; BỌ MẮM – Thảo dược HerbEco
Giỏ hàng

BỌ MẮM

BỌ MẮM

Tên khoa học: Pouzolzia zeylanica (L.) Benn.

Tên đồng nghĩa: Pouzolzia indica Gaud.

Tên khác: Cây thuốc giòi, thuốc vòi.

Họ: Gai (Urticaceae).

Mô tả

Cây thảo sống nhiều năm, có cành mềm mọc trải ra; thân cao 40 – 50cm tới 90cm, nham nhám có lông sát. Lá mọc so le, có khi mọc đối, mép nguyên, hình mác – bầu dục, gốc tròn, đầu nhọn, dài 4 – 9cm, rộng 1,5 – 2,5cm, có 3 gân tỏa từ gốc, mặt trên đôi khi điểm những đốm trắng, mặt dưới có ít lông ở gân nổi rõ; cuống lá ngắn có lông trắng; lá kèm hình dải nhọn.

Cụm hoa mọc thành xim ở kẽ lá, đường kính 5mm, không cuống gồm hoa đực, hoa cái hoặc hoa lưỡng tính; hoa nhỏ màu trắng; hoa đực có lông ngắn, 4 lá đài có lông ở lưng, 4 nhị, nhụy lép; hoa cái có bao hoa dạng túi, miệng khía răng có lông, bầu hình quả lê, có lông, vòi nhụy dài và mảnh.

Quả hình trứng nhọn, màu hồng tím, có lông.

Mùa hoa quả: tháng 7 – 9.

Phân bố, sinh thái

Chi Pouzolzia Gaudich gồm nhiều loài thân thảo hoặc bụi nhỏ, phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Ở Việt Nam, chi này có 6 loài, trong đó có cây bọ mắm. Bọ mắm phân bố rộng rãi ở khắp các tỉnh từ đồng bằng đến trung du và cả vùng núi. Còn thấy ở nhiều nước châu Á khác như Trung Quốc, Lào, Malaysia, Ấn Độ, Thái Lan…

Bọ mắm là cây ưa ẩm, hơi chịu bóng, thường mọc lẫn với các loại cây cỏ khác ở trong vườn, ven đường đi và vùng nương rẫy. Cây con mọc từ hạt thường xuất hiện vào cuối mùa xuân, mọc nhanh trong mùa hè, sau khi có hoa quả là tàn lụi. Bọ mắm được coi như loài cỏ dại, có ảnh hưởng tới cây trồng.

Công dụng

Tính vị, công năng: Bọ mắm có vị ngọt, đắng nhạt, tính mát, có tác dụng tiêu khát, trừ đờm, lợi tiểu, tiêu viêm, rút mủ.

Bọ mắm chữa viêm họng, viêm ruột, lỵ, đinh nhọt, sâu quảng, viêm da mủ, viêm vú, tắc tia sữa, vết thương đụng dập, nhiễm trùng tiết niệu, ho, ho lâu ngày, bệnh về phổi, đau răng, đái rắt, đái buốt. Ngày 20 – 40g cây tươi hoặc 10 – 20g cây khô, sắc hoặc nấu cao uống. Dùng ngoài không kể liều lượng.

Ngoài ra cây bọ mắm tươi giã nhỏ, cho vào vại mắm để bảo quản chốn giòi bọ. Lá non và ngọn, ăn sống thay rau, hoặc xay với rau má, trái cây, làm nước sinh tố.

Bài thuốc

  • Chữa ho lâu ngày, ho lao, bệnh phổi:

Cây bọ mắm bỏ rễ, ngày 40g sắc uống, hoặc nấu cao lỏng pha mật ong, ngày uống 15 – 20ml.

  • Chữa viêm họng đau răng:

Dùng lá tươi, nhai ngậm, nuốt nước.

  • Chữa viêm vú:

Bọ mắm (cành có lá), tử hoa địa đinh (cải rừng tía hoặc cải rừng lá mác), phù dung, bồ công anh. Dùng tươi, giã đắp.

  • Tắc tia sữa, đái rắt, đái buốt:

Ngày 30 – 40g tươi, sắc uống.

  • Chữa đinh nhọt, viêm da mủ:

Bọ mắm, rau má lá rau muống. Cây tươi, giã đắp.

  • Chữa đụng dập:

Sau khi cố định vết thương, dùng cây tươi giã đắp, hoặc bột cây khô, tưới rượu vào đắp, rồi bó lại.

TRỒNG VÀ SẢN XUẤT BỌ MẮM TẠI TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU VÀ SẢN XUẤT DƯỢC LIỆU MIỀN TRUNG