; MẠN KINH – Thảo dược HerbEco
Giỏ hàng

MẠN KINH

MẠN KINH

Tên khoa học: Vitex trifolia L. f.

Tên khác: Quan âm, đẹn ba lá, từ bi biển, vạn kim tử, mác nim (Tày).

Tên nước ngoài: Indian wild pepper (Anh).

Họ: Cỏ roi ngựa (Verbenaceae).

Mô tả

Cây nhỏ hay cây bụi. Cành non có 4 cạnh, có lông mềm, màu xám nhạt; cành già tròn, nhẵn, màu nâu. Lá kép mọc đối, 3 lá chét (lá ở gần ngọn có hoa thường đơn), lá chét hình trứng, gốc tròn, đầu tù hoặc hơi nhọn, mép nguyên, mặt trên nhẵn và đen lại khi khô, mặt dưới phủ đầy lông trắng, lá chét giữa lớn hơn; lá vò ra có mùi thơm; cuống lá dài 1 - 3cm.

Cụm hoa là một chuỳ tận cùng, đôi khi có lá ở gốc, có lông dày; mang nhiều xim mọc đối, mỗi xim có 2 - 3 hoa màu tím nhạt hoặc lam nhạt; lá bắc nhỏ, hình dải; đài hình chuông, có lông trắng, 5 răng nhỏ đều; tràng hình trụ có lông ở mặt ngoài trừ phần gốc, môi trên có 2 thuỳ ngắn, môi dưới 3 thuỳ, thuỳ giữa lớn hơn hai thuỳ bên; nhị 4, thò ra ngoài.

Quả hạch, hình cầu, co rãnh nhỏ, rộng khoảng 6 mm.

Mùa hoa quả: tháng 5 – 7.

Loài cây này còn có một thứ Vitex trifolia L. f. var. ovata (Thunb.) Makino (V.ovata Thunb.) gọi là mạn kinh lá nhỏ, quan âm biển, cây chỉ sao 10 – 20 cm, thân mọc bò, lá chỉ có một lá chét. Cũng được dùng.

Phân bố, sinh thái

Chi Vitex L. gồm khoảng 150 loài, phân bố trên khắp các vùng nhiệt đới và á nhiệt đới của châu Á, châu Phi và châu Mỹ, chỉ có một số ít loài ở vùng ôn đới ấm châu Âu và châu Á. Ở Malaysia, có 30 loài, Ấn Độ khoảng trên 30 loài và Việt Nam 14 loài, trong đó có tới 6 – 7 loài được dùng làm thuốc. Cây mạn kinh có nguồn gốc ở Nam Phi, vùng phân bố từ Madagasca, đến Xrilanca, Afghanistan, Ấn Độ, Myanma, Nam Trung Quốc, Nhật Bản xuống các nước vùng Đông - Nam Á đến vùng Bắc Australia và phía đông Caledonia. Ở Việt Nam, mạn kinh phân bố rải rác ở khắp các tỉnh vùng núi thấp xuống đến trung du và đôi khi gặp ở cả đồng bằng. Độ cao phân bố thường dưới 1000m.

Mạn kinh là cây bụi lớn hoặc gỗ nhỏ, thường mọc rải rác ở ven rừng, đồi cây bụi lẫn với nhiều loại cây bụi khác. Cây ưa sáng và có thể chịu được hạn, do có hệ thống rễ cọc phát triển cắm sâu xuống đất. Cây phân cành nhiều, ra hoa quả đều hàng năm. Ở một số nước vùng Nam và Đông Nam Á khác, cây ra hoa gần như quanh năm (E. P. Capareda, 1999, in: L.S de Padua et al, PRSEA (12 (1) - Med. and Poisonous Plants, 499). Cây mọc ở các tỉnh vùng núi phía bắc có hiện tượng rụng lá về mùa đông và mọc lá non vào giữa muà xuân. Tái sinh chủ yếu từ hạt; phần còn lại sau khi chặt đều có khả năng tái sinh chồi. Cây trồng được bằng hạt, sau 1 năm tuổi có thể cao tới gần 1m.

Gỗ thân và cành mạn kinh thường bị chặt làm củi, cành và lá làm phân xanh.

Công dụng

Tính vị, công năng: Mạn kinh có vị cay, đắng, tính mát, vào các kinh: can, vị và bàng quang, có tác dụng thư tán phong nhiệt, minh mục, giảm thống.

Theo kinh nghiệm nhân dân, mạn kinh dược dùng làm thuốc chữa cảm mạo, sốt, đau đầu, nhức thái dương, nhức mắt, tối tăm mặt mũi. Ở Philippin, người ta dùng dịch chiết từ lá chữa bệnh lao. Ở Ấn Độ, hoa, lá, rễ, được dùng làm thuốc hạ sốt, chống nôn; quả chữa vô kinh. Ở Malaysia, nhân dân dùng mạn kinh chữa nhiều bệnh. Quả mạn kinh tán nhỏ cho vào kho thóc gạo hoặc tủ quần áo để trừ côn trùng.

Bài thuốc

  • Chữa đau nhức đầu, mờ mắt:

Mạn kinh 10g, cam cúc hoa 8g, tế tân 3g, xuyên khung 4g, cam thảo 4g, bạch chỉ 3g. Nước 600ml, sắc còn 200ml, chia làm 3 lần uống trong ngày.

Hoặc chỉ dùng một vị mạn kinh 80g, ngâm trong một lít rượu 30 – 400, khoảng 10 ngày trở lên. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 10 - 15m1.

  • Chữa đau mắt sưng đỏ, có màng che, chảy dử nhiều, quáng mắt:

Mạn kinh, hạt muồng (sao), hạt đuôi mang, hạt mã đề, hạt ích mẫu. Các vị lượng bằng nhau, tán bột làm viên uống với nước chè, hoặc dùng mỗi vị 12g, sắc nước uống (Nam dược thần hiệu)

  • Chữa sưng vú giai đoạn đầu:

Mạn kinh sao giòn tán nhỏ, mỗi lần dùng 4g hoà với rượu, gạn lấy rượu uống, còn bã đắp lên vú (Đặc huệ phương)

  • Chưa viêm tai giữa:

Mạn kinh, hoàng liên ô rô mỗi vị 15g, thương nhĩ tử 9g. Sắc uống trong ngày.

  • Thuốc làm đen tóc:

Mạn kinh, mỡ gấu, 2 vị lượng bằng nhau, trộn với giấm thanh, bôi.