MUỒNG TRÂU
MUỒNG TRÂU
Tên khoa học: Cassia alata L.
Tên khác: Cây lác, muồng lác.
Tên nước ngoài: Ringworm shrub, winged senna, ringworm senna, candelabra bush, crawcraw plant (Anh); dartrier, casse ailée, séné ailé (Pháp).
Họ: Vang (Caesalpiniaceae).
Mô tả
Cây nhỏ, cao 1,5m hay hơn. Thân mập, cành nằm ngang, có lông rất nhỏ và có khía. Lá mọc so le, kép lông chim, dài 30 – 40 cm, gồm 8 – 12 đôi lá chét hình chữ nhật hoặc hình bầu dục tròn ở hai đầu, lá chét dài 5 – 13cm, rộng 2,5 – 7cm, to dần về phía ngọn, hai mặt nhẵn; cuống lá to, hơi có cánh; lá kèm thẳng, nhọn, tồn tại.
Cụm hoa mọc ở kẽ lá và ngọn thân thành bông to, dài 20 – 30cm, rộng 3 – 4cm; lá bắc sớm rụng; cuống cụm hoa mập; hoa màu vàng; lá đài 5 không bằng nhau, thuôn, nhẵn; cánh hoa 5, thắt lại ở gốc thành móng ngắn và hẹp; nhị 6 – 7, 2 nhị to có bao phấn 10mm, những nhị trung bình có bao phấn 5mm, những nhị nhỏ có bao phấn bằng nhau, dài 4mm; bầu có cuống, vòi nhụy ngắn.
Quả dẹt, có cánh ở hai bên dìa, dài 8 – 16cm, rộng 1,5 – 1, 7cm; hạt nhiều, dẹt, hình quả trám.
Mùa hoa quả: tháng 10 – 12.
Phân bố, sinh thái
Chi Cassia L. có đến 580 loài trên thế giới, phân bố rộng rãi ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Ở Việt Nam có 24 loàt đều mọc tự nhiên, một số loài được trồng để tạo bóng cho chè, cà phê, hoặc làm thuốc.
Muồng trâu có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới châu Mỹ, sau lan rộng ra các vùng khác tạo thành loài liên nhiệt đới. Ở châu Á, cây phân bố ở Ấn Độ, Thái Lan, Campuchia, Lào, Việt Nam, Malaysia. Ở Việt Nam, cây phân bố rải rác ở các tỉnh miền núi, nhất là ở miền Nam, như Bình Dương, Lâm Đồng, Bình Định, Phú Yên. Khánh Hoà, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Hà Tĩnh... Ở miền Bắc, cây được trồng trong các vườn thuốc y học dân tộc.
Muồng trâu là cây ưa sáng, thường mọc trên đất ẩm bên bờ sông suối. Cây rụng lá hàng năm vào mùa đông (ở miền Bắc) và mùa khô (ở miền Nam), đo đó, mùa hoa quả giữa hai miền có thể lệch nhau đến hai tháng.
Quả chín khô tách thành 2 mảnh, hạt rơi xuống đất, tồn tại qua đông và sẽ nảy mầm vào cuối mùa xuân năm sau. Cây có khả năng tái sinh sau khi bị chặt đốn.
Công dụng
Tính vị, công năng: Muồng trâu có vị hơi đắng, mùi hắc, tính mát, có tác dụng nhuận tràng, giải nhiệt, sát trùng, lợi tiểu.
Muồng trâu được dùng làm thuốc chữa táo bón (1á, cành, rễ, sắc uống), phù thũng, đau gan, vàng da (lá, cành, rễ sắc uống thường xuyến như chè). Ngày dùng 4 - 12g để nhuận tràng, 20 - 40g để tẩy.
Dùng ngoài, chữa hắc lào, bệnh tokelo, herpes loang vòng. Lá muồng trâu giã nát lấy nước cốt bôi ngày hai lần sau khi đã rửa sạch, cạo cho tróc vẩy hắc lào, hoặc lấy lá tươi vò nát xác vào. Còn dùng chữa bệnh ghẻ của người và động vật, lá nấu nước tắm và xát vào chỗ ghẻ lở. Sự kiêng kỵ như đối với tất cả các vị thuốc chứa anthraglucosid khác. Đối với người có thai, dùng trong phải thận trọng.
Bài thuốc
- Chữa táo bón:
Muồng trâu 20g, chút chít 20g, đại hoàng 4 - 6g. Sắc uống trong ngày.
- Chữa hắc lào:
a. Lá muồng trâu tươi giã nát, lấy nước bôi. Thêm ít muối hoặc dịch quả chanh, tác dụng càng mạnh hơn.
b. Lá muồng trâu đem nghiền nát. Đổ vào đó nước đun sôi có pha natri fluorid, để yên trong 24 giờ, rồi lọc qua vải. Thêm vào bã ít cồn 900, ngâm 24 giờ, rồi ép lấy cồn. Hợp cả cồn và nước lại, cô tới độ cao mềm. Cao này có thể bảo quản không bị mốc do có natri fluorid. Có thể chế thuốc mỡ 1/5 từ cao.
- Chữa thấp khớp:
Muồng trâu 40g; vòi voi 30g; tang ký sinh, quế chi, dứa dại, rễ cỏ xước, mỗi vị 20g. Sắc uống ngày một thang, trong 7 – 10 ngày.
- Chữa viêm thần kinh tọa:
Muồng trâu 24g; cây lức 20g; thần thông, rễ nhàu, kiến cò, mỗi vị 12g, đỗ trọng 8g. Sắc uống ngày một thang.
- Chữa ban trái (ban chẩn):
Lá muồng trâu 8g; hương bài 10g; đọt tre non, ké đầu ngựa, mùi tàu, cây lức, mỗi vị 8g; mức hoa trắng 6g; vỏ quýt 4g; đăng tâm 2g. Sắc uống ngày một thang.