; SEN – Thảo dược HerbEco
Giỏ hàng

SEN

SEN

Tên khoa học: Nelumbo nucifera Gaertn.

Tên đồng nghĩa: Nelumbium nelembo (L.) Druce, N.speciosum Willd.

Tên khác: Liên, ngậu (Tày), bó bua (Thái), lìn ngó (Dao)

Tên nước ngoài: Sacred lotus, Chinese water – lily, indian lotus, Egyptian bean, baladi bean (Anh); lotus sacré, nénuphar de Chine, Fève d’Égypte lis rose du Nil, nélombo (Pháp)

Họ: Sen sung (Nelumbonaceae).

Mô tả

Cây thảo, sống ở nước, to khỏe, cao hơn 1m. Thân rễ (ngó sen) mập, mọc bò dài trong bùn, bèn rễ ở những mấu, từ đó mọc lên thân và đó. Lá hình tròn, vượt lên khỏi mặt nước, đường kính 30 – 40cm, màu lục xám, mép nguyên lượn sóng, giữa lá thường trũng xuống, mặt sau đôi khi điểm những đốm màu tía, gân hình khiên, hằn rõ, cuống lá dính vào giữa tía, dài 1m hay hơn, có nhiều gai cứng nhọn.

Hoa to, mọc riêng lẻ trên cuống dài và thẳng, phủ đầy gai nhọn, đường kính 8 – 12cm, màu hồng, hồng đỏ hoặc trắng, lá đài 3 -5, màu lục nhạt, rụng sớm, cánh hoa nhiều, những cánh phía ngoài to, khum long máng, những cánh giữa và ở trong nhỏ hẹp dần, giữa cánh hoa và nhị có những dạng chuyển tiếp, nhị rất nhiều, màu vàng, chỉ nhị mảnh, có phần phụ (gạo sen) màu trắng và thơm, bộ nhụy gồm nhiều lá noãn rời nằm trên một đế hoa hình nón ngược (gương sen).

Quả bế có núm nhọn, thường gọi là hạt sen, phần ngoài mỏng và cứng có màu lục tía, phần giữa mềm chứa tinh bột màu trắng ngà và phần trong là lá mầm dày, màu lục sẫm.

Mùa hoa: tháng 5 – 6.

Mùa quả: tháng 7 – 9.

Phân bố, sinh thái

Nelumbo Adans là một chi nhỏ, phân bố ở vùng nhiệt đới châu Á và châu Mỹ. Ở Việt Nam, chi này chỉ có 1 loài là cây sen mọc hoang dại chủ yếu ở vùng Đồng Tháp Mười, thuộc tỉnh Đồng Tháp và An Giang. Theo nhân dân địa phương, cây mọc trong trạng thái tự nhiên đã có từ lâu đời. Hàng trăm Hecta sen mọc tập trung và gần như thuần loại ở đây đã góp phần tạo nên cảnh quan sinh thái đặc biệt của vùng ngập nước Đồng Tháp Mười. Bên cạnh quần thể hoang dại, sen cũng là cây trồng quen thuộc ở các tỉnh đồng bằng và trung du, suốt từ nam đến bắc. Cây được trồng ở các vùng ao hồ nước nông và trung bình. Do ưa khí hậu nóng và ẩm của vùng nhiệt đới, nên sen cũng được trồng nhiều ở hầu hết các nước khu vực Đông Nam Á đến Nam Á, như Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ và một số tỉnh phía nam Trung Quốc. Ở Việt Nam có người đã đưa sen lên trồng thử ở vùng núi cao Sa Pa (trên 1500m), nhưng cây sinh trưởng phát triển kém, thậm chí còn bị chết.

Sen có hệ thống thân rễ phát triển, phân nhánh ngang nằm sâu ở lớp bùn đến 0,5m, từ các đốt vào phần đầu thân rễ, hàng năm mọc lên nhiều lá. Độ dài của cuống lá tùy thuộc vào mực nước nông hay sâu, để phiến lá vượt khỏi mặt nước, thực hiện chức năng hô hấp và quang hợp. Cây ra hoa nhiều hàng năm, hoa nở vào buổi sáng, thụ phấn vào buổi trưa hoặc đầu buổi chiều. Gió và côn trùng là tác nhân truyền phấn quan trọng của cây. Khả năng tái sinh tự nhiên của sen chủ yếu từ hạt. Tuy nhiên, các đoạn thân rễ cũng được sử dụng để nhân giống. Đời sống của sen phụ thuộc tuyệt đối vào sự sinh trưởng phát triển của lá. Nếu trong vòng 2 – 3 năm liền cắt bỏ toàn bộ các lá trên mặt nước, phần thân rễ của sen ở dưới bùn sẽ bị chết, sen là cây bán tàn lụi (chỉ phân lá) vào mùa đông. Cây sinh trưởng mạnh trong mùa hè – thu.

Việt Nam là nước có sản lượng sen lớn, hàng năm cung cấp từ vài trăm tấn đến 1000 tấn hạt sen cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Công dụng

Hạt sen có vị ngọt, tính bình, vào 3 kinh tâm, tỳ, thận, có tác dụng bổ tỳ, dưỡng ẩm, sáp trường, cố tinh.

Lá sen có vị đắng, tính mát, vào 3 kinh can, tỳ, vị, có tác dụng thanh thử, lợi thấp, tán ứ, chỉ huyết. Hoa sen có vị ngọt đắng, tính ấm, có tác dụng an thần và cầm máu.

Tâm sen có vị đắng, tính lạnh, vào kinh tâm, có tác dụng thanh tâm, điều nhiệt.

Tua sen có vị chát, tính ấm, vào 2 kinh tâm, thận có tác dụng giữ tinh, ích thận, thanh tâm, chỉ huyết.

Gương sen và ngó sen có vị đắng chát, tính mát, có tác dụn thu liễm, cầm mấu.

Toàn bộ cây sen được dùng làm thuốc:

  • Hạt sen (quả bóc vỏ) dùng điều trị tỳ hư, lỵ, di mộng tinh, khí hư, hồi hộp mất ngủ, cơ thể suy nhược, kém ăn, ít ngủ. Ngày dùng 12 – 20g, có thể đến 100g, dưới dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán. Thường phối hợp với các vị thuốc khác.

Kiêng kỵ; Thực nhiệt, táo bón không nên dùng.

  • Lá sen chữa chảy máu (đại tiểu tiện ra máu, chảy máu chân rang, xuất huyết dưới da) Ngày dùng 15 – 20g dưới dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán.
  • Tâm sen chữa tâm phiền (hâm hấp sốt khó chịu), ít ngủ, khát thổ huyết. Ngày dùng 2 – 4g dang thuốc sắc, hãm hoặc hoàn tán, thường phối hợp với các vị thuốc khác.
  • Tua sen chữa băng huyết, thổ quyết, di mộng tinh, mất ngủ. Ngày dùng 5 – 10g, dạng thuốc sắc.

Kiêng kỵ: Cơ thể suy nhược, táo bón, tiểu tiện bí không nên dùng. Kỵ địa hoàng, hành, tỏi.

  • Quả sen chữa lỵ, cấm khẩu. Ngày dùng 6 – 12g dạng thuốc sắc.
  • Gương sen là thuốc cầm máu, chữa đại tiểu tiện ra máu, bạch đới, huyết áp cao. Ngày dùng 15 – 30g (1 đến 2 cái) dạng thuốc sắc.
  • Ngó sen: Thuốc cầm máu chữa đại tiểu tiện ra máu, nôn ra máu, chảy máu cam, tử cung xuất huyết. Ngày dùng 6 – 12 dạng thuốc sắc.

Bài thuốc

  • Chữa tiêu hóa kém ở trẻ em, đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, phân sống, gầy yếu, phù thũng, hoàng đản:

Hạt sen 4g, bạch truật 12g, (sao tẩm), phục linh 6g, nhâm sâm 4 – 8g, thục địa 4g, chích cam thảo 3g, gừng nứng 3 lát, táo ta 2 quả. Sắc uống trong ngày.

  • Chữa máu hôi không hết sau khi đẻ:

Lá sen sao thơm tán nhỏ, uống với nước hoặc đồng tiện, hoặc lá sen sắc uống, ngày 20 – 30g.

  • Chữa không nói được sau khi đẻ:

Hạt sen, thạch xương bồ, nhân sâm đều tán bột, mỗi lần uống 20g.

  • Thuốc an thần gây ngủ:

a. Viên nén lá sen: Cao mềm lá sen 0,03g, bột mịn lá sen 0,09g, thêm tá dược làm thành 1 viên. Uống 3 – 6 viên 3 giờ trước khi ngủ.

b. Viên sen vông gồm: cao khô lá sen 0,05g (bằng 1g lá khô), cao khô lá vông 0,06g (bằng 1g lá khô) DL hoặc L.tetrahydropalmatin 0,03g.

c. Siro lá en gồm cao mềm lá sen 4g, cồn 45o 20ml, siro đơn VĐ 1000ml. Liều dùng một ngày trước khi đi ngủ: người lớn 15ml, trẻ em 5ml.

  • Thuốc bổ tỳ làm ăn ngủ ngon, đại tiểu tiện dễ dàng:

a. Viên bổ Liên sơn:

Liên nhục 8g, đậu nành 5g, hoài sơn 4g, cẩu tích 4g, ý dĩ 4g, sơn tra 2g, toan táo nhân 1,2g, sa nhân 0,8g, tá dược vừa đủ chó 100 viên. Uống mỗi ngày 20 – 30g.

b. Lục vị tận phương: hạt sen, hà thủ ô, hoài sơn, ý dĩ, cỏ xước, râu mèo, mỗi vị 12g. sắc uống ngày một thang.

c. Hạt sen (bỏ tâm) 16g, sâm Bố Chính 12g, hoài sơn 12g, tán bột, viên với mật ông, uống mỗi ngày 20 – 30g. Hoặc dùng hạt sen, của mài với long nhãn, nấu chè ăn.

  • Chữa suy nhược thần kinh:

a. Liên nhục, thục địa, thạch hộc, quy bản, hoài sơn, địa cốt bì, hà thủ ô, táo nhân, kim anh, mỗi vị 12g, lai quy 8g. Sắc uống ngày một thang.

b. Liên nhục, thục địa, hoài sơn, tang ký sinh, hà thủ ô, kim an, mỗi vị 12g, quy bản, kỷ tử, thỏ ty tử, ngưu tất, lại quy, táo nhân, mỗi vị 8g. Sắc uống ngày một thang.

c. Liên nhục, ba kích, thục địa, kim anh, khiếm thực, đảng sâm, bạch truật, mỗi vị 12g, phụ tử chế, quy bản, táo nhân, bá tử nhân, mỗi vị 8g, nhục quế 4g. Sắc uống ngày một thang.

  • Chữa rối loạn tiêu hóa, ỉa chảy kéo dài ở trẻ em:

a. Hạt sen sấy khô tán bột, uống mỗi ngày 8 -16g, với nước cơm vào lúc đói.

b. Cốm bổ tỳ: Liên nhục, ý dĩ, hoài sơn, đảng sâm, bạch biển đậu, mỗi thứ 100g, cốc nha 30g, tán bột mịn, sa nhân, trần bì, nhục khấu, mỗi thứ 20g, sắc lấy nước đặc, cùng với thuốc trên luyện với mật ong vừa đủ làm thành dạng cốm. Ngày uống 20 – 30g.

c. Bột Ích nguyên ngũ cam:Liên nhục 24g, bạch chỉ nam 200g, bạch chỉ bắc 120g, sử quân tử tẩm muối sao vàng 64g, ý dĩ 20g, cốc nha 20g, thần khúc 20g, sơn tra 16g. Tất cả sao giòn, tán bột mịn. Ngày uống 20 – 30g.

d. Liên nhục, đảng sâm, bạch biển đậu, bạch truật, ý dĩ sao, mỗi vị 12g, cam thảo, trân bì, cát cánh, mỗi vị 6g. Tán bột, mỗi ngày uống 20g, hoặc sắc uống, ngày một thang.

  • Chữa suy nhược cơ thể ở ngoài có bệnh đường hô hấp, viêm phế quản mạn tính, lao:

Tâm sen 10g, đan bì, ý dĩ, sinh địa, bạch thược, đảng sâm, mỗi vị 12g, quy bản, mạch môn, ngũ vị tử, mỗi vị 10g, trần bì, chích cam thảo, mỗi vị 6g, đại táo 4 quả. Sắc uống ngày một thang.

  • Chữa suy nhược cơ thể ở người thiếu máu, phụ nữ sau đẻ mất máu:

Liên nhục, sa sâm, mạch môn, kỷ tử, mỗi vị 12g, long nhãn 9g, tâm sen, táo nhân, mỗi vị 8g, đăng tâm 6g. Sắc uống ngày một thang.

  • Chữa chứng hồi hộp, đau lưng mỏi gối, ăn kém, ngủ ít:

Quả sen 12g, liên nhục 8g, hoài sơn 16g, thục địa 12g, trạch tả, phụ tử chế, táo nhân, mỗi vị 8g, nhục quế 6g. Sắc uống ngày một thang.

  • Chữa chảy máu:

Ngó sen sao, tam lăng, nga truật, huyết dụ, bồ hoàng sao, mỗi vị 8g, bạch thảo sương 6g. Sắc uống ngày một thang.

  • Chữa đái ra máu do viêm nhiễm cấp tính đường tiết niệu:

Ngó sen 12g, sinh địa 20g, hoạt thạch 16, tiểu kế, mộc thông, bồ hoàng sao, đạm trúc diệp, sơn chi, mỗi vị 12g, chích cam thảo, đưỡng quy, mỗi vị 6g. Sắc uống ngày một thang.

  • Chữa số xuất huyết:

Lá sen, ngó sen (hoặc cỏ nhọ nồi), rau má, mỗi vị 30g, bông mã đề 20g. Nếu có xuất huyết, tăng thêm cuống, lá, ngó sen lên 40 – 50g. Sắc uống ngày một thang.

  • Thuốc bổ tỳ trợ phế sau khi cắt cơn ho gà;

Hạt sen bỏ tâm 40g, lòng đỏ trứng gà 400g, thiên môn 100g, thổ bối mẫu, hoài sơn, rễ ba kích, mỗi vị 80g, ô dược, trần bì, mỗi vị 60g, cam thảo, gừng khô, mỗi vị 40g, kẹo mạch nha vừa đủ. Lòng đỏ trứng luộc chín bẻ nát sấy khô, tất cả các vị tán nhỏ, luyện với kẹo mạch nha làm hoàn bằng hạt ngô. Ngày uống 15 0 24 viên, chia 3 lần.

  • Chữa sởi ở thời kỳ sởi bay:

Hạt sen, sa sâm, đậu đỏ, lá dâu non, mỗi vị 120g, cam thảo, mạch môn, hoàng tinh, mỗi vị 80g, hoài sơn 60g. Tán thành bột, làm viên. Ngày uống 30g chia 3 lần.

  • Chữa rong huyết:

Ngó sen 12g, thích quy bản 24g, mẫu lệ 20g, sinh địa 16g, hoàng cầm, a giao, sơn chi, địa du, mỗi vị 12g, địa cốt bì 10g, cam thảo 4g. Sắc uống ngày một thang.

  • Chữa khí hư;

a. Liên nhục, đảng sâm, ý dĩ, khiếm thực, mã đề, mỗi vị 16g, bạch truật, hoài sơn, mỗi vị 12g, trần bì 8g. Sắc uống ngày một thang.

b. Liên nhục, đảng sâm, khiếm thực, mỗi vị 16g, bạch truật, kim anh, mỗi vị 12g, bán hạ chế, trần bì, mỗi vị 8g. Sắc uống ngày một thang.

c. Liên nhục, khiệm thực, mỗi vị 16g, bạch truật, đảng sâm, kim anh, mỗi vị 12g, trần bì, bán hạ chế, phục linh, mỗi vị 8g, cam thảo 4g. Sắc uống ngày một thang.

  • Chữa đái tháo đường:

a. Tâm sen 8g, thạch cao 20g, sa sâm, thiên môn, mạch môn,, hoài sơn, bạch biển đậu, ý dĩ, mỗi vị 12g. Sắc uống ngày một thang.

b. Điều trị phối hợp với thuốc chính:

Gương sen 500g, cỏ may (lấy cả gốc) 1000g. Sắc và cô được 1 lít cao lỏng, pha với 250ml rượu để bảo quản. Mỗi lần uống 30ml, ngày 2 lần.

  • Chữa chảy máu não và các biến chứng kèm theo ở bệnh nhân tăng huyết áp:

Lá sen, cam thảo, mỗi vị 15,5g, đỗ trọng 12,5g, sinh địa, mạch môn, tang ký, bạch thược, mỗi vị 10g. Sắc uống ngày một thang. Tác dụng làm giảm huyết áp, chức năng nói và cử động các chi được cải thiện.

  • Điều trị hỗ trợ chứng viêm não:

Điều trị bằng châm cứu kết hợp với bài thuốc tư âm như sau:

Liên nhục 2000g, tâm sen 500g, sinh địa 3000g, củ mài 2000g, mạch môn, long nhãn nhục, mỗi vị 1000g. Sắc mạch môn, sinh địa, long nhãn, tâm sen lấy nước đặc, các vị khác tán bột, tất cả trộn lẫn, cho thêm đường đủ ngọt, làm thành viên bằng hạt đỗ xanh. Ngày uống 16 – 20g, chia 2 -3 lần.

Gia giảm: Nếu nhiệt chứng nhiều gia huyền sâm, chi tử, co giật nhiều, gia thiên ma, câu đằng, mê man chưa tỉnh gia thạch xương bồ.