THỔ NHÂN SÂM BA CẠNH
THỔ NHÂN SÂM BA CẠNH
Tên khoa học: Talinum triangulare (Jacq.) Willd.
Tên khác: Sâm đất ba cạnh.
Họ: Rau sam (Portulacaceae).
Mô tả
Cây thảo mập sống dai có củ trắng; thân có 3 cạnh, cao 30 – 50cm, lúc non có màu xanh, thường đơn. Lá mọc so le, phiến lá thuôn hay hình muỗng đầu tròn, lõm, hơi dày, mềm, hai mặt đều bóng; cuống ngắn. Cụm hoa ở ngọn thân; hoa nhỏ, màu hồng hay trắng. Quả nang tròn, màu vàng, có 3 mảnh, chứa khoảng 50 hạt đen nhánh.
Phân bố, sinh thái
Thổ nhân sâm ba cạnh trồng ở một số nơi ở Việt Nam. Gốc ở đảo Antilles (Trung Mỹ), được trồng ở nhiều nước trên thế giới.
Cây trồng làm cảnh và làm rau xanh. Có thể trồng bằng hạt hoặc bằng cành hay gốc rễ. Cây mọc khỏe, phát triển nhanh. Nếu cắt cành thì cây đâm chồi khỏe, chỉ sau 25 ngày đã có thể cắt được một lứa cành lá.
Công dụng
Tính vị, tác dụng: Rễ bổ trung ích khí, nhuận phế sinh tân.
Thường dùng nấu canh ăn với thịt, tôm tép. Là nguồn rau xanh bổ, với sản lượng cao có thể thay thế cho một số loại rau khác để dùng cho người và gia súc. Lợn, gà rất thích ăn loại rau này và tăng trọng rõ rệt. Rau luộc hay nấu canh ăn đều ngon, tương tự như rau Mồng tơi. Khi ăn canh rau này, người ta nhận thấy nó có tác dụng chống táo bón, an thần, chống đau lưng nhức mỏi, giúp ngủ ngon giấc, đỡ đau đầu, lại còn lợi tiểu, giải độc. Lá tươi giã nát dùng xoa chữa rôm sẩy. Rễ của nó cũng giống như củ Cà rốt và cũng có thể dùng như củ Thổ nhân sâm.
Ở Quảng Tây (Trung Quốc), trễ được dùng trị ho do phế nhiệt và kinh nguyệt không đều.