; HY THIÊM – Thảo dược HerbEco
Giỏ hàng

HY THIÊM

HY THIÊM

Tên khoa học: Siegesbeckia orientalis L.

Tên khác: Cỏ đĩ, chó đẻ hoa vàng, cỏ bà a, cúc dính, nụ áo rìa, sơn bích, cứt lợn, lưỡi đòng, cỏ cứt heo, nhả khỉ cáy (Tày), co boóng bo (Thái).

Tên nước ngoài: Common St Paul’s wort (Anh).

Họ: Cúc (Asteracese).

Mô tả

Cây thảo, sống hàng năm, cao 30-90 cm, phân nhiều cành nằm ngang, có lông. Lá mọc đối, hình tam giác hay hình quả trám, dài 4-10 cm, rộng 3-6 cm, cuống ngắn, phiến lá men theo cuống, đầu nhọn, mép có răng cưa không đều và đôi khi chia 2 thùy ở phía cuống, 3 gân chính mảnh, mặt dưới hơi có lông.

Cụm hoa có cuống dài 1-2 cm, mảnh, có lông, là một đầu có đường kính 6 – 7 mm; 5 lá bắc ngoài to, hình thìa, có lông dính, lá bắc trong hình trái xoan ngược, đầu cụt, hoa màu vàng; 5 cái ngoài là hoa cái hình lưỡi, những hoa khác lưỡng tính, hình ống, không có mào lông; tràng có lưỡi ngắn, chia 3 thùy, ống có lông, nhị 5, có tai nhọn rất ngắn.

Quả bế, hình trứng, có 4 - 5 cạnh tròn ở đỉnh, gốc thuôn dần, nhẵn, màu đen.

Mùa hoa quả: tháng 4 – 7.

Cây dễ nhầm lẫn:

Vì mang tên "cứt lợn”, nên cây dễ nhầm với cây cứt lợn chính tên – Ageratum conyzoides L. (xem cây này). Đã có trường hợp thu mua nhầm phải cây cứt lợn với số lượng hàng tấn dược liệu (năm 1962).

Một số cây khác cũng được gọi là “cứt lợn” như Anisomeles ovata R. Br., Lantana camara L. (xem các cây này).

Phân bố, sinh thái

Chi Seigesbeckia L. hiện có 2 loài ở Việt Nam là hy thiêm và hy thiêm núi.

Hy thiêm phân bố ở vùng có khí hậu cận nhiệt đới và nhiệt đới : Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Thái Lan, Lào, Indonesia, Philippin, Australia. Ở Việt Nam, cây phân bố chủ yếu ở vùng núi và trung du phía bắc như Hà Giang, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hoà Bình, Thanh Hóa, Nghệ An...Cây ưa sáng và ưa ẩm, thường mọc tương đối tập trung trên đất ẩm ở các bãi sông, ruộng hoang, ruộng trồng ngô và ven đường đi. Độ cao dưới 1500 m. Hàng năm, cây con mọc từ hạt vào tháng 4 – 5. Cây sinh trưởng nhanh và ra hoa ngay cuối mùa hè hoặc đầu mùa thu, sau tàn lụi vào đầu mùa đông. Vỏ quả có lông dính, dễ dàng phát tán nhờ con người và động vật.

Nguồn hy thiên ở Việt Nam khá dồi dào. Trước năm 1990, mỗi năm ngành y tế khai thác khoảng vài trăm tấn, gần đây khối lượng đã giảm.

Công dụng

Tính vị, công năng: Hy thiêm có vị cay đắng, tính mát, vào hai kinh can, thận, có tác dụng khu phong, trừ thấp, hoạt huyết, chỉ thống, lợi gân xương.

Hy thiêm được dùng để điều trị phong thấp, tê bại, khớp sưng nóng đỏ và đau nhức, đau lưng mỏi gối, mụn nhọn lở ngứa, kinh nguyệt không đều. Ngày dùng 8-16g, dạng thuốc sắc, cao mềm hoặc hoàn tán. Dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác như gối hạc, cỏ xước, củ cốt khí. Còn dùng giã đắp tại chỗ chữa nhọt độc, ong đốt, rắn cắn. Cây có tác dụng phụ gây nôn nếu dùng tươi, uống nhiều.

Trong y học Trung Quốc, hy thiêm được dùng phối hợp với các cây thuốc khác để điều trị ung thư và chảy máu não kèm theo chứng liệt. Dùng toàn cây dưới dạng nước sắc, liều một lần là 10g. Ở Ấn Độ, hy thêm được coi là có tác dụng chữa các vết loét hoại thư và các chứng đau nhức. Nước ép cây tươi (đắp trên vết thương, khi khô tạo thành một lớp phủ ngoài giống như véc ni. Cồn thuốc hy thiêm được dùng ngoài cùng với glycerin để chữa bệnh herpes loang vòng và một số bệnh nhiễm ký sinh trùng.  Hy thiêm được dùng chữa thấp khớp và cơn đau thận. Nó được coi là có tác dụng trợ tim, làm ra mồ hôi, chống scorbut và tăng tiết nước bọt. Còn được dùng làm thuốc trị giun sán. Cao nước hy thiêm có tác dụng độc đối với một số loài gián.

Ở Madagasca, hy thiêm được dùng với tác dụng gây liền sẹo ở bên ngoài và bên trong cơ thể (đối với loét ống tiêu hóa).

Ở Nêpal, dịch ép rễ hy thiêm trị vết thương. Ở Nigeria, cao toàn cây có tác dụng kháng khuẩn trị thương tổn da, bệnh phong, giang mai, bệnh hoa liễu và nấm da, trị loét, làm thuốc tẩy và chống nôn.

Bài thuốc

  • Chữa phong thấp (theo Hải Thượng Lãn Ông):

a. Rượu chữa phong đau:

Hy thiêm 80g, vỏ chân chim 100g (sao), rễ cỏ chỉ 80g (sao), rễ rung rúc 80g (sao), rẻ cây bươn bướm 60g (sao), cây bấn đỏ 40g (sao), cây bấn trắng 40g (sao), quy bầu 40g, ô dược 40g, cỏ xước 40g (sao), rễ bưởi bung 40g (sao), cỏ roi ngựa 24g (sao), cây bạc sau, cỏ nụ áo, ngò đất.

Cách chế: Những vị thuốc trên thái nhỏ, bọc vào một túi vải, bỏ vào trong hủ rượu, trát đất kín miệng, nấu trong thời gian cháy hết mội nén hương, rồi chôn xuống đất 3 ngày đêm, uống dần ít một vào lúc đói.

b. Chữa phong tê:

Bài thuốc rượu như trên, thêm rau đắng đất.

c. Viên chữa phong đau:

Hy thiêm 160g (chưng với rượu và mật), cẩu tích 240g (tẩm rượu nấu với nước muối, phơi khô), rễ cỏ xước 160g (dùng tươi, rửa với rượu), vỏ chân chim 160g (sao), rẻ gắm 160g (sao), cốt toái bổ 160g (cạo hết lông, thái nhỏ, nấu với nước mật, phơi khô), thạch hộc 160g (rửa với rượu, chưng kỹ, phơi khô), củ ráng 100g (phơi râm, bỏ lông và vỏ), lá ké đầu ngựa 40g (phơi râm).

Cách chế: Các vị trên tán bột, luyện mật làm viên. Uống mỗi lần 8 – 12g với nước gừng hay rượu.

  • Chữa phong thấp thể nhiệt, đau lưng và các khớp, nhức xương:

a. Hy thiêm, rửa sạch phơi khô, rưới rượu và mật vào, đồ rồi phơi, lại tẩm, đồ và phơi 9 lần. Sấy khô, tán nhỏ, viên với mật, uống mỗi ngày 10 - l5g.

b. Hy thiêm 50g, ngưu tất 20g, thổ phục linh 20g, lá lốt 10g, làm viên. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 10g.

  • Chữa giai đoạn sớm của viêm đa khớp dạng thấp, đau nhức khớp:

a. Hy thiêm 16g, ngưu tất 16g, thổ phục linh 12g, ké đầu ngựa 12g, cành dâu 12g, cà gai leo 12g, tỳ giải 12g, lá lốt 10g. Sắc uống ngày một thang.

b. Viên hy đan, mỗi viên có cao khô hy thiêm 0.03g, bột mịn ngũ gia bì 0,005g, cao ngũ gia bì 0,035g, bột mịn mã tiền chế 0,013g. Liều tối đa an toàn một lần là 20 viên và một ngày là 80 viên.

  • Chữa bại liệt nửa người, miệng mắt méo, mất tiếng:

a. Danh y Lê Kinh Hạp thời Tự Đức đã kê đơn cao hy thiêm uống với máu mào gà có kết quả.

b. Lá và cành non hy thiêm hái trước khi ra hoa, sao vàng tán bột. Thêm mật, làm viên to bằng hạt ngô.

Ngày uống 3-6g sau bữa ăn, nếu uống được rượu thì chiêu thuốc với rượu.

  • Chữa sốt rét cơn lâu ngày, đờm đọng hoặc tức đầy không muốn ăn:

Hy thiêm tươi giã nhỏ, chế nước sôi vào, chắt lấy nước cốt, uống một chén (30ml). Uống nhiều thì nôn ra đờm.

  • Chữa tăng huyết áp:

Hy thiêm 8g, ngưu tất 6g, thảo quyết minh 6g, hoàng cầm 6g, trạch tả 6g, chi tử 4g, long đởm thảo 4g. Uống mỗi ngày một thang, dạng thuốc sắc hoặc chè thuốc.

  • Chữa đau nhức các khớp không có nóng đỏ:

Hy thiêm, thổ phục linh, ké đầu ngựa, rễ vòi voi, mỗi vị 16g; uy linh tiên, tỳ giải, ý dĩ, cam thảo nam, mỗi vị 12g; quế chi, bạch chỉ, mỗi vị 8g. Sắc uống, ngày một thang.

  • Chữa viêm khớp dạng thấp:

Hy thiêm, rễ vòi voi, thổ phục linh, mỗi vị 16g; ngưu tất, kê huyết đằng, sinh địa, mỗi vị 12g; nam độc lực, rễ cây cà gai leo, rẽ cây cúc áo, huyết dụ, mỗi vị 10g. Sắc uống ngày một thang.

  • Chữa chàm (Nhị diệu thang gia giảm):

Hy thiêm, hoàng bá, ké đầu ngựa, phù bình, bạch tiễn bì, mỗi vị 12g; thương truật, phòng phong, mỗi vị 8g. Sắc uống ngày một thang.

  • Chữa vẩy nến:

Hy thiêm 16g; hòe hoa, sinh địa, cây cứt lợn, thạch cao, mỗi vị 20g; thổ phục linh, kim ngân hoa, ké đầu ngựa, cam thảo đất, mỗi vị 16g. Sắc uống ngày một thang.

  • Chữa tổ đỉa:

Hy thiêm 16g, thổ phục linh 20g; ké đầu ngựa, ý dĩ, sinh địa, mỗi vị 16g; kim ngân, tỳ giải, cây cứt lợn, kinh giới, cam thảo đất, mỗi vị 12g. Sắc uống, ngày một thang.