; LÁ LỐT – Thảo dược HerbEco
Giỏ hàng

LÁ LỐT

LÁ LỐT

Tên khoa học: Piper lolot C.DC.

Tên khác: Tất bát, phjăc pat, bẩu pat (Tày), ana khia táo, lau chuẩy (Dao).

Tên nước ngoài: Lolot – pepper (Anh); lolot, poivrelolot (Pháp).

Họ: Hồ tiêu (Piperaceae).

Mô tả

Cây thân cỏ, sống dai, cao 30 – 40cm. Thân phồng lên ở các mấu, có vạch dọc, đôi khi có màu nâu, hơi phủ lông. Lá đơn, nguyên, mọc so le, dài khoảng 13cm, rộng 8 – 10cm, gốc hình tim, đầu nhọn, mặt trên nhẵn, mặt dưới có ít lông ở các đường gân, gân lá chằng chịt hình mạng lưới; cuống lá dài 2,5cm.

Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành bông đơn tính, dài khoảng 1,5cm. Trục bông cái có lông; lá bắc có phiến tròn, không cuống, bầu nhẵn, hình trứng, nằm sâu trong trục bông, đầu nhụy hình sợi.

Quả mọng chứa một hạt.

Mùa hoa quả: tháng 8 – 10.

Phân bố, sinh thái

Lá lốt được coi là loài đặc hữu phổ biến của các nước Việt Nam, Lào, Campuchia (Võ Văn Chi, 1997).

Ở Việt Nam, lá lốt mọc tự nhiên khắp mọi nơi, từ vùng đồng bằng đến trung du, đặc biệt là các tỉnh vùng núi thấp (dưới 1000m).

Lá lốt là cây ưa ẩm và ưa bóng, thường mọc thành những đám lớn ở ven rừng, dọc theo các bờ khe suối ở cửa rừng, chân núi đá vôi, các bờ ao ở quanh làng. Cây ra hoa quả hàng năm. Hình thức tái sinh tự nhiên chủ yếu là mọc chồi từ thân rễ.

Công dụng

Tính vị, công năng: Lá lốt có vị cay, mùi thơm, tính ấm, vào hai kinh: tỳ và phế, các tác dụng ôn trung tán hàn, hạ khí, chỉ thống, trừ phong thấp, kiện vị, tiêu thực, giảm đau, cầm nôn.

Lá lốt được dùng điều trị phong thấp, thấp khớp mạn, đau lưng, đau khớp, đau nhức xương, tay chân lạnh tê bại, rối loạn tiêu hóa, nôn mửa, đầy hơi, trướng bụng, đau bụng, tiêu chảy, thận và bàng quang lạnh, đau đầu, đau nhức răng, viêm cấp tính vùng răng miệng, chảy nước mũi hôi, ra mồ hôi tay chân, phù thũng.

Ngày dùng 8 - 12g lá phơi khô hay 15 – 30g lá tươi sắc với nước, chia 2 - 3 lần uống trong ngày.

Dùng ngoài, lá lốt sắc đặc, ngậm chữa đau răng.

Kiêng kỵ: người bị dạ dày nhiệt, táo bón không nên dùng.

Bài thuốc

  • Chữa chứng lợm giọng:

Lá lốt 40g, tán nhỏ. Uống 2g trước mỗi bữa ăn, với nước cơm.

  • Chữa mũi chảy nước:

Lá lốt, tán ra bột mà thổi vào.

  • Chữa nhọt độc vỡ lâu không liền miệng:

Lá lốt, lá chanh, lá thanh yên, lá ráy, tía tô, đều bằng nhau, giã nhỏ.

Lấy vỏ trong của cây chanh (bỏ vỏ thô ngoài), phơi khô giã thành bột mịn rắc vào, rồi gói các thuốc trên vào lá chuối tiêu, dùi lỗ, đắp vào. Mỗi ngày đêm thay một lần.

  • Chữa bệnh tổ đỉa:

Lá thanh yên, nấu nước để nguội rửa. Sau lấy lá lốt, lá cà gai leo, đều bằng nhau, giã nhỏ, trộn với giấm, bôi.

  • Chữa vết thương do bị chém:

Lá lốt 1 phần, lá thanh yên 2 phần, nõn khoai môn 2 phần. Thái thật nhỏ, gói vào lá chuối hột, dùi nhiều lỗ nhỏ, rồi đắp vào chỗ đau, mỗi ngày rửa và thay đắp 3 lần.

  • Chữa phong thấp, đau nhức xương:

a. Rễ lá lốt, dây chìa vôi, rễ cỏ xước, hoàng lực, độc lực (rễ quýt rừng), hạt xích hoa xà, đơn gối hạc, mỗi vị 12g. Sắc uống (Hành giản trân nhu).

b. Lá lốt 16g, tầm gửi cây dâu 12g, tục đọan 12g. Sắc với 250 ml nước còn 150 ml, chia 2 lần uống vào ban ngày và buổi tối trước khi đi ngủ.

c. Lá lốt 20g, vòi voi 40g, ké đầu ngựa 20g, ngưu tất 10g. Làm thành thuốc viên, mỗi lần uống 10 - 15g.

d. Lá lốt, cỏ xước, cành dâu, cà gai, mỗi vị 20g; ngưu tất 10g. Sao qua, sắc uống mỗi ngày 1 thang, trong 3 - 5 ngày. Có thể củng cố kết quả bằng cách ăn lá lốt nấu với lạc trong 7 ngày liền.

e. Rễ và thân lá lốt 20g, dây đau xương 10g, rễ thầu dầu tía 10g. Tất cả cắt ngắn, phơi khô, sắc với 400 ml nước còn 100 ml, uống làm 2 lần trong ngày. Dùng 7 - 8 ngày.

f. Lá lốt 20g, thiên niên kiện 12g, gai tầm xoọng 16g. Sắc uống trong ngày.

g. Lá lốt, cỏ xước, cẩu tích, hy thiêm, mỗi vị 20g; rễ sy l6g; rễ quýt rừng l6g; cà gai leo 12g, thiên niên kiện 12g. Sắc uống ngày một thang.

  • Chữa đau lưng, sưng khớp gối, bàn chân tê buốt:

a. Rễ lá lốt, rễ bưởi bung, rễ cây vòi voi, rễ cỏ xước, mỗi vị 50g tươi. Tất cả thái mỏng, sao vàng. Sắc với 600 ml nước, còn lại 300 ml, chia 3 lần uống trong ngày.

b. Lá lốt, ngải cứu, đều bằng nhau. Giã nát, chế thêm giấm, chưng nóng, đắp hoặc chườm.

  • Chữa phù thũng:

a. Lá lốt tươi 40g, ngải cứu tươi 40g, lá sả tươi 40g, nghệ 10g. Tất cả sao vàng, sắc với 900 ml nước, còn lại 300 ml, chia làm 3 lần uống trong ngày.

b. Lá lốt, rễ cà gai leo, rễ mỏ quạ, rễ gai tầm xoọng, lá đa lông, mã đề, mỗi vị 12g. Sắc uống, ngày một thang.

  • Chữa viêm xoang, chảy nước mũi đặc:

Lá lốt vò nát, đặt vào lỗ mũi.

  • Chữa viêm cấp tính do các bệnh về răng miệng, gây sưng nề ở má cằm, vùng hàm, viêm khớp dây chằng ở răng, túi viêm răng khôn:

Cao mềm lá lốt 2g, đường kính 2g, nước vừa đủ 10ml. Hoà tan rồi ngậm.

  • Chữa viêm lợi, nha chu viêm (thuốc đau răng Dentocid):

Cao mềm lá lốt, tinh dầu bạc hà, tinh dầu hương nhu, clorophyl chiết từ lá tre. Tất cả bào chế thành cao lỏng với cồn thấp độ. Dùng tăm bông thấm thuốc, chấm vào chỗ răng đau trong 5 - 10 phút. Sau đó súc miệng cho sạch.

  • Giải độc, chữa say nấm, rắn cắn:

Lá lốt, lá khế, lá đậu ván trắng, mỗi vị 50g. Giã nát, thêm nước gạn uống.

  • Chữa đầy bụng, nôn mửa:

Lá lốt 10 – 20g. Sắc uống.

  • Chữa ong bò vẽ đốt:

Lá lốt, quả cà dại hoa trắng. Giã nát, lấy nước bôi.

  • Chữa đái tháo đường:

Rễ cây lá lốt, rễ rau ngót, rễ cườm gạo, cối xay, mỗi vị 20g. Các vị băm nhỏ sao qua, cho 4 bát nước sắc nhỏ lửa còn một bát, chia uống 2 lần trong ngày.