; NHÂN TRẦN – Thảo dược HerbEco
Giỏ hàng

NHÂN TRẦN

NHÂN TRẦN

Tên khoa học: Adenosma glutinosum (L.) Druce

Tên đồng nghĩa: Adenosma caeruleum R. Br.

Tên khác: Chè cát, chè nội, tuyến hương, hoắc hương núi.

Họ: Hoa mõm chó (Scrophulariaceae)

Mô tả

Cây thảo, mọc đứng, cao 40 -70cm, có khi đến 1m. Thân tròn, cứng phủ đầy lông. Lá mọc đối, hình trái xoan, dài 4 – 6cm, rộng 2 – 3cm, đầu tù hoặc hơi nhọn, gốc tròn, mép khía răng đều, hai mặt đều có lông, cuống lá dài, 0,5 – 1,2cm, vò lá có mùi thơm.

Cụm hoa mọc ở đầu cành và kẽ lá thành chùm dạng bông, dài đến 30cm, hoa màu lam tím, đài hình chuông xẻ 5 răng có lông, thùy ngoài hình mác, rộng và dài, thùy trong rất hẹp, tràng chia 2 môi, môi trên hình tam giác, bằng hoặc hơi lõm ở đầu, môi dưới hơi dài hơn, chia 3 thùy đều nhau, nhị 4.

Quả nang, dài bằng đài hoa, hình trứng có mỏ ngắn, chứa nhiều hạt nhỉ màu vàng.

Phân bố, sinh thái

Có khoảng 15 loài thuộc chi Adenosma R.Br. ở vùng nhiệt đới Đông – Nam Á, Nam Á, Trung Quốc và Australia. Ở Lào có 8 loài, Việt Nam 7 loài bà Campuchia 6 loài.

Loài nhân trần phân bố khắp vùng nhiệt đới từ Ấn Độ, Srilanca đến Malaysia, Thái Lan, Campuchia, Lào, Việt Nam, Nam Trung Quốc, và một số đảo lớn (Borneo, Java) của Indonesia. Ở Việt Nam, nhân trần phân bố tập trung ở các tỉnh vùng núi phía bắc, như Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Tuyên Quang, Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La và Hòa Bình. Gần đây cũng tìm thấy ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên -Huế…

Nhân trần là cây ưa ẩm, ưa sáng và hơi chịu bóng, nhất là khi cây còn nhỏ, thường mọc lẫn với những loài cây bụi nhỏ, cỏ thấp ở ven rừng, nương rẫy cũ hoặc ở đồi. Độ cao phân bố đến 1300m (ở Yên Minh và Quản Bạ - Hà Giang). Ở Thái Lan, cây còn mọc lẫn với các loại cỏ khác dưới tán rừng cây lá kim (F1. Thai., vol. V, Part. 2, 1990, p.148). Nhân trần sống được trên nhiều loại đất, kể cả đất đồi hơi chua pH. 5 – 5.5. Hàng năm, cây con mọc từ hạt thường thấy vào gần cuối mùa xuân. Thời kỳ sinh trưởng mạnh kéo dài 2 – 3 tháng trong màu hè. Đến giữa mùa thu, sau khi quả đã già, toàn cây lụi tàn. Quả nhân trần khi già tự mở để hạt phát tán ngay xung quanh gốc mẹ. Do đó, trong tự nhiên thường thấy cây mọc thành từng đám nhỏ, đôi khi tương đối thuần loại.

Việt Nam có nguồn trữ lượng nhân trần tự nhiên khá phông phú. Do nhu cầu sử dụng ngày càng tăng nên trong vòng 15 năm trở lại đây, cây được khia thác mạnh. Ước tính mỗi năm đã tiêu thụ khoảng 30 tấn nguyên liệu. Hiện nay, nhân trần ở các tỉnh: Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hòa Bình, Cao Bằng, Lạng Sơn… đã trở nên hiếm dần.

Công dụng

Theo y học cổ truyền, nhân trần có vị đắng, cay, tính bình, vào các kinh tỳ, vị, can, đởm, có tác dụng thanh nhiệt, lợi thấp, hành khí, chỉ thống, lợi tiểu, làm ra mồ hôi.

Trong y học hiện đại, nhân trần đã được Bộ môn truyền nhiễm Trường đại học Y khoa Hà Nội dùng điều trị thực nghiệm bệnh viêm gan do virus. Tất cả bệnh nhân dùng thuốc điều là người lớn, vào viện trong giai đoạn cấp tính, có thời kỳ tiền hoàng đản và thời kỳ hoảng đản rõ rệt, xét nghiệm máu hoạt độ các men transaminaza đều tăng, trị bilirubin máu cũng tăng. Nhân trần được dùng dưới dạng siro mỗi ngày một chai 100ml, chia làm 2 lần uống vào buổi sáng và chiều. sau một thời gian điều trị, ở bệnh nhân dùng nhân trần trị bilirubin máu và hoạt độ men SGPT đều trở về mức bình thường. Đó là các dậu hiệu khách quan không phụ thuộc vào ý kiến chủ quan của bệnh nhân cũng như của thầy thuốc. Ngoài ra, các triệu chứng chủ quan của bệnh nhân cũng được cải thiện rõ rệt, như hết mệt mỏi, hết đau vùng gan, ăn ngon giúp cho bệnh nhân chóng hồi phục.

Còn trong y học cổ truyền, nhân trần được chữa vàng da, sốt nóng, tiểu tiện không thông và cho phụ nữa sau khi đẻ làm ăn ngon, chóng lại sức.

Liều dùng: 8 – 20g/ngày, dưới dạng thuốc sắc, siro hoặc thuốc viên.

Trong thú y, nhân trần được dùng chữa bệnh trâu bò ỉa phân trắng.

Ở Trung Quốc, nhân trần còn chữa phong thấp cốt thống, khí trễ phúc thống, mụn nhọt. mẩm ngứa do ve bọ đốt, dùng phối hợp với các loại thuốc khác chữa bệnh viêm da đồng ruộng do ấu trùng sán vịt.

Chú thích: Tránh nhầm lẫn với vị nhân trần cảo của Trung Quốc cso tên khoa học là Artemisia capillaris Thunb. thuộc họ Asteraceae.

Bài thuốc

  • Chữa sốt vàng da (mắt vàng, đái vàng, miệng khô, tiểu tiện khó).

Nhân trần 20g, chi tử 12g, đại hoàng 4g, nước 500ml. Sắc còn 250ml. chia làm 3 lần, uống trong ngày.

  • Chữa say nắng, nhức đầu, sốt nóng:

Nhân trần, hành trắng, mỗi vị lượng bằng nhau (khoảng một nắm). Sắc nước uống. (Nam dược thần hiệu)

  • Chữa mắt sưng đỏ đau:

Nhân trần, mã đề, mỗi vị một nắm. Sắc nước uống (Nam dược thần hiệu)

  • Chữa hoàng đản, ra nhiều mồ hôi, chân tay lạnh, mạch yếu:

Nhân trần 24g, can khương 12g, cam thảo 8g, phụ tử chế 4g. Sắc nước uống.