; HƯƠNG NHU TRẮNG – Thảo dược HerbEco
Giỏ hàng

HƯƠNG NHU TRẮNG

HƯƠNG NHU TRẮNG

Tên khoa học: Ocimum gratissimum L.

Tên khác: Hòe hoa, hòe mễ, lài luồng (Tày).

Tên nước ngoài: Lemon basil, large basil, shrubby basil (Anh); basilic blanc, basilic à grandes feuilles, baumier, basilic du Ceylon (Pháp).

Họ: Bạc hà (Lamiaceae).

Mô tả

Cây nhỏ, sống lâu năm, phân cành nhiều thành bụi sum sê, cao 1 – 1,5m.

Thân vuông, hóa gỗ ở gốc, màu lục hoặc tím tía, có lông ở phần non. Lá mọc đối, hình trứng thuôn, dài 5 – 10 cm, rộng 3 – 6 cm, gốc thuôn hẹp, đầu nhọn dài, mép khía răng thô, có lông ở hai mặt; cuống lá dài 2,5 – 5 cm.

Cụm hoa mọc ở kẽ lá hoặc đầu cành thành chùm xim, đôi khi phân nhánh ở gốc; lá bắc không cuống, sớm rụng; hoa màu trắng xếp thành những vòng sít nhau trên cụm hoa, mỗi vòng có 5 – 6 hoa, cuống hoa phủ đầy lông; đài hoa dài 5 mm, có lông, thùy trên hình tròn, dài hơn các thùy dưới và thùy bên; tràng hoa có cánh khía răng tròn ở mép; nhị 4, vượt ra ngoài tràng, chỉ nhị có lông ở gốc.

Quả bế tư, hình cầu, màu nâu, mặt ngoài sần sùi.

Mùa hoa quả: tháng 5 – 7.

Phân bố, sinh thái

Hương nhu trắng có lẽ có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới châu Phi hoặc Ấn Độ, vì ở 2 nơi này hiện có hai quần thể hương nhu trắng mọc hoang và trồng cùng tồn tại với sự đa dạng cao. Ngày nay, cây được trồng ở một số nước khác như ở vùng Trung, Nam Phi và Đông Nam Á. Trong đó, duy nhất có Việt Nam đã trồng hương nhu trắng trên phạm vi rộng ở nhiều địa phương từ các năm 1978 – 1989.

Hương nhu trắng là cây bụi ưa sáng, có biên độ sinh thái khá rộng, có thể thích nghi với vùng có khí hậu nhiệt đới nóng và ẩm cũng như vùng cận nhiệt đới, với nhiệt độ trung bình 23 – 300C; về mùa đông nhiệt độ có thể xuống dưới 10°C. Ở Ấn Độ, cây mọc tự nhiên ở khắp các độ cao, từ vài chục đến 1500m. Ở Việt Nam, hương nhu trắng sinh trưởng, phát triển mạnh ở vùng đồng bằng, trung du và núi thấp. Ở độ cao trên 1000m, cây mọc chậm. Cây ra hoa quả nhiều hàng năm. Khả năng tái sinh chồi của cây khá mạnh.

Tổng sản lượng tinh dầu hương nhu trắng trên thế giới mỗi năm khoảng 50 tấn (tương đương với 0,8 triệu USD). Nơi sản xuất nhiều là Ấn Độ và châu Phi. Việt Nam cũng đã từng sản xuất tinh dầu hương nhu trắng để xuất khẩu.

Công dụng

Tính vị, công năng: Hương nhu trắng có vị cay, mùi thơm, tính ấm, vào 2 kinh: phế, vị, có tác dụng phát hãn (làm ra mồ hôi), thanh nhiệt, tán thấp, hành thủy, giảm đau.

Hương nhu trắng được dùng làm thuốc trong phạm vị kinh nghiệm dân gian để hạ sốt, chữa cảm nhất là cảm nắng, say nắng, nhức đầu, đau bụng, đi ngoài, nôn mửa, phù thũng. Ngày dùng 6 – 12g dưới dạng thuốc sắc hoặc thuốc hãm.

Eugenol, chiết từ hương nhu trắng, được dùng trong nha khoa và là nguyên liệu để tổng hợp vanilin.

Ở Ấn Độ, nước hãm của lá hương nhu trắng được dùng chữa đau dạ dày ở trẻ em, và sốt rét. Dịch ép từ lá chữa nôn mửa và giun móc vì trong dược liệu có thymol; phối hợp với mật ong, gừng và dịch ép tỏi là thuốc lợi đờm, chữa viêm phế quản, ho ở trẻ em. Dịch ép từ lá còn chữa rắn độc cắn.

Ở Myanmar, nước sắc của lá hương nhu trắng chữa đầy hơi và tiêu chảy ở trẻ em; hạt hương nhu chữa bệnh thận. Ở Malaysia, dịch hãm từ lá chữa viêm đường ho hấp và rối loạn kinh nguyệt.

Bài thuốc

  • Chữa cảm sốt, nhức đầu, đau bụng, chân tay lạnh:

Hương nhu trắng 500g, hậu phác (tẩm gừng nướng) 200g, bạch biến đậu (sao) 2000g. Tất cả tán nhỏ, trộn đều, mỗi lần uống 10g có khi đến 20g với nước sôi để nguội.

  • Chữa cảm, làm ra mồ hôi, hạ sốt:

Hương nhu, hoắc hương, bạc hà, sả, tía tô, lá bưởi, lá chanh mỗi thứ 10g. Tất cả rửa sạch, đun sôi dùng xông hơi (Nồi nước xông).

  • Phòng, chữa cảm nắng, say nắng:

Lá hương nhu 32g, hạt đậu ván 32g, củ sắn dây 24g, gừng sống 12g. Các vị phơi khô, tán nhỏ, rây bột mịn. Mỗi lần người lớn dùng 16g, trẻ em 8g; hãm với nước sôi, gạn uống (kinh nghiệm của Viện Y học cổ truyền).

  • Chữa trẻ em chậm mọc tóc:

Hương nhu sắc đặc, hòa với mỡ lợn bôi hàng ngày (Tuệ Tĩnh, Nam Dược thần hiệu).

  • Chữa hôi miệng:

Hương nhu 10g, sắc với 200ml nước, dùng súc miệng và ngậm.