ỔI
ỔI
Tên khoa học: Psidium guajava L.
Tên đồng nghĩa: Psidium guajava L. var. pyriferum L. ; Psidium guajava L. var. pomiferum L.
Tên nước ngoài: Common guava (Anh), goyavier (Pháp).
Họ: Sim (Myrtaceae).
Mô tả
Cây nhỡ, cao 3 - 6m. Thân có vỏ mỏng, trơn nhẵn, khi già bong ra từng mảng. Cành non vuông, có lông mềm, cành già hình trụ, nhẵn. Lá mọc đối, hình trái xoan hoặc hình trứng, dài 9 - 11cm, rộng 3 - 6cm, gốc tròn, đầu tù hơi nhọn, mặt trên màu lục sẫm, mặt dưới nhạt có gân nổi rõ.
Hoa màu trắng, mọc đơn độc hoặc tập trung 2 – 3 cái ở kẻ lá, cuống có lông mịn; đài nhỏ có ống, 4 – 5 răng không đều; tràng 5 cánh dày, có lông mềm; nhị rất nhiều, xếp thành nhiều dãy, chỉ nhị rời, bao phấn có trung đới rộng; bầu hạ, dính vào ống đài, 5 ô.
Quả mọng, hình cầu hoặc hình trứng, khi chín màu vàng, ruột màu đỏ, trắng hoặc vàng, hạt rất nhiều, hình bầu dục.
Mùa hoa: tháng 3 - 4; mùa quả: tháng 8 – 9.
Phân bố, sinh thái
Ổi có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới châu Mỹ. Theo De Candolle vùng phát sinh của ổi có lẽ ở giữa Mexicô và Peru. Chính những người Tây Ban Nha đã đưa cây đến các đảo ở Thái Bình Dương và Philippin; còn người Bồ Đào Nha du nhập cây vào Ấn Độ và sau đó phát triển rộng ra khắp các vùng nhiệt đới khác (Lita Soetopo, 1992, Psidium guajava L., in: E.W.M.Verheij and R.E.Coronel PROSEA, N02 - Edible fruits and nuts, Bogor Indonesia, 266 - 270). Trong quá trình du nhập, trồng trọt và lai tạo giống, người ta đã tạo nên rất nhiều giống ổi khác hẳn nhau. Bên cạnh quần thể trồng trọt rất nhong phú, còn có quần thể ối mọc hoang dại khá đa dạng ở các nước nhiệt đới châu Mỹ, châu Á.
Ở Việt Nam, ổi là cây ăn qua quan trong, được trồng hầu như khắp các địa phương, cả vùng đồng bằng lẫn ở miền núi, trừ vùng cao trên 1500m. Chỉ tính riêng quần thể ổi trồng đã có khoảng 7 - 10 giống khác nhau. Quần thể ổi mọc hoang dại thường chỉ thấy ở vùng trung du và núi thấp. Chúng mọc lẫn với nhiều loại cây bụi khác ở các vùng đồi, đất sau nương rẫy, hay dọc theo các đường đi. Ổi mọc hoang dại có hoa quả nhiều nhưng chất lượng quả kém (quả nhỏ, nhiều hạt, vị chát…) nên ít được chú ý.
Ổi là cây ưa sáng, sinh trưởng phát triển tốt trong một giới hạn rộng của vùng khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới. Giới hạn về nhiệt độ từ 15 – 450C, nhưng nhiệt độ tốt nhất cho cây sinh trưởng và cho nhiều quả là từ 23 – 280C; lượng mưa 1000 - 2000mm/năm. Cây có thể chịu được hạn, song điều kiện quá ẩm ướt, thường xuyẻn có sương mù làm cho cây ra hoa, kết quả kém. Ổi ra hoa quả nhiều hàng năm. Cụm hoa thường xuất hiện trên những cành non mới ra cùng năm. Nhìn chung hoa nở có thể kéo dài 2 ngày. Trong khoảng thời gian đó, sự thụ phấn xảy ra bất cứ lúc nào; Gió và côn trùng là tác nhân thụ phấn. Trong khi đó, chim, động vật (kể cả người) là tác nhân phát tán hạt giống đi khắp nơi. Vòng đời của cây ổi có thể tồn tại 40 - 60 năm.
Các nước trồng nhiều ổi nhất thế giới là Braxin, Mêxicô, Thái Lan, Indonesia (Java) và một số nước khác ở châu Á. Ước tính mỗi năm có khoảng vài trăm ngàn tấn quả được đưa ra thị trường thế giới. Hoa Kỳ, Nhật Bản và châu Âu là những nước thường xuyên nhập khẩu ổi từ các nước nhiệt đới.
Công dụng
Tính vị, công năng: Ổi có vị chát, hơi chua, tính mát, sáp trường, chỉ tả.
Quả ổi xanh được dùng chữa tiêu chảy bằng cách nhai quả nuốt nước, nhả bã. Người bình thường ăn ổi xanh sẽ bị táo bón. Quả ổi xanh còn có thể giải độc ba đậu và các chất độc khác gây tiêu chảy. Quả ổi chín, nhất là loạt chín mềm, vỏ ngoài màu vàng, chứa nhiều pectin nên có tác dụng nhuận tràng (ăn quả chín hàng ngày hoặc làm mứt ăn dần).
Vỏ rộp ối, chứa tanin có tác dụng làm săn, giảm đau, sát khuẩn, thường dùng phối hợp với các dược liệu khác. Lá non và búp ổi là vị thuốc chữa đau bụng đi ngoài, thường dùng dạng thuốc sắc hay thuốc hãm, với liều hàng ngày là 15 - 20g; lá ổi nấu nước tắm trị rôm sẩy, lở ngứa. Vỏ thân và vỏ rễ ổi cũng được dùng để chữa đi ngoài và rửa vết thương, vết loét, với liều 15g sắc uống.
Trong y học Trung Quốc, dịch ép quả ổi trị đái tháo đường và quả ổi chín phơi khô là thuốc chữa kiết lỵ. Trong y học Ấn Độ, lá ổi trị vết thương, vết loét và là chất làm săn đối với ruột. Lá non là thuốc bổ trong những bệnh về chức năng tiêu hóa. Nước sắc lá phần nào có kết quả làm ngừng nôn và tiêu chảy trong bệnh dịch tả. Nước sắc lá non và búp ổi uống trị lỵ và tắm để hạ sốt và chống co thắt. Nước hãm lá được dùng trong bệnh về não và viêm thận. Lá giã nát đắp trị thấp khớp, cao chiết lá được dùng trong động kinh và múa giật, cồn thuốc từ lá được xát lên cột sống trẻ em bị co giật. Nước sắc lá ổi súc miệng trị đau răng và nhọt ở lợi. Nước sắc vỏ cây có tác dụng làm săn, trị tiêu chảy trẻ em. Hoa ổi được coi là có tác dụng làm mát cơ thể, trị viêm phế quản. Quả có tác dụng bổ, làm mát, nhuận tràng, trị đau bụng, chảy máu lợi, tiêu chảy và lỵ. Quả ổi có trong thành phần một bài thuốc gồm 5 vị để chữa hen. Một bột nhão từ búp non cây ổi và búp non bạch đồng nữ với tỷ lệ bằng nhau, trộn với ít muối ăn, được dùng chữa đau dạ dày do đầy hơi.
Ở Indonesia, ổi được dùng chữa đau dạ dày và tiêu chảy. Rễ ổi phối hợp với lá tần cửu và 2 dược liệu khác chữa tiêu chảy ra máu. Vỏ cây có trong thành phần một số bài thuốc chữa đau bụng, tiêu chảy thường và tiêu chảy ra máu. Ở Nepal nhân dân uống dịch ép từ vỏ thân cây ổi để chữa lỵ và tiêu chảy ra máu và uống dịch ép rễ cây ổi để chữa lỵ. Vỏ thân của 3 cây: ổi, ban và vối rừng được trộn lẫn với tỷ lệ bằng nhau và nghiền nát lấy dịch uống để trị tiêu chảy ra nhiều nước và lỵ. Búp ổi non sao vàng, sắc uống trị tiêu chảy. Ở Haiti, nhân dân cũng dùng dịch ép quả hoặc nước sắc lá uống trị tiêu chảy. Ở Mêhicô, cao nước lá ổi trị tiêu chảy không nhiễm khuẩn. Ở Brazil, búp ổi chữa tiêu chảy, viêm lợi. Ở Bờ Biển Ngà, nước sắc lá ổi được dùng uống có tác dụng thông mật và trị tiêu chảy.
Bài thuốc
- Chữa tiêu chảy:
a. Búp ổi 12g, vỏ thân ổi, tô mộc, mỗi vị 8g; gừng 2g. Sắc uống ngày một thang.
b. Búp ổi 20g, lá khổ sâm 12g, gừng sống 8g. Băm nhỏ, sắc uống làm 2 lần trong ngày.
c. Búp ổi (sao qua) 20g, vỏ quýt khô 10g, gừng nướng chín 10g. Sắc uống ngày một thang.
d. Lá ổi, vò quả bòng khô, mỗi vị 20g; lá chè tươi 10g; gừng tươi 2 lát. Sắc uống trong ngày.
e. Búp ổi 8g, củ sả 16g, củ riềng (thái lát 8g, sao qua sắc đặc uống trong ngày.
f. Lá ổi 8g; vỏ rụt 12g; thần khúc, thảo quả, hoắc hương, mỗi vị 8g, can khương 8g. Tán bột, làm viên, ngày uống 8 – 10g.
g. Vỏ rộp ổi, vỏ cây vối, đọt cây hồng xiêm, mỗi vị 20g. Sao vàng, hạ thổ, sắc đặc uống trong ngày. Có thể dùng dạng bột, mỗi lần uống 15 – 20g.
- Chữa thổ tả:
Vỏ rộp ối sao đen, lá phèn đen, mỗi vị 40g; hoài sơn sao đen, liên nhục sao đen, mỗi vị 20g: trạch tả sao, trư linh, bạch truật sao vàng, bạch linh, hoắc hương, mỗi vị 12g. Tất cả phơi khô, tán hột rây mịn. Mỗi lần uống 1 thìa cà phê, ngày 2 lần.
- Chữa lỵ:
Vỏ rộp ổi, hạt mã đề, hoa hoè, rễ mơ lông, mỗi vị 8g. Sao vàng, sắc uống ngày một thang.
- Chữa khí hư:
Vỏ rộp ổi, vỏ cây sắn thuyền, rễ cỏ tranh, mỗi vị 30g. Sắc uống ngày một thang.