THUỐC THƯỢNG
THUỐC THƯỢNG
Tên khoa học: Phaeanthus vietnamensis Ban
Tên khác: Thuốc mọi, Da xà lắc, Thuốc dấu cà doong.
Họ: Na (Annonaceae)
Mô tả
Cây gỗ nhỏ hoặc cây bụi, cao 2-10m. Cành non gần như không lông. Lá thuôn hoặc gần hình mác, dài 9-16cm, rộng 3,6-5cm, đầu có mũi dài và nhọn; gốc hình nêm, hơi lệch, không lông; gân bên 9-11 đôi; cuống dài 5-6mm.
Hoa mọc so le với lá, thường thành xim 2 hoa. Hoa có cuống dài 1,5-3cm mang 4-6 lá bắc nhỏ; lá đài và cánh hoa ngoài rất giống nhau, dài trên 1mm, cánh hoa trong màu vàng dài 8-12mm, rộng 4-6m; nhị nhiều, lá noãn nhiều (trên 10). Phân quả hình trái xoan, cỡ 12-15 x 6-7mm, không có lông, khi chín màu vàng sau chuyển thành màu mận chín; cuống dài 13-15mm; vỏ quả rất mỏng.
Ra hoa tháng 5-12, có quả tháng 6-1.
Phân bố, sinh thái
Cây thuốc thượng mới thấy ở Trung bộ Việt Nam: Thừa Thiên-Huế (Phú Lộc, Rừng Nông, Hương Phú, Sông Hai nhánh), Quảng Nam (Đại Lộc, Quế Sơn, Núi Thành, Duy Xuyên, Giằng, Hà Ra, Tiên Phước, Phước Sơn, Hiên).
Cây mọc dưới tán rừng thưa, rừng thứ sinh, nơi sáng và ẩm, ở độ cao dưới 300m.
Công dụng
Dân gian dùng lá non hấp chín trên nồi cơm, lấy nước nhỏ mắt chữa đau mắt đỏ. Vỏ rễ, vỏ thân và lá đem nấu cao dán chỗ mụn nhọt sưng tấy. Còn được dùng chữa bệnh đường ruột (tiêu chảy). Cao đặc nấu từ lá, chế thành viên nén dùng chữa bệnh ỉa phân trắng ở lợn con rất tốt.