; NÁNG HOA TRẮNG – Thảo dược HerbEco
Giỏ hàng

NÁNG HOA TRẮNG

NÁNG HOA TRẮNG

Tên khoa học: Crinum asiaticum L.

Tên khác: Tỏi voi, chuối nước, cây lá náng, văn châu lan, luột lài, cáp gụn (Tày), co lạc quận (Thái).

Tên nước ngoài: Asian poison bulb (Anh), crinole asiatique (Pháp).

Họ: Thủy tiên (Amaryllidaceae).

Mô tả

Cây thảo lớn. Thân hành to hình cầu hoặc hình trứng thuôn, đường kính đến 10cm, thắt lại ở đầu. Lá mọc thẳng từ thân hành, hình dải, phiến dày, dài 1m hoặc hơn, rộng 5 – 10cm, gốc có bẹ rộng, đầu nhọn, mép nguyên uốn lượn, gân song song, gân chính lồi rõ ở mặt dưới, hai mặt màu lục nhạt.

Cụm hoa mọc ở giữa túm lá thành tán, trên một cán mập, dẹt, dài 40 – 60cm gồm nhiều hoa to màu trắng, thơm; bao hoa có ống hẹp màu lục dài 7 – 10cm, mẫu 3; lá đài và cánh hoa giống nhau, hình dải thuôn hẹp; nhị 6, chỉ nhị màu đỏ tía; bầu dạng thoi.

Quả nang, gần hình cầu, đường kính 3 – 5cm, thường chỉ chứa một hạt.

Mùa hoa quả: tháng 6 – 8.

Phân bố, sinh thái

Chi Crinum L có khoảng 165 loài trên thế giới, phân bố khá rộng rãi ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, đặc biệt là các vùng ven biển. Một số loài có hoa đẹp và thơm nên được trồng làm cảnh. Ở Việt Nam, chi này có 8 loài.

Náng hoa trắng có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới châu Á. Cây phân bố rải rác từ vùng Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam đến các tỉnh phía nam vào đảo Hải Nam – Trung Quốc. Ở Việt Nam, cây mọc trong trạng thái hoang dại ở chân núi đá vôi hoặc các bãi hoang thuộc vùng ven biển nhưng thường thấy trong quần thể trồng.

Náng hoa trắng là cây ưa ẩm, ưa sáng và có thể hơi chịu bóng, sinh trưởng mạnh trong mùa mưa ẩm; một năm có thể ra 4 – 6 lá mới, thay thế các lá già đã xuất hiện trước đó từ 1 đến 1,5 năm. Về mùa đông, cây ngừng sinh trưởng. Cây ra hoa quả hàng năm. Tỷ lệ hoa đậu quả chỉ khoảng 40 – 50%. Cây có khả năng đẻ nhánh khỏe từ chồi gốc. Cây chồi cũng là nguồn giống để trồng.

Công dụng

Nhân dân thường dùng lá náng hoa trắng hơ nóng đắp và bóp vào những chỗ tụ máu, sai gân, bong gân, sưng tấy do ngã hay bị đánh, khớp sưng đau, bó gãy xương. Còn dùng xoa bóp khi bị tê thấp, nhức mỏi. Thân hành giã nát nướng đắp trị thấp khớp. Ở miền Nam Trung Quốc, nhân dân dùng lá náng hoa trắng hơ nóng đắp chữa sưng tấy bong gân. Có khi còn dùng nước sắc lá rửa và trị trĩ ngoại. Ở Ấn Độ, nhân dân dùng hạt làm thuốc điều kinh, lợi tiểu, tẩy; dùng lá làm thuốc long đờm, đắp điều trị bệnh da, và làm giảm viêm. Để gây nôn, thân hành tươi giã nát, thêm 4 phần nước, gạn uống cứ vài phút một lần (mỗi lần 8 - 16g) cho đến khi nôn được, chú ý theo dõi tránh ngộ độc. Thân hành giã nướng đắp chữa thấp khớp. Lá phơi khô đốt xua muối. Còn dùng nước ép thân rễ nhỏ vào tai chữa đau tai. Ở Madagascar, thân hành đắp trị áp xe, mụn nhọt, và dịch ép lá rỏ tai trị đau tai.

Ngoài cây náng hoa trắng, đôi khi cây náng hoa đỏ cũng được dùng với công dụng tương tự.

Bài thuốc

  • Chữa sai khớp xương, bong gân (Hải Thượng Lãn Ông):

Lá náng, quế, hồi hương, định hương, vỏ sòi, vỏ núc nác, gừng sống, lá canh châu, lá dây đau xương, mủ xương rồng bà, lá thầu dầu tía, lá kim cang, lá mua, huyết giác, củ nghệ, hạt trấp, hạt máu chó, lá bưởi bung, lá tầm gửi cây khế (nếu có sưng cơ thì bỏ lá đau xương, thêm giấm). Tất cả giã nát, sao nóng mà chườm.

  • Chữa tụ máu, sưng tấy do bị ngã hay bị đánh, bong gân, bó gãy xương:

Lá náng 10 - 20g, lá dây đòn gánh 10g, lá bạc thau 8g. Giã nhỏ, thêm ít rượu, nướng, đắp nóng. Ngày làm một lần.

  • Chữa thấp khớp, sai gân, bong gân, tụ máu:

a. Náng hoa trắng, mua thấp, mỗi thứ 30g, dạ cẩm 20g. Ba vị dùng lá tươi giã đắp.

b. Lá náng hoa trắng 30g; lá si, lá sở, mỗn vị 20g. Tất cả dùng tươi, giã nát, trộn với lòng trắng trứng, đắp, băng lại. Hai ngày thay thuốc một lần.