; MÃ TIỀN – Thảo dược HerbEco
Giỏ hàng

MÃ TIỀN

MÃ TIỀN

Tên khoa học: Strychnos nux - vomica L.

Tên khác: Củ chi, phiên mộc miết, mác sèn sứ (Tày), co bên kho, co sét ma (Thái).

Tên nước ngoài: Nux vomica tree, strychnine tree, poison nut tree, vomiting nut, crow fig (Anh); vomiquier, noix vomique, arbre à noix vomique (Pháp).

Họ: Mã tiền (Loganiaceae).

Mô tả

Cây to, thân đứng cao 5 - 12m. Cành nhẵn, không có móc, đôi khi có gai ở kẽ lá, vỏ màu xám có lỗ bì. Lá mọc đối, hình trứng, gốc tù, đầu nhọn, dài 6 – 12 cm, rộng 3,5 - 8,5 cm, nhẵn và dai, mặt trên màu lục sẫm bóng, gân lá 3, nổi rõ ở mất dưới; cuống lá dài 5 - 10cm.

Cụm hoa mọc ở đầu cành thành chùy dài 3 - 5 cm, có 1 - 2 đôi lá có lông mịn; hoa màu trắng hoặc vàng nhạt; lá đài 5, hàn liền có lông; cánh hoa 5, hàn liền thành một ống dài 1 - 1,2 cm; nhị 5, đính ở phía trên ống tràng; bầu hình trứng, nhẵn.

Quả hình cầu, đường kính 3 - 6 cm, vỏ cứng nhẵn bóng, khì chín màu vàng cam hay vàng đỏ, chứa cơm quả màu trắng và 1 - 5 hạt hình tròn dẹt như chiếc khuy áo to, đường kính 2 - 2,5 cm, dày 4 - 5 nm, một mặt lồi, một mặt lõm, có lông mượt óng ánh tỏa đều từ giữa ra, màu xám.

Mùa hoa quả: tháng 2 – 8.

Trong chi Strychnos, còn có một số loài khác cũng mang tên mã tiền và được sử dụng :

  • Strychnos ignatii Bergius (hainanensis Merr. et Chun), tên khác là dây gió, đậu gió; St. Ignatius’ beans (Anh); fève de St. Ignace (Pháp).

Dây leo thân gỗ, dài 5 - 20 m, dựa vào cây khác bằng móc đơn ở kẽ lá. Vỏ thân màu nâu hoặc xám nhạt, có nhiều lỗ bì. Cành tròn nhẵn. Lá mọc đối, hình trứng hoặc hình trái xoan hẹp, dài 6 - l7 cm, rộng 3,5 - 7 cm, đầu có mũi nhọn, gốc tròn, hai mặt lá nhẵn, có 3 gân tỏa từ gốc. Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành chùy kép (thường ở những lá đã rụng), dài 2 - 2,5 cm, có khi 4cm, cuống hoa có lông; hoa mẫu 5, tràng màu trắng hoặc vàng nhạt. Quả hình cầu, đường kính 6 - 10 cm, khi chín màu vàng nâu, có 4 - 10 hạt, hình ellip, dẹt, mặt lõm, mặt lồi, phủ lông dài màu vàng xám, mép hạt có một đường gờ nổi chạy vòng.

  • Strychnos vanprukii Craib (Suadrangularis, S.nitida Gagnep.), tên khác là dây vuông, mã tiền cành vuông.

Dây leo thân gỗ, dài 5 - 20 m, có móc xếp từng đôi một ở đầu cành ngắn. Vỏ thân màu nâu. Cành non có 4 cạnh, nhẵn. Lá mọc đối, hình ellip hoặc hình mác, dài 7 - 12 cm, rộng 2,5 - 5,5 cm, gốc thuôn, đầu nhọn, màu xanh bóng, có 3 gân, gân phụ nhiễu tạo thành mạng sít nhau. Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành chùy dài 2 - 4 cm, cuống có lông mịn hoặc nhẵn. Hoa mẫu 5, tràng màu vàng nhạt. Quả hình cầu nhỏ, đường kính 1,5 - 2 cm, khi chín màu vàng cam, có 1 - 2 hạt nhẵn, hơi dẹt, đường kính khoảng 10 mm.

Cây dễ nhầm lẫn:

Strychnos nux - blanda A. W. Hill , cùng họ, có tên dân dã là mã tiền hạt trắng (vì cây có hình dạng rất giống cây mã tiền chính thức, nhưng hạt lại có màu trắng). Cây này chỉ khác mã tiền ở những điểm chính sau:

Lá to gần như tròn dài 10 - 20 cm, rộng 7 - 14 cm, gân chính 5 - 7. Quả có đường kính 6 - 8 cm, màu lục nhạt, hạt màu trắng.

Trong công tác thu mua dược liệu để xuất khẩu và sử dụng, đây là một trở ngại lớn vì hai loại hạt này thường lẫn lộn với nhau, hơn nữa, mã tiền hạt trắng không chứa hoạt chất tác dụng là strychnin, do đó hạt này không có giá trị chữa bệnh như hạt mã tiền.

Phân bố, sinh thái

Chi Strychnos L. có khoảng 150 loài trên thế giới. Ở Malaysia, có 25 loài (PROSEA, No 12(1) – Medicinal and Poisonous Plants, 1999, 467); Việt Nam có gần 20 loài, hầu hết là những cây dạng bụi trườn, dây leo gỗ và chỉ có ít loài là cây gỗ, trong đó có cây mã tiền.

Mã tiền phân bố tập trung ở vùng nhiệt đới Đông Nam Á và Nam Á, bao gồm Ấn Ðộ, Băngladesh. Srilanca, Mianma, Thái Lan, Campuchia, Lào, Bắc Malaysia, Việt Nam. Cây có ở Philippin là do nhập nội, nay đã trở nên hoang dại hóa. Ở Viậệt Nam, mã tiền chỉ thấy ở các tỉnh phía nam, nhiều nhất ở Khánh Hoà, Bình Thuân, Ninh Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tây Ninh, Kiên Giang (đảo Phú Quốc), Gia Lai và Đắc Lắc.

Mã tiền thuộc loại cây nhiệt đới điển hình. Cây thích nghi ở vùng có nhiệt độ trung bình năm 24 - 26°C trở lên; không thấy mọc ở các tỉnh phía bắc. Cây ưa sáng, chịu được khí hậu khô nóng, thường mọc ở rừng thưa, rừng nửaa rụng lá hoặc rừng kín thường xanh ở đai thấp, dưới 500 m. Cây ra hoa quả nhiều hàng năm. Khi quả chín thường rụng vào mùa mưa (tháng 8 - 10) hoặc bị chim bồ các ăn phần cơm quả. Hạt nảy mầm ngay cuối mùa rnưa. Cây có khả năng tái sinh cây chồi sau khi bị chặt. Ở các vùng đồi ven biển thuộc tỉnh Khánh Hoà, Đồng Nai... có đến trên 50% là cây chồi. Cây mọc từ hạt phải sau 7 - 10 năm mới có hoa, quả.

Nguồn mã tiền ở miền Nam Việt Nam khá phong phú. Trong những năm 1997 - 1985, khối lượng thu mua thường xuyên đạt vài trăm tấn hạt/năm, chủ yếu để xuất khẩu. Cây mã tiền bị chặt phá do nạn phá rừng làm nương rẫy, lấy gỗ làm củi đun và dùng trong xây dựng. Tuy nhiên, những cây mã tiền lớn thường bị rỗng ruột.

Công dụng

Tính vị, công năng: Hạt mã tiền có vị đắng, tính lạnh, rất độc, có tác dung làm mạnh tỳ vị, mạnh gân cốt, thông kinh lạc, tán kết, tiêu thũng, chỉ thống, trừ phong thấp và tê bại.

Mã tiền được dùng cả trong y học hiện đại và y học cổ truyền

Y học hiện đại dùng mã tiền trong các bệnh suy nhược, viêm dây thần kinh do nghiện rượu, say rượu cấp, đái dầm, ngộ độc thuốc ngủ barbituric và làm thuốc bổ đắng kích thích tiêu hóa. Hiện nay, strychnin không có tầm quan trọng về điền trị, nhưng tỏ ra có ích trong việc nghiên cứu cách tác dụng của các thuốc chống co giật.

Trong y học cổ truyền mã tiền được dùng chữa tiêu hóa kém, phong thấp, nhức mỏi tay chân, tiêu khí huyết tích tụ trong bụng (uống trong và xoa bóp ngoài), đau dây thần kinh, bại liệt, liệt nửa người, chó dại cắn.

Liều trung bình của mã tiền cho người lớn là 0,05g một lần 0,15g: 24 giờ. Liều tối đa người lớn 0,10g một lần 0,30g: 24 giờ. Trẻ con dưới 3 tuổi không dùng. Từ 3 tuổi trở lên: 0.005g cho mỗi tuổi. Dùng dưới dạng thuốc sắc hoặc thuốc bột. Không dùng quá liều quy định.

Kiêng kỵ: Bệnh nhân di tinh, mất ngủ không dùng.

Ở Trung Quốc, mã tiền được dùng làm thuốc kích thích và bổ. Thuốc được chỉ định trong trường hợp bị suy giảm các quá trình chuyển hóa, béo phì, mệt mỏi, suy giảm sinh dục, trong thời kỳ bình phục sau bệnh nhiễm trùng và sốt, và bệnh thấp khớp. Còn được dùng làm thuốc sát trùng, chống độc để chữa rắn độc cắn và được chỉ định trong các trường hợp liệt và liệt nhẹ của hệ thần kinh ngoại biên, thiếu máu và rối loạn cơ năng thị giác.

Hạt mã tiền đã chế biến được dùng dưới dạng bột hoặc viên hoàn. Trong bệnh liệt và liệt nhẹ, liều mỗi lần là 0,001 – 0,005g, các trường hợp khác: 0,05 – 0,1g.

Bài thuốc

  • Chữa phong thấp, tê liệt nửa người:

Hạt mã tiền nấu với dầu vừng cho đến khi dung dịch có màu vàng. Vớt hạt đập nhỏ, tán bột, mỗi lần uống 0,1g, đến khi thấy ra mồ hôi thì thôi (Hải Thượng Lãn Ông).

  • Chữa tê thấp, đau nhức, sưng khớp:

Bột mã tiền chế (50g), bột thương truật (20g), bột hương phụ tứ chế (13g), bột mộc hương (8g), bột địa liền (6g), bột quế chi (3g), tá dược vừa đủ làm 1.000 viên. Mỗi ngày uống 4 viên, tối đa 6 viên. Theo hướng dẫn, uống khi nào thấy giật giật mới có kết quả. Một đợt uống 50 viên rồi nghỉ.

Cần chú ý thuốc có độc, việc sử dụng phải hết sức thận trọng (Thuốc phong bà Giằng, Thanh Hóa).

  • Chữa trúng phong bại liệt, hoặc liệt bàng quang, đái khó hay đái nhỏ giọt:

Dùng mã tiền chế uống mỗi lần 0,1g, ngày uống 3 lần.

  • Chữa phong cổ lay bạch hầu, họng sưng dau không nuốt được :

Mã tiền chế (1 hạt) mài với thanh mộc hương hay mộc hương (1g) rồi hoà với mật gấu (1g), phèn xanh (1g). Khi dùng bôi thuốc vào họng nhiều lần.

  • Chữa thấp khớp (viên Hy đan):

Công thức cho một viên: mã tiền chế 0,013g, hy thiêm 0,03g, ngũ gia bì 0,005g, cao ngũ gia bì 0,035g. Liều dùng tối đa một lần: 20 viên, một ngày: 80 viên.

  • Chữa thiếu máu, mệt mỏi, ăn không tiêu, kém ăn (viên bổ Ngũ hà):

Công thức cho một viên: mã tiền 0,01g, cao ngũ gia bì 0,10g, hà thủ ô 0,01g, sắt oxalat 0,03g, mật ong 0.01g. Liều người lớn: ngày uống 2 – 3 viên, mỗi lần 1 viên.