẻ: Hoa nhỏ, thưa thớt, không đều, nở nhiều đợt, có màu sẫm hơn, cuống dài. Cây vồng cao, phân ít cành.
Phân bố, sinh thái
Chi Stypnolobium L. gồm hầu hết là cây bụi hay cây gỗ, phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Việt Nam có 5 loài, trong đó hòe là cây trồng.
Hòe được trồng rộng rãi ở các tỉnh phía bắc hiện nay vốn là cày nhập nội, chưa rõ nguồn gốc. Từ năm 1978, cây được đưa vào các tỉnh Tây Nguyên, ven biển miền Trung sau lan ra các tỉnh khác. Những tỉnh trồng nhiều hòe hiện nay là Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Nam, Lai Châu (vùng Điện Biên), Sơn La, Vĩnh Phúc, Bắc Giang… Trên thế giới hòe cũng được trồng ở Trung Quốc, Nhật Bản và một số nước khác.
Hòe thuộc loại cây gỗ trung sinh, ưa sáng và ưa ẩm, thường được trồng ở vườn gia đình xen với cây ăn quả. Vài năm trở lại đây, cây được trồng có kết quả tốt ở cả vùng đồi, đất cao nguyên ở Mộc Châu, Điện Biên, Đắc Lắc, hoặc ở đất mới khai hoang vùng Tam Điệp (Ninh Bình). Nhiệt độ không khí trung bình khoảng 23 – 260C. Cây ít thấy trồng ở những nơi cận nhiệt đới, núi cao như Sa Pa (Lào Cai); Đồng Văn (Hà Giang). Những cây trồng ở Trại thuốc Tam Đảo phát triển kém hơn cây trồng ở vùng đồi trung du đồng bằng. Cây trồng từ hạt sau 3 – 4 năm bắt đầu có hoa quả; các năm sau nhiều hơn.
Công dụng
Tính vị, công năng: Hoa hòe có vị đắng, tính mát, vào 2 kinh can và đại tràng, có tác dụng thanh nhiệt, lương huyết, chỉ huyết. Quả hòe có vị đắng, tính hàn.
Trong y học hiện đại, nụ hòe và rutin được dùng làm thuốc cầm máu trong các trường hợp xuất huyết, đề phòng tai biến do mạch máu bị xơ vữa, giòn dễ vữa, khi có biểu hiện về tổn thương mao mạch, xuất huyết dưới da, xuất huyết võng mạc, xuất huyết có liên quan đến xơ vữa động mạch, tăng huyết áp. Thuốc còn dùng chữa bệnh tăng huyết áp thể vừa và nhẹ, hạn chế được sự xuất hiện chảy máu não nhờ củng cố được thành mạch, giảm khả năng sinh ra các vi túi phình là nơi xung huyết dễ vỡ. Do đó, người cao tuổi bị tăng huyết áp nên dùng hòe. Ngoài tác dụng điều trị đối với các rối loạn mạch máu do tăng huyết áp, hòe còn được dùng cho xơ vữa động mạch , bệnh mạch do đái tháo đường, bệnh võng mạc và thiểu năng tuần hoàn não. Dùng dưới dạng nụ hòe, quả hòe sắc nước uống hoặc dưới dạng hoạt chất rutin. Rutin thường được dùng cho những bệnh nhân tăng huyết áp, mao mạch dễ vỡ để đề phòng đứt mạch máu não, xuất huyết cấp tính do viêm thận. Có thể dùng phối hợp với papaverin.
Liều dùng: Nụ hòe sao vàng mỗi ngày dùng 6 – 20 g sắc nước uống hoặc hãm uống như chè. Viên rutin 0,02g và viên rutin-C gồm rutin 0,02g và vitamin C 0,05g. Mỗi lần uống 1 – 2 viên, mỗi ngày uống -3 lần. Trên thị trường quốc tế còn có loại thuốc tiêm rutin tan, được gọi là Solurutin dùng để tiêm bắp thịt hoặc tĩnh mạch khi cần thiết.
Theo y học cổ truyền, hòe điều trị trường phong tiện huyết (đi ngoài ra máu tích phong nhiệt), niệu huyết, huyết lâm, băng lậu, trĩ ra máu, chảy máu cam, nôn ra máu, tăng huyết áp.
Bài thuốc
- Chữa đi ngoài ra máu:
Nụ hòe (sao) 20g, lá trắc bá (sao) 20g, chỉ xác 12g, hoàng liên 8g, kinh giới 8g. Thái nhỏ sắc với 400ml nước còn 100ml. Chia làm 2 lần uống trong ngày.
- Chữa tăng huyết áp, đau đầu choáng váng, ngón tay hơi tê, đầu óc căng thẳng, khó ngủ:
Nụ hòe (sao vàng), hạt muồng (sao); hai vị lượng bằng nhau, tán bột, mỗi lần uống 5g, ngày dùng 10 – 20g; hoặc dùng riêng mỗi vị 10g sắc nước uống.
- Chữa tăng huyết áp, đau mắt:
Nụ hòe 10g, lá sen hoặc ngó sen 10g, cúc hoa vàng 4g. Sắc nước uống.
- Chữa băng lâm hạ huyết (ra máu nhiều) ở phụ nữ:
Hạt hòe 250g (tẩm rượu sao), đan sâm 125g (tẩm giấm sao), hương phụ 60g (ngâm đồng tiện sao). Tất cả nghiền thành bột, làm thành viên nhỏ, mỗi buổi sáng uống 15g với cháo.
- Chữa sốt xuất huyết khi sốt đã lui mà còn xuất huyết nhẹ, chảy máu dưới da, trẻ em đổ máu cam, chảy máu chân răng:
Quả hòe sống, mỗi ngày dùng 10g sắc nước uống.
- Chữa lòi dom:
Quả hòe phối hợp với khổ sâm, lượng bằng nhau, nghiền thành bột mịn, hòa với nước, dùng bôi ngoài.
- Chữa trĩ nội, viêm ruột:
Quả hòe 100g (sao kỹ đến khi có màu tím sẫm), kim ngân hoa 100g, cam thảo dây 12g, nghệ vàng 10g. Tán bột, trộn đều. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 8g vào lúc đói (kinh nghiệm của lương y Am, Kim Sơn – Ninh Bình).
Chú ý: Phụ nữ có thai không được dùng quả hòe, vì dễ bị sẩy thai.