; NGHỆ TRẮNG – Thảo dược HerbEco
Giỏ hàng

NGHỆ TRẮNG

NGHỆ TRẮNG

Tên khoa học: Curcuma aromatica Salisb.

Tên khác: Nghệ xanh, nghệ rừng, nghệ Mèo, nghệ Lào, ngọc kinh.

Tên nước ngoài: Wild turmeric, yellow zedoary, wild yellow root (Anh)

Họ: Gừng (Zingiberaceae).

Mô tả

Cây thảo, cao khoảng 1m, thân rễ to có nhiều rễ dài mang củ nhỏ hình trứng, màu vàng nhạt, rất thơm. Thân khí sinh do dẹ lá tạo thành. Lá mọc so le, hình bầu dục, thuôn hoặc mũi mác rộng, dài 40 -50cm, rộng 10 – 15cm, đầu nhọn, mặt dưới có lông nhung cuống và bẹ ngắn.

Cụm hoa mọc từ thân rễ, trước khi cây ra lá, hình trụ, dài 15 – 20cm, lá bắc nhiều, lớp lên nhau, những lá phái dưới mang hoa màu lục, lá phía trên không mang hoa pha hồng ở đầu, hoa màu vàng, đài có 3 răng tu, co lông dạng mi, tràng có ống dài hơn đài, cánh môi hình tròn hơi chia ba thùy, nhị ngắn, bao phấn hình bầu dục, trung đới mảnh có hai tai ở gốc, nhị lép dài bằng cánh môi, thuôn, bầu có lông.

Quả ít gặp.

Mùa hoa quả: tháng 3 – 6.

Phân bố, sinh thái

Nghệ trắng phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới Nam Á và Đông Nam Á, từ Ấn Độ, Malaysia đến Lào, Việt Nam và hai tỉnh Vân Nam, Quảng Tây (Trung Quốc).

Ở Việt Nam, nghệ trắng có ở các tỉnh miền núi phía bắc, tập trung nhiều ở Lai Châu (Điện Biên, Tuần Giáo), Sơn La (Mộc Châu, Yên Châu), Hòa Bình (Mai Châu)… Cây ưa ẩm, ưa sáng và có thể hơi chịu bóng, thường mọc trên đất ẩm, còn tường đối màu mỡ ở vùng nương rẫy, trong thung lũng và ở những bãi đất hoang dọc đường đi và quanh làng bản… Độ cao phân bố có khi đến gần 1000m. Cây thường mọc tập trung thành đám lớn, do sự phân nhánh, phát triển mạnh của hệ thống thân rễ. Cây ra hoa hàng năm. Hiện nay, chưa quan sát được quá trình tái sinh tự nhiên cây con từ hạt.

Công dụng

Nghệ trắng có vị cay, đắng, tính hàn, vào các kinh tâm, phế, can, có tác dụng hành khí, giải uất, lương huyết, phá ứ.

Ở Việt Nam, nơi có nghệ trắng mọc, đồng bào Thái thường đào thân rễ về rửa sạch thái mỏng nấu với cá ăn cho thơm và đỡ tanh.

Theo kinh nghiệm nhân dân, nghệ trắng được dùng chữa kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh, viêm gan mạn tính, ho gà, tế thấp, sưng tấy. Dùng ngoài chữa bong gân, sai khớp, liều dùng 6 – 12g. Sắc nước uống, hoặc dưới dạng hoàn tán. Thường dùng phối hợp với các vị thuốc khác.

Ở Lào, nhân dân vùng Sầm Nưa coi nghệ trắng là một vị thuốc bổ, dùng cho phụ nữ sau khi đẻ. Ở Tung Quốc, nghệ trắng được dùng chưa đau tức ngực, bụng đầy trướng, vàng da, nôn ra máu, đi tiểu ra máy, kinh nguyệt không đều, động kinh.

Chú ý:  Những người âm hư thiếu máu, không có khí trễ, huyết ứ không được dùng nghệ trắng.

Bài thuốc

  • Chữa băng huyết, máu xấu, đau bụng kinh:

Nghệ trắng 20g, nhọ nồi 20g (sao cháy), củ gấu 20g, (chế với giấm, nước muối, rượu và nước tiểu trẻ em), tô mộc 16g, ngải cứu 12g (sao đen). Tất cả thái nhỏ sắc với 400ml nước còn 100ml, chia làm 2 lần uống trong ngày.

  • Chữa viêm gan mạn tính, đau vùng gan:

Nghệ trắng, nga truật, thanh bì, chỉ xác, lá móng tay, sơn tra, quyết minh tử  (sao), mộc thông, tô mộc, huyết giác, mỗi vị 12g. Sắc uống.

  • Chữa ho gà:

Lấy 20g nghệ trắng tươi giã nhỏ, tẩm rượu vừa đủ ướt, cho vào lọ nút kín, hấp cách thủy 1 giờ, rồi chắt nước uống.

  • Chữa sỏi túi mật:

Nhân trần, kim tiền thảo mỗi vị 30g, nghệ trắng, chỉ xác, đại hoàng, xuyên luyện tử, nguyên hồ mỗi vị 9g, mộc hương 6g, sài hồ 8g. Sắc nước uống.

  • Chữa kinh nguyệt không đều:

Nghệ trắng 6g, sinh địa 6g, hầm với xương lợn ăn.