RAU ĐẮNG BIỂN
RAU ĐẮNG BIỂN
Tên khoa học: Bacopa monnieri (L.) Wettst.
Tên khác: Rau sam đắng, Cây ruột gà
Họ: Hoa mõm sói (Scrophulariaceae)
Mô tả
Cây thảo sống dai có thân nhẵn, mọc bò mang rễ dài 10 – 40cm, các cành mọc đứng mềm, không lông, rất đắng. Lá mọc đối, không cuống, thuôn hình muỗng, dài cỡ 1cm, gân chính hơi khó thấy.
Hoa mọc riêng lẽ ở nách lá, có cuống dài 1cm, 5 lá đài không đều, cao 5 – 6mm, 5 cánh hoa trắng, gần nhau, dính nhau ở dưới thành ống, 4 nhị. Nhụy có bầu, không lông. Quả nang hình trứng, có mũi, nhẵn, có vòi tồn tại, nằm trông đài. Hạt nhiều, rất nhỏ.
Phân bố, sinh thái
Ở Việt Nam, rau đắng biển phân bố ở Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Tây Ninh, Đồng Nai, Tp. Hồ Chí Minh, Vĩnh Long, Cần Thơ.
Còn có ở Trung Quốc, Lào, Campuchia, các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới khác.
Gặp ở nơi sáng và ẩm, các bãi hoang, bờ ruộng ven đường từ vùng ven biển lên tới độ cao 500m. Ra hoa tháng 3 – 4.
Công dụng
Tính vị, tác dụng: Rau đắng biển có vị đắng, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu tiêu thũng; còn có tác dụng khai vị kích thích, chống có thắt, thông hơi, trợ thần kinh và trợ tim.
Thường được dùng trị:
- Xích, bạch lỵ (lỵ ra máu, mủ)
- Mắt đỏ sưng đau
- Da sưng đỏ
- Nhức mỏi tê bại, đòn ngã tổn thương
- Viêm gan vàng da (thay vị rau má)
- Ho
Dùng ngoài tắm trị ghẻ.
Ở Ấn Độ, người ta dùng toàn cây để trị hen suyển, động kinh, điên rồ, mất tiếng và dùng thân lá trị rắn cắn.
Ở Xri Lanca, toàn cây dùng làm thuốc xổ, và đun nước nóng rửa chữa bệnh nhọt độc sưng ngoài da như da voi.
Cách dùng: Ta thường dùng Rau đắng biển ăn như rau sống hoặc nấu chín ăn. Để làm thuốc, liều dùng hằng ngày là 6 – 12g, dạng thuốc sắc. Dùng ngoài, nấu nước tắm hoặc dùng cây tươi giã nhỏ lấy nước trộn với dầu hỏa dùng xoa chỗ đau.