; NGHỆ ĐEN – Thảo dược HerbEco
Giỏ hàng

NGHỆ ĐEN

NGHỆ ĐEN

Tên khoa học: Curcuma zedoaria (Berg.) Roscoe

Tên khác: Nga truật, nghệ tím, ngải tím, bồng truật, ngải xanh, bồng nga, bồng dược, nghệ đăm (Tày), sùng meng (Dao), m’gang mơ lung (Ba Na).

Tên nước ngoài: Round zedoary, long zedoary, Cochin-turmeric (Anh); zédoaire (Pháp).

Họ: Gừng (Zingiberaceae).

Mô tả

Cây thảo, cao 1 -1,5m. Thân rễ hình nón, có vân ngang và khía dọc, mang những củ hình trụ tỏa ra theo hình chân vịt, dày, nạc, có màu vàng nhạt ở trong và những vòng màu xám ở củ già. Ngoài những củ hình trụ, thân rễ còn mang những củ hình trái xoan hoặc hình trứng, màu trắng, có cuống dài và mảnh. Lá hình mũi mác, dài 30 - 60cm, rộng 7 - 8cm, không cuống, có bẹ dài ở gốc, đầu nhọn có đốm tía dọc theo gân giữa ở mặt trên, mép nguyên hơi uốn lượn.

Cụm hoa hình trụ, dài 20cm, rộng 5cm, mọc từ thân rễ trên một cán ở bên cạnh thân có lá, thường xuất hiện trước khi cây ra lá; lá bắc phía dưới màu lục nhạt viền đỏ ở mép, lá bắc phía ngọn không mang hoa sinh sản, màu vàng nhạt, pha hồng ở đầu lá, hoa nhiều, màu vàng; đài hình ống có ông, 3 răng không đều; tràng có ống dài gấp 3 lần đài, thùy hình mũi mác; bao phấn kéo dài thành cựa chẽ ngang; trung đới dạng bản tròn, ngắn, chỉ nhị đính với các nhị lép; cánh môi thắt lại ở gốc, lõm ở đầu, màu vàng; nhị lép dính nhau ở nửa dưới; bầu có lông, nhụy lếp hình giùi.

Mùa hoa quả: tháng 4 - 5.

Phân bố, sinh thái

Chi Curcuma L. gồm khoảng gần 50 loài, phân bố khắp vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới châu Á, Bắc Australia và một số đảo ở Thái Bình Dương. Ở Mianma có 20 loài, Việt Nam 15 loài (Nguyên Tiến Bân, 1997); phần lớn là cây mọc tự nhiên. Một số loài là cây trồng để làm gia vị, lấy chất màu và làm thuốc;

Nghệ đen có nguồn gốc từ vùng Đông – Bắc Ấn Độ. Cây mọc tự nhiên và được trồng khắp vùng nhiệt đới Nam và Đông - Nam châu Á, bao gồm Ấn Độ, Malaysia, Srilanca, Thái Lan, Philippin, Indonesia, Campuchia, Lào, Việt Nam, đảo Hải Nam, Đài Loan và các tỉnh phía nam lục địa Trung Quốc. Cây còn phân bố cả ở Madagasca. Ở Việt Nam, nghệ đen phân bố rộng rãi khắp các tỉnh miền núi và trung du, nhất là Hà Giang, Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang, Sơn La, Cao Bằng.... ở phía nam có tỉnh Bình Định và Quảng Nam. Cây còn được trồng rải rác trong nhân dân. Ở Hưng Yên (vùng Nghĩa Trai), nghệ đen được trồng đại trà ở ruộng, để chủ động cho việc cung cấp nguyên liệu.

Nghệ đen là loài cây thảo, có hệ thống thân rễ phân nhánh phát triển, phần trên mặt đất lụi vào mùa đông (ở miền Bắc) và mùa khô (miền Nam). Cây thường mọc thành khóm, đôi khi trở thành quần thể thuần loại trên đất ẩm, gần bờ suối trong thung lũng hay trên nương rẫy. Độ cao từ vài trăm mét đến 1600m. Cây ưa sáng và có thể hơi chịu bóng. Vào giữa mùa xuân, từ thân rễ mọc lên nhiều thân khí sinh. Song trong một khóm thường chỉ có một thân chính sinh ra từ thân rễ. Phần thân rễ này, thường gọi là "củ cái", chỉ tồn tại được 2 năm sau tự thối rữa, để lại các phần thân rễ non hơn phát triển thành những “củ cái” mới. Hoa nghệ đen tự thụ phấn hoặc nhờ côn trùng. Chưa quan sát được quả và cây non mọc từ hạt. Nhưng chắc chắn sự phát triển tự nhiên để mở rộng khu phân bố cây vẫn phải từ hạt.

Việt Nam có nguồn nghệ đen tự nhiên phong phú. Riêng ở tỉnh Hà Giang, qua điều tra, ước tính có thể khai thác vài ngàn tấn dược liệu một năm.

Công dụng

Tính vị, công năng: Nghệ đen có vị cay, đắng, tính ôn, vào kinh can, có tác dụng hành khí, phá huyết, thông kinh bế, tiêu tích hóa thực.

Trong y học cổ truyền, nghệ đen được dùng làm thuốc chữa đau bụng, ăn không tiêu, đầy hơi, bế kinh, tích huyết, hành kinh máu đông thành cục. Liều dùng hàng ngày 3 – 6g dưới dạng thuốc sắc hoặc thuốc bột.

Y học hiện đại lại sử dụng nghệ đen làm thuốc bổ trong rượu trường sinh (Elixir de longue vie) gồm lô hội 25g, long đởm thảo 5g, đại hoàng 2,5g, nghệ đen 2,5g, phan hồng hoa 2,5g, Polyporus oficinslis 2,5g. Các vị thái nhỏ ngâm trong 2000ml cồn 600 trong 10 ngày, lọc lấy rượu uống, ngày 2 – 5ml.

Ở Ấn Độ, nước sắc nghệ đen phối hợp với hạt tiêu, quế và mật ong dùng chữa cảm lạnh.

Bài thuốc

  • Chữa tích huyết, hành kinh máu đông thành cục, đau bụng khi có kinh hoặc rong kinh ra huyết đặc ri rỉ:

Nghệ đen và ích mẫu mỗi vị 15g, sắc nước uống.

  • Chữa nôn ở trẻ bú sữa:

Nghệ đen 4g, muối ăn 3 hạt, sắc với sữa cho sôi chừng 5 phút, hòa tan ít ngưu hoàng (lượng bằng hạt gạo) cho trẻ uống.

  • Chữa cam tích, phân thối khẳn, biếng ăn ở trẻ em:

Nghệ đen 6g, hạt muồng trâu 4g, sắc nước uống.