; MÀNG TANG – Thảo dược HerbEco
Giỏ hàng

MÀNG TANG

MÀNG TANG

Tên khoa học: Litsea cubeba (Lour.) Pers.

Tên khác: Khương mộc, giẻ hương, sơn thương, tất trừng già (Thái), mạy chang, khảo khinh (Tày), tạ châm điẳng (Dao), lồ lê (K’ Ho).

Tên nước ngoài: Cubeb (Anh), cubèbe (Pháp).

Họ: Long não (Lauraceae)

Mô tả

Cây nhỏ hay cây nhỡ, cao 6 – 8 m. Cành hình trụ, vỏ màu xám, có khía dọc và nhiều nốt sần nhỏ. Lá mọc so le, hình mác, dài 7 – 10cm, rộng 2 – 2,5cm, gốc thuôn, đầu nhọn, hai mặt nhẵn, mặt trên màu lục sẫm bóng, mặt dưới trắng xám; cuống lá dài 1 – 1,2cm. Lá vò ra có mùi thơm mát.

Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành chùm gồm nhiều tán đơn, có cuống chung dài 0,8 – 1 cm, mỗi tán có 4 – 6 hoa đơn tính màu trắng; lá bắc 4; khum, nhẵn ở mặt ngoài, có lông ngắn ở mặt trong; bao hoa có ống ngắn, 6 thuỳ gần bằng nhau xếp thành hai hàng; hoa đực có 9 nhị, 6 cái ở phía ngoài dài 2mm, bao phấn thuôn dẹt, chỉ thị mảnh, có lông ở gốc, 3 cái phía trong thụt, chỉ nhị có tuyến; hoa cái chỉ còn những chỉ nhị (vết tích của nhị tiêu giảm), 3 cái phía trong có tuyến dẹt ở gốc; bầu hình trứng, nhẵn.

Quả mọng, hình tròn hoạc hình trứng, khi chín màu đen.

Mùa hoa: tháng 3 - 5; mùa quả: tháng 7 - 8.

Phân bố, sinh thái

Chi Litsea Lam. có khoảng 180 loài, là cây gỗ hay cây bụi, phân bố ở vùng á nhiệt đới và nhiệt đới châu Á và Austrialia. Có 5 loài được dùng làm thuốc ở vùng Đông - Nam Á, trong đó quan trọng nhất là cây màng tang.

Trên thế giới, màng tang phân bố phổ biến từ vùng Đông Himalaya đến khắp vùng Đông Á và Đông Nam Á, bao gồm Trung Quốc, Mianma, Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam, Lào, Ấn Độ, Indonesia (Java) và một vài nơi khác. Cây còn được trồng để lấy tinh dầu ở Nhật Bản, vùng Nam Trung Quốc và Đài Loan. Ở Việt Nam, màng tang phân bố hầu như ở tất cả các tỉnh trung du và miền núi. Cây mọc tập trung nhiều ở các tỉnh dọc theo biên giới phía bắc như Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La và một số tỉnh khác như Bắc Cạn, Tuyên Quang, Yên Bái, Hoà Bình và Thanh Hoá. Ở miền Nam, màng tang có nhiều ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, Kom Tum, Đắc

Lắc, Lâm Đồng... Độ cao phân bố từ vài chục mét đến 1600m, song phổ biến nhất là từ 500 đến 1500m.

Màng tang là loại cây gỗ nhỏ mọc nhanh, ưa sáng và mọc được trên nhiều loại đất. Tuy nhiên, những loại đất màu mỡ mới được khai phá rất thuận lợi cho cây sinh sống và phát triển. Nhiệt độ không khí trung bình từ 15 đến 220C. Màng tang thường mọc tập trung, đôi khi thuần loài trong các loai hình sau nương rẫy. Ở một số vùng thuộc huyện Bảo Lộc, Di Linh (Lâm Đồng), An Khê (Gia Lai), Vĩnh Thạch (Đình Định) và Trà My (Quảng Nam), có những quần thể màng tang trên diện tích vài chục héc ta. Màng tang ra hoa kết quả nhiều hàng năm. Cây được chiếu sáng đầy đủ có nhiều hoa quả hơn cây bị che bóng. Một cây màng tang 4 - 5 tuổi có thể cho 3 - 3,5kg quả. Trong đợt nghiên cứu các quần thể màng tang ở Tây Nguyên (1980 - 1983) cho thấy, khi bị che bóng cây sẽ chết. Mặc dù lúc đó cây đã được 6 - 7 tuổi. Màng tang tái sinh tự nhiên chủ yếu từ hạt. Trung Quốc là nước sản xuất tinh dầu màng tang nhiều nhất thế giới. Trong số 2000 tấn/năm, có đến một nửa dùng cho xuất khẩu (M. A. Nor Azah & S. Susiati, 1999; L.P.A. Oyen & Nguyen Xuan Dung, PROSEA No 19, Essential – Oil Plants, 124). Việt Nam cũng có nguồn màng tang khá phong phú. Trước năm 1990, ngành y tế thường xuyên thu mua quả cất tinh dầu để xuất khẩu, có năm được vài chục tấn. Tuy nhiên còn nhiều vùng có màng tang nhưng chưa được khai thác. Quả màng tang khi chưa chín rất khó rụng. Do đó, khi thu hái, người ta thường chặt cả cây hoặc cành để lấy quả. Cách làm này đã làm giảm lượng khai thác thường xuyên.

Công dụng

Tính vị, công năng: Màng tang có vị cay, tính ôn, có tác dụng ôn trung noãn thận, kiện vị, tiêu thực, hành khí, chỉ thống.

Theo kinh nghiệm nhân dân, rể cây màng tang chữa rắn độc cắn có kết quả tốt. Các lương y ở huyện Trùng Khánh tỉnh Cao Bằng chuyên dùng phương pháp này chữa cho bộ đội và nhân dân hồi kháng chiến chống Pháp. Rễ thu hái quanh năm, khi dùng đào về rửa sạch, giã nhỏ, thêm nước, gạn uống, dùng bã đắp ngoài, mỗi lần khoảng 50g. Thường phối hợp với quả xuyên tiêu, dưới dạng cây tươi hoặc dùng dược liệu phơi khô tán bột rắc vào vết rắn cắn. Các dân tộc Tày, Nùng ở miền Bắc Việt Nam dùng rễ màng tang phối hợp với rễ ba chẽ, mỗi thứ 100g, dược liệu tươi hoặc 60g dược liệu khô, thái nhỏ sắc với 400ml nước còn 100ml chia làm 2 lần uống trong ngày chữa kém ăn, mất ngủ, cơ thể suy yếu ở phụ nữ sau khi đẻ. Rễ màng tang còn chữa tiêu chảy, ngộ độc, dưới dạng thuốc sắc với vỏ cây ngãi và rễ cây xương rắn (các dược liệu sao vàng).

Tuệ Tĩnh trong “Nam dược thần hiệu” đã dùng quả màng tang (20g) phối hợp với lá bạc hà (12g), hoa kinh giới (6g), phơi khô, tán nhỏ thành bột mịn, trộn với mật làm viên bằng hạt ngô, uống hoặc ngậm mỗi lần 1 viên chữa mũi tắc không thông.

Nhân dân còn dùng màng tang chữa bụng lạnh đau, đầy hơi, nôn mửa, nấc, kiết lỵ. Liều dùng: quả 3 – 9g/ngày; rễ 10 - 15g/ngày dưới dạng thuốc sắc. Ở Trung Quốc, màng tang được dùng chữa lỵ amíp, lỵ trực trùng và bệnh sán máng. Trong điều trị lỵ amíp, quả màng tang nghiền thành bột nhỏ cho vào nang, mỗi ngày uống 4 lần, mỗi lần 1,0g. Dùng liên tục 3 – 5 ngày, các triệu chứng như số lần đại tiện và máu mũi trong phân giảm nhanh chóng, amíp trong phân chuyển âm tính. Về điều trị bệnh sán máng, viêm màng tang có tác dụng nhất định ở giai đoạn đầu của bệnh. Ngoài công dụng trong y học, tinh dầu màng tang còn được dùng trong công nghiệp chất thơm, làm xà phòng, chế biến nước hoa. Citral chiết được từ tinh dầu màng tang, có mùi thơm, dễ chịu hơn là tách từ dầu sả.

Bài thuốc

  • Chữa cảm lạnh, nấc không dứt:

Màng tang, riềng ấm, lượng 2 vị bằng nhau, tán nhỏ thành bột, mỗi lần uống 4g, ngày 3 - 4 lần, chiêu với nước nóng pha thêm ít giấm.

  • Chữa tỳ vị hư mãn, hàn khí thượng công ư tâm (Biển thuốc tâm thư - Trung Quốc):

Màng tang, cao lương khương, nhục quế, đinh hương, hậu phác (sao nước gừng), cát cánh, trần bì, tam lăng, cam thảo, mỗi vị 45g, hương phụ 90g. Nghiền thành bột. Mỗi lần dùng 12g bột với gừng 3 lát, nước 1 bát sác còn độ 7 phần, uống cả bã.