; XƯƠNG KHỈ – Thảo dược HerbEco
Giỏ hàng

XƯƠNG KHỈ

XƯƠNG KHỈ

Tên khoa học: Clinacanthus nutans (Burm.f.) Lindau

Tên khác: Mảnh cộng, bìm bịp

Họ: Ô rô (Acanthaceae)

Mô tả

Cây nhỏ, mọc trườn. Lá nguyên, có cuống ngắn, phiến hình mác hay thuôn, mặt hơi nhăn, mép hơi giún, màu xanh thẫm. Bông rủ xuống ở ngọn. Lá bắc hẹp. Hoa đỏ hay hồng, cao 3 – 5cm. Tràng hoa có hai môi, môi dưới có 3 răng. Quả nang dài 1,5cm, chứa 4 hạt.

Phân bố, sinh thái

Mọc phổ biến khắp nơi ở Việt Nam. Còn có ở Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Indonesia.

Mọc rải rác trong rừng rụng lá, bãi trống, bờ bụi; cũng thường được trồng.

Ra hoa vào mùa xuân – hè.

Công dụng

Tính vị, tác dụng: Vị ngọt, hơi đắng, cay; có tác dụng thanh nhiệt trừ thấp, tiêu thũng chỉ thống, tán ứ bạt độc.

Lá non có thể dùng nấu canh ăn. Lá khô thường dùng để ướp bánh (bánh mảnh cộng). Lá tươi giã đắp chữa đau sưng mắt và đem xào nóng lên dùng bó trặc gân, sưng khớp, gãy xương. Thường dùng phối hợp với Mò hoa trắng già ra lọc lấy nước uống chữa bệnh lưỡi trắng của trẻ em. Nhân dân dùng cành lá đắp vết thương trâu bò húc.

Ở Hải Nam (Trung Quốc) người ta dùng cây lá làm thuốc trị dao chém thương tích và chữa thiếu máu, hoàng đản, phong thấp. Thường dùng cành lá khô sắc uống. Dùng ngoài, lấy lá tươi giã đắp.

Ở Vân Nam, cây được dùng trị hoàng đản, phong thấp tê đau, kinh nguyệt không đều. Dùng ngoài trị đòn ngã, gãy xương, dao chém, mảnh đạn vào thịt.

Còn ở Quảng Tây, lại dùng trị bần huyết.

Ở Thái Lan, lá tươi được dùng trị bỏng, sâu bọ đốt, eczema và mụn rộp.