; XOAN ẤN ĐỘ – Thảo dược HerbEco
Giỏ hàng

XOAN ẤN ĐỘ

XOAN ẤN ĐỘ

Tên khoa học: Azadirachta indica A. Juss.

Tên khác: Sầu đâu, cây nim, xoan sầu đâu, xoan ăn gỏi, xoan trắng.

Tên nước ngoài: Neem tree, margosa tree, indian lilac (Anh); arbre saint, azadirac de l’ Inde, jasmin de Perse, lilas des Antilles, latier blanc (Pháp).

Họ: Xoan (Meliaceae).

Mô tả

Cây to, cao 8 - 15m. Lá kép hình lông chim lẻ, mọc so le, gồm 6 - 7 đôi lá chét mọc đối, hình mác, dài 6 - 8cm, rộng 2 - 3cm, phiến lệch, nhẵn, đầu nhọn, mép khía răng (lá non có mép nguyên)

Cụm hoa mọc ở kẽ lá, ngắn hơn lá, gồm nhiều hoa xếp thành những xim nhỏ, cuống có lông; lá bắc ngắn, sớm rụng; hoa nhỏ màu trắng, giống hoa xoan, thơm, dài 5 - 6mm; đài 5 răng nhỏ, hình mắt chim, mặt ngoài có lông; tràng 5 cánh thuôn hẹp, uốn cong; nhị 10, phình ở gốc, hơi thắt lại ở đầu.

Quả hạch dài khoảng 2cm chứa một hạt.

Phân bố, sinh thái

Chi Azadirachta Juss. có 2 loài ở Việt Nam,trong đó loài xoan Ấn Độ là cây nhập nội.

Xoan Ấn Độ được du nhập và trồng thành công ở một số nước nhiệt đới thuộc vùng cận xích đạo. Năm 1981, một số hạt giống của xoan Ấn Độ được đưa về trồng thử nghiệm ở khuôn viên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận. Sau nhiều năm, cây đã cho hạt giống để nhân trồng tiếp và đến năm 1998, hàng loạt cây con chính thức được đem trồng trên một vùng cát khô căn thuộc xã Phước Dinh, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuân. Rừng xoan Ấn Độ ở đây đã được 5 năm tuổi; cây sinh trưởng phát triển tốt, không cần chăm sóc nhiều (Nguyên Trung, Báo Lao động, chủ nhật, 4/8/2002).

Xoan Ấn Độ là cây đặc biệt ưa sáng; cây sinh trưởng mạnh trong mùa mưa ẩm, mặc dù lượng mưa ở vùng Ninh Phước được coi là thấp nhất ở Việt Nam. Cây trồng thích nghi cao với thời tiết nắng nóng có gió cát thường xuyên ở vùng bán hoang mạc. Cây trồng được 5 – 6 tuổi, bắt đầu có hoa quả, vào các năm sau cây sẽ cho nhiều hoa quả hơn. Cây gieo trồng bằng hạt dễ dàng.

Gỗ xoan Ấn Độ tương đối cứng, không bị mối mọt, được dùng trong xây dựng và đóng đồ.

Xoan Ấn Độ có triển vọng là cây trồng rừng quan trọng trên các vùng cát khô cằn ở ven biển.

Công dụng

Xoan Ấn Độ chỉ được dùng trong một số trường hợp cá biệt để làm thuốc theo kinh nghiệm dân gian ở Việt Nam.

Ở Ấn Độ, nhân dân dùng dầu hạt xoan Ấn Độ trị bệnh da như lao hạch, loét lâu lành, nhọt lở và bệnh nấm da, và làm thuốc bôi xoa trị thấp khớp. Dầu này còn có tác dụng trị giun và diệt sâu bọ. Nimbidin từ dầu hạt xoan Ấn Độ và natri nimbidinat tương đối ít độc (liều chết tối thiểu đối với ếch là 0,25 mg/g thể trọng). Các chế phẩm từ nimbidin có tác dụng trị các bệnh da, mụn lở nhiễm khuẩn, loét do bỏng, chảy máu lợi và chảy mủ.

Vỏ cây là thuốc làm săn, chống sốt chu kỳ, sốt rét và bệnh da. Lá phơi trong râm để trong sách có tác dụng chống nhậy. Lá giã đắp trị nhọt, và nước sắc trị loét và eczema. Hoa khô được coi là thuốc lợi tiêu hóa. Quả có tác dụng tẩy, làm mềm da và trị giun.

Cành non để tươi dùng chải răng khi có viêm mủ lợi. Lá non nghiền nát với hạt tiêu và gừng với tỷ lệ bằng nhau, trộn kỹ và làm thành viên nhỏ bằng hạt đậu, ngày uống 2 lần mỗi lần một viên chữa đái tháo đường. Để trị sốt rét, lá khô tán bột (5g/lần, ngày 2 lần) uống trong 3 ngày với mật ong. Lá nhai đắp vào chỗ rắn cắn.

Ở Nepal, nhân dân dùng nước sắc từ hỗn hợp 5g lá xoan Ấn Độ, 1g thân rễ thủy xương bồ và ít muối uống lúc nóng làm 2 lần trong ngày. Dùng 2 – 4 ngày để trị viêm họng, làm long đờm. Dùng 5 – 7g lá sắc với 1 lít nước còn 200ml, uống lúc nóng với mật ong, chia làm 2 lần trong ngày để trị tiêu chảy và lỵ. Dùng 2 – 3 ngày. Dầu hạt còn được dùng làm thuốc trị giun. Ở Pakistan, nhân dân dùng quả xoan Ấn Độ sắc uống trị đau dạ dày, đau bụng sau khi đẻ và trĩ. Ở Nigiêria, cao nước lá xoan Ấn Độ trị sốt rét.