; CHÙM NGÂY – Thảo dược HerbEco
Giỏ hàng

CHÙM NGÂY

CHÙM NGÂY

Tên khoa học: Moringa oleifera Lamk.

Tên khác: Bồn bồn, cải ngựa

Tên nước ngoài: Drum – stick plant, horse – radish tree, benseed (Anh); moringe à graine ailée, bois néphrétique, moraghe (Pháp).

Họ:  Chùm ngây (Moringaceae).

Mô tả

Cây nhỏ hay cây nhỡ, cao 5-10m. Vỏ cây dày, có khía rãnh. Thân non có lông. Lá kép, mọc so le, 3 lần lông chim, dài 30-60cm, 6-9 đôi lá chét hình trứng, mọc đối.

Cụm hoa mọc thành chùy ở kẽ lá; lá bắc hình chỉ; hoa màu trắng, hơi giống hoa họ Đậu; đài có 5 răng hình thuôn, uốn cong; tràng 5 cánh hình thìa; nhị 5, chỉ nhị có lông ở gốc; bầu thượng, 1 ô, có lông.

Quả có thiết diện tam giác, dài 25-30cm hay hơn, mọc thõng xuống, mở làm 3 mảnh; hạt có 3 cạnh và có cánh màu trắng, dạng màng.

Mùa hoa: tháng 4-6; mùa quả: tháng 7-9.

Phân bố, sinh thái

Moringa Adans là một chi nhỏ, gồm một số loài thân gỗ mềm, mọc nhanh, phân bố ở vùng nhiệt đới châu Á và châu Phi. Ở Ấn Độ có 2 loài.

Chùm ngây vốn được coi là loài bản địa của vùng Tây-Bắc Ấn Độ và Pakistan, sau được đưa vào trồng rộng rãi ở Ấn Độ và nhiều nước Đông Nam Á khác. Hiện nay vẫn tồn tại quần thể chùm ngây mọc hoang dại ở cận Himalaya, từ vùng Chenab đến phía đông của Sarda (Ấn Độ).

Ở Việt Nam, chùm ngây được trồng rải rác ở các tỉnh phía Nam, từ Quảng Nam trở vào. Cây ưa sáng và ưa khí hậu nhiệt đới nóng và ẩm. Chùm ngây có thể trồng và phát triển tốt trên nhiều loại đất, từ loại đất đỏ bazan ở Tây Nguyên đến sét pha cát hoặc trên đất cát của vùng ven biển. Cây trồng bằng hạt hay bằng cành. Sau 2 năm bắt đầu có hoa. Cây trồng ở miền Nam thường ra hoa quả một vụ trong năm. Ở vùng Nam Ấn Độ, hàng năm có 2 vụ hoa quả thậm chí có hoa quả rải rác quanh năm. Người ta có thể thu hái quả non làm rau sau 55-70 ngày kể từ ngày ra hoa nở và quả chín sau 100-115 ngày. Chùm ngây thường rụng lá vào mùa đông hoặc mùa khô (ở miền Nam). Mùa ra lá và chồi non thường trùng với mùa hoa. Ở Ấn Độ và các nước Đông Nam Á, chùm ngây được coi là một cây cho quả non và lá làm rau ăn thông dụng. Trong đó, đặc điểm quan trọng nhất để phân biệt giữa các giống là độ dài và màu sắc của quả (60-90cm và 90-120cm). Chùm ngây trồng ở các tỉnh phía Nam thuộc nhóm quả ngắn (60-90cm).

Công dụng

Cành non và lá non hoặc bánh tẻ, hoa và quả xanh chùm ngây đem luộc ăn có tác dụng kích thích tiêu hóa. Lá non dùng riêng hoặc phối hợp với các dược liệu khác làm thuốc lợi sữa. Lá già phơi khô sắc có tác dụng lợi tiểu nhẹ. Dầu ép từ hạt chùm ngây pha loãng dùng xoa bóp chữa tê thấp.

Trong y học dân gian Ấn Độ, tất cả các phần của cây chùm ngây được dùng điều trị cổ trướng, thấp khớp, vết cắn có nọc độc và làm thuốc kích thích tim và máu tuần hoàn. Rễ của cây non và vỏ rễ có tác dụng gây sung huyết da và làm rộp da. Lá chứa nhiều vitamin A và C được coi là có tác dụng chữa bệnh scorbut và các bệnh viêm xổ; dịch ép lá được dùng làm thuốc gây nôn. Bột nhão từ lá đắp trị vết thương. Hoa là thuốc lợi tiểu và thông mật. Hạt có tác dụng hạ sốt. Dầu hạt dùng bôi chữa thấp khớp và bệnh gút.

Cao vỏ cây chùm ngây được dùng làm chất giải độc trị sâu bọ cắn và rắn cắn. Khi người bị động vật như mèo, chó hoặc chuột cắn được khuyên lập tức cắn thân cây chùm ngây hoặc nhai vỏ thân và sau đó uống cao vỏ thân. Quả chùm ngây được coi là thuốc tăng dục và làm tăng độ nhớt của tinh dịch. Chùm ngây còn có trong thành phần một bài thuốc cổ truyền Ấn Độ dùng chữa sỏi niệu. Vỏ thân chùm ngây cùng với lá cây Vitis assamica lượng bằng nhau được giã nát và đắp lên chỗ bị bệnh của cơ thể rồi phủ một miếng vải sạch để chữa bệnh liệt nhẹ. Giữ ẩm thuốc đắp bằng cách thỉnh thoảng rảy nước khi bị khô. Mỗi đêm dùng thuốc này một lần, trong 2 tuần.

Trong y học dân gian Madagascar, rễ chùm ngây được coi là độc có thể gây chết. Dùng rễ chùm ngây làm thuốc đắp ngoài để chữa bệnh phổi, làm chuyển mấu.

Theo kinh nghiệm dân gian nước ngoài, người ta dùng hạt chùm ngây để làm sạch nước. Nghiền nát hạt, trộn với một lượng nước thành một dung dịch đậm đặc, rồi đổ nước cần làm sạch vào, khuấy đều  trong 5 phút, để lắng trong 1-2 giờ, gạn bỏ các chất cặn bẩn.