KIM TIỀN THẢO
KIM TIỀN THẢO
Tên khoa học: Desmodium styracifolium (Osb.) Merr.
Tên khác: Đồng tiền lông, mắt trâu, vảy rồng, dây sâm lông (Quảng Nam – Đà Nẵng), bươm bướm (Quảng Ninh).
Tên nước ngoài: Cat’s foot, maiden – hair, ground ivy (Anh), herbe de St – Jean, couronne de terre, lierre terrestre, rondette (Pháp).
Họ: Đậu (Fabaceae).
Mô tả
Cây thảo, mọc bò, sau đứng thẳng, cao 0,3 – 0,5m. Ngọn non dẹt, có khía và lông tơ trắng. Lá mọc so le, gồm 1 (đa số) hoặc 3 lá chét hình tròn, dài 1,5 - 3,4cm, rộng 2 - 3,5 cm, gốc bằng hoặc bơi hình tim, đầu tù hoặc hơi lõm, mặt trên màu lục xám nhạt, có gân rất rõ, mặt dưới phủ lông màu trắng bạc, mềm như nhung; lá kèm có lông, có khía; cuống la dàu 1 - 2,5cm, có lông.
Cụm hoa mọc ở kẽ lá hoặc đầu ngọn thành chùm ngắn hơn lá; lá bắc sớm rụng; hoa màu hồng; đài 4 răng đều, có lông ngắn; tràng có cánh cờ hình bầu dục, các cánh bên thuôn, cánh thìa cong có tai; nhị 2 bó; bầu hơi có lông.
Quả đậu hơi cong; hạt 3 có lông.
Mùa hoa quả: tháng 3 - 5.
Phân bố, sinh thái
Trên thể giới, kim tiền thảo phân bố ở các tỉnh phía nam Trung Quốc, Lào. Ở Việt Nam, cây thường gặp ở các tỉnh thuộc vùng núi thấp và trung du phía bắc, từ Nghệ An trở ra. Các tỉnh có nhiều kim tiền thảo là Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang, Quảng Ninh, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Hà Tây, Hòa Bình,…
Kim tiền thảo là cây ưa sáng, ưa ẩm nhưng cũng có thể hơi chịu được khô hạn. Cây thường mọc thành đám ở ven rừng, nhất là những nương rẫy mới bỏ hoang. Độ cao phân bố của cây thường dưới 600m. Cây ra hoa quả nhiều hàng năm, quả chín tự mở để hạt thoát ra ngoài. Về mùa đông, cây có hiện tượng rụng lá hoặc tàn lụi. Cây con mọc từ hạt thường xuất hiện vào tháng 4 hoặc đầu tháng 5.
Do khai thác liên tục, đặc biệt 4 – 5 năm trở lại đây, nguồn kim tiền thảo ở Việt Nam giảm đi rõ rệt. Một số vùng trước kia có nhiều, như ở huyện Đại Từ (Thái Nguyên); Lập Thạch (Vĩnh Phúc), nay trở nên hiếm.
Công dụng
Tính vị, công năng: Kim tiền thảo có vị ngọt, tính mát, vào các kinh: can, thận, bàng quang, có tác dụng thanh nhiệt, trừ thấp, lợi tiểu, thông lâm.
Kim tiền thảo được dùng chữa sỏi đường tiết niệu, sỏi mật, viêm gan vàng da, viêm thận phù thũng, nhiệt lâm, thạch lâm. Liều dùng hàng ngày: 15 – 30g, sắc nước uống.
Bài thuốc
- Chữa sỏi đường tiết niệu:
a. Kim tiền thảo 30g, hải kim sa 15g (gói trong vải), đông quỳ tử 15g, xuyên phá thạch 15g, hoài ngưu tất 12g, hoạt thạch 15g. Sắc nước uống.
b. Kim tiền thảo 30g; xa tiền tử 15g; chích sơn giáp, thanh bì, ô dược, đào nhân mỗi vị 10g; xuyên ngưu tất 12g. Sắc nước uống.
c. Kim tiền thảo 40g, mã đề 20g, tỳ giải 20g, trạch tả 12g, uất kim 12g, ngưu tất 12g, kê nội kim 8g. Các vị trên thái nhỏ, phơi khô sắc với 400ml nước còn 100ml uống làm 2 lần trong ngày.
Nếu đái ra máu thêm nhọ nồi 16g. Hoặc kim tiền thảo, mã đề, rễ dền gai (sao vàng) rễ thiên lý, vỏ bí đao, rễ cỏ tranh, đậu đen (sao thơm); mỗi vị 12g, sắc nước uống.
d. Có thể dùng độc vị kim tiền thảo uống thay nước chè để tống sỏi
- Chữa sỏi đường mật:
Kim tiền thảo 30g, chỉ xác (sao) 10 – 15g, xuyên luyện tử 10g, hoàng tinh 10g, sinh đại hoàng 10g. Sắc nước uống.
Hoặc kim tiền thảo 20g; rau má tươi 20g; nghệ vàng 8g; có xước 20g; hoạt thạch, vảy tê tê, củ gấu, mỗi vị 12g; mề gà 6g; hải tảo 8g; nước 500ml. Sắc còn 200ml, uống làm một lần lúc đói, hoặc sắc uống làm hai lần trong ngày.
- Chữa viêm thận, phù, viêm gan, viêm túi mật:
Kim tiền thảo 40g; mộc thông, ngưu tất mỗi vị 20g; dành dành, chút chít, mỗi vị 10g, sắc uống, ngày một thang.
TRỒNG VÀ SẢN XUẤT KIM TIỀN THẢO TẠI TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU VÀ SẢN XUẤT DƯỢC LIỆU MIỀN TRUNG
Kim tiền thảo được trồng và sản xuất tại Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất Dược liệu miền Trung theo tiêu chuẩn Vietgap, được kiểm tra chất lượng chặt chẽ qua từng giai đoạn
Chọn mua sản phẩm Kim tiền thảo