; PHẤN PHÒNG KỶ – Thảo dược HerbEco
Giỏ hàng

PHẤN PHÒNG KỶ

PHẤN PHÒNG KỶ

Tên khoa học: Stephania tetrandre S. Moore

Tên khác: Củ dòm, củ gà ấp

Họ: Tiết dê (Menispermaceae).

Mô tả

Dây leo sống nhiều năm có rễ củ nằm ngang mặt đất, thuôn dài hơn củ bình vôi, hình giống tư thế con gà mái đang ấp trứng, khi cắt ngang có màu vàng rõ hơn, ít xơ hơn, đường kính tới 6cm. Thân mềm, có thể dài tới 2,5 – 4m; vỏ thân màu xanh nhạt, phía gốc hơi đỏ. Lá mọc so le, hình khiên, dài 4 – 6cm, rộng 4,5 – 6cm, gốc hình tim; đầu lá nhọn, mép nguyên, hai mặt lá đều có lông mềm, toàn màu lục, mặt dưới màu tro; gân gốc 5.

Hoa nhỏ mọc thành tán đơn, khác gốc; hoa đực có 4 lá đài, 4 cánh hoa; hoa cái có bao hoa nhỏ như hoa đực và một lá noãn. Quả hạch, hình cầu, hơi dẹt, khi chín màu đỏ.

Phân bố, sinh thái

Ở Việt Nam, phấn phòng kỷ phân bố ở Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Quảng Ninh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội.

Còn có ở Trung Quốc, Nhật Bản.

Mọc rải rác trong rừng thứ sinh cây bụi, trên núi đá vôi. Ra hoa tháng 5 – 6, có quả tháng 7 – 9.

Công dụng

Tính vị, tác dụng: Vị đắng, tính hàn; có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lợi tiểu thiêu thũng, khư phòng trừ thấp, tán ứ chỉ thống.

Ở Trung Quốc cây được dùng chữa:

- Thủy thũng, giảm niệu

- Phong thấp tê đau

- Đau dạ dày, loét hành tá tràng

- Viêm dạ dày ruột cấp tính, lỵ

- Viêm tuyến nước bọt, sưng amygdal

- Đau thần kinh

- Bệnh đường niệu sinh dục, bạch đới

- Huyết áp cao

Dùng ngoài trị rắn cắn, mụn nhọt, cụm nhọt. Liều dùng 5 – 15g. Dạng thuốc sắc.

Dân gian thường dùng rễ sắc nước uống chữa đau lưng, mỏi nhức chân, đau hông, đau bụng (uống vào ngủ rất say). Dùng đắp chỗ sưng, bắp chuối, nhọt cứng, apxe do tiêm (lẫn tí muối, gừng), dùng cho gia súc như trâu bò uống mỗi khi chúng kén ăn, chê cỏ. Có nơi còn dùng củ băm nhỏ nấu nước uống chữa kiết lỵ ra máu, đau bụng kinh niên và đau dạ dày.

Bài thuốc

  • Thủy thũng sưng chân tay:

Phấn phòng kỷ, hoàng kỳ, bạch truật, cam thảo (nướng), mỗi vị 6g, sắc uống.

  • Đau thần kinh:

Phấn phòng kỷ 23g, Diphenhydranium 25mg, chia 2 hay 3 lần uống trong ngày.

Ghi chú: Có tác giả nghi ngờ sự có mặt của cây Stephania tetrandra S. Moore vì trong Củ gà ấp lấy ở Yên Bái có alcaloid là tetrahydropalmatin không có trong củ Phấn phòng kỷ.