SÒ HUYẾT
SÒ HUYẾT
Tên khoa học: Rhoeo discolor (L’Hér.) Hance
Tên khác: Lẻ bạn, bạng hoa.
Họ: Thài lài (Commelinaceae).
Mô tả
Cây thảo, sống nhiều năm, cao 30 – 40cm. Thân mập, nhẵn, không phân nhánh, có nhiều ngấn ngang là vết tích của sẹo lá. Lá có bẹ rộng ôm thân, dài 15 – 30cm, rộng 3 – 5cm, đầu tù hoặc nhọn, phiến lá dày, cứng, lõm và màu lục ở mặt treenm khum và màu tía ở mặt dưới, gân lá song song.
Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành tán bao bọc bởi hai mo úp vào nhau giống như con sò; hoa màu trắng vàng; bao hoa gồm 5 lá đài, 3 cánh hoa giống nhau, 6 nhị gần bằng nhau, bầu 3 ô.
Quả nang, khi chín nứt thành 3 mảnh vỏ; hạt có cạnh, ráp.
Mùa hoa quả: tháng 4 – 5.
Phân bố, sinh thái
Sò huyết có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới châu Mỹ, được trồng hay trở nên hoang dại hóa ở khắp các vùng nhiệt đới và á nhiệt đới của thế giới. Cây trồng ở Việt Nam hiện nay không rõ được nhập từ bao giờ.
Sò huyết là cây ưa sáng và có khả năng chịu hạn cao, có thể mọc được trên nhiều loại đất ở vùng đồng bằng, ven biển, trung du và vùng núi. Với hệ thân rễ phát triển, đẻ nhánh khỏe, sò huyết được coi là loài có sức sống dai, biên độ sinh thái rộng. Cây ra hoa quả hằng năm. Khi quả già, hạt phát tán ra xung quanh, sau 6 – 7 tháng mọc thành cây con. Có thể trồng sò huyết bằng cách tách các nhánh con hay một phần của thân rễ. Cây trồng chủ yếu để làm cảnh.
Công dụng
Tính vị, công năng: Sò huyết có vị ngọt nhạt, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt, nhuận phế, hóa đờm, chống ho, lương huyết, giải độc.
Sò huyết được dùng chữa viêm khí quản cấp và mạn tính, ho gà, lao bạch huyết, chảy máu cam, lỵ trực khuẩn, đái ra máu. Liều dùng 15 – 30g lá hoặc hoa, dạng thuốc sắc.
Bài thuốc
Chữa viêm khí quản mạn tính:
Lá sò huyết 15g, núc nác 3g. Sắc uống.