; TRẦU KHÔNG – Thảo dược HerbEco
Giỏ hàng

TRẦU KHÔNG

TRẦU KHÔNG

Tên khoa học: Piper betle L.

Tên khác: Trầu lương, Trầu cay, Thổ lâu đằng, Phù lưu, Mjầu (Tày), Lau (Dao)

Tên nước ngoài: Betel pepper, betel – leaf, vine pepper (Anh); poivrier bétel, bétel, chavique bétel (Pháp)

Họ: Tiêu (Piperaceae)

Mô tả

Dây leo bám. Cành hình trụ, nhắn, có khía dọc, bén rễ ở những mấu. Lá mọc so le, hình tim tròn, góc đôi khi hơi lệch, đầu nhọn, dài 10 – 13cm, rộng 4,5 – 9cm, hai mặt nhẵn, mặt trên sẫm bóng, gân nổi rất rõ ở mặt dưới; cuống lá có bẹ kéo dài.

Cụm hoa mọc buông thõng ở kẽ lá thành bông ngắn; lá bắc tròn hoặc hình trái xoan; hoa đực dài có cuống có lông, nhị 2, chỉ nhị ngắn; hoa cái dài khoảng 5 cm, cuống phủ lông dày, bầu có lông ở đỉnh.

Quả mọng, tròn và có lông ở đỉnh.

Toàn cây có tinh dầu thơm, cay.

Mùa hoa quả: tháng 5 – 8.

Phân bố, sinh thái

Trầu không có nguồn gốc ở miền Trung và Đông Malaysia; được trồng từ 2500 năm trước, sau lan sang Madagasca và Đông Phi. Ở Trung Quốc, trầu không cũng được ghi chép từ đời nhà Tần 618 – 907 sau Công nguyên. Đến đầu thế kỷ 15, cây bắt đầu được đưa sang châu Âu. Ngày nay, trầu không không còn gặp ở trang thái hoang dại; mà đã được trồng phổ biến khắp các nước nhiệt đới ở vùng Nam Á và Đông Nam Á như Ấn Độ, Srilanca, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippin, Campuchia, Việt Nam, Lào, Nam Trung Quốc và đảo Hải Nam (Stephen, P. Teo & R.A. Banka, 2000; PROSEA, No16 - Stimulants, p.102 – 106).

Ở Việt Nam, trầu không cũng được nhắc đến tong truyện cổ “Trầu – Cau” từ thời các vua Hùng, cách đây khoảng 200 năm. Hiện nay cây được trồng ở khắp nơi (trừ vùng núi cao lạnh, trên 1500m) như vườn các gia đình, trang trại (ở miền Nam) và cả trên các cánh đồng. Việc trồng trầu không ở Việt Nam cũng như ở các nước châu Á khác thường gắn với tục ăn trầu của người dân.

Trầu không thuộc loài cây ưa ẩm, ưa sáng và có thể hơi chịu bóng; sinh trưởng mạnh trong mùa mưa ẩm, nhiệt độ trung bình từ 22 đến 260C; lượng mưa 2000 – 3500mm/năm (hoặc trên 4000mm/năm ở Malaysia). Trầu không thích nghi với các loại đất giàu chất hữu cơ, có thành phần sét cao, với pH từ 6 đến 7.

Do đặc điểm của loại cây leo bám, nên trồng trầu không phải có giá thể (thân cây gỗ, cây cau, tường nhà) hoặc có giàn đỡ. Cây trồng được 3 – 4 năm mới thấy có hoa quả; hiện chưa quan sát được cây con mọc từ hạt, song trầu không lại có khả năng tái sinh dinh dưỡng rất khỏe.

Trầu không là một cây trồng quan trọng. Trải qua lịch sử lâu đời về trồng trọt, hiện nay, quần thể trầu không có nhiều giống khác nhau. Ở Viện thực vật học quốc gia Ấn Độ người ta đã thu thấp được 85 loại trầu không. Ấn Độ là nước trồng trầu không nhiều nhất thế giới (khoảng 50.000ha), sau đến Bangladesh (12.700ha). Riêng Thái Lan, sản lượng trầu không hàng năm dành cho xuất khẩu đến 4500 tấn, tương đương 3,7 triệu đô la Mỹ.

Công dụng

Trầu không có vị cay nồng, mùi thơm hắc, tính ấm, vào các kinh: phế, tỳ, vị, có tác dụng trừ phong thấp, chống lạnh, hạ khí, tiêu đờm, tiêu viêm, sát trùng.

Trầu không được dùng chữa hàn thấp nhức mỏi, đau bụng đầy hơi, vết thương nhiễm trùng có mủ sưng đau, hen suyễn khi thời tiết thay đổi, đờm nhiều khó thở, cảm mạo, bỏng, mụn nhọt, hắc lào, mày đay, ghẻ ngứa, sâu kiến đốt, viêm quanh răng, viêm tai, viêm họng. Ngày dùng 8 – 16g, dưới dạng thuốc sắc. Dùng ngoài, đắp lá tươi giã nát hoặc ngâm lá với nước để rửa.

Lá trầu không và gừng sống ép lấy nước uống chữa ho, khó thở, đầy bụng. Nước ép lá trầu không nhỏ vào tai chữa đau tai. Súc miệng hằng ngày với nước có dịch ép lá trầu không phòng được viêm họng, có tác dụng hỗ trợ các thuốc trị bệnh bạch hầu. Lá trầu không và lá ráy, giã nhỏ, hơ nóng, đắp chữa sưng tấy. Trầu không (3 – 5 lá), hạt cau (1 hạt), phơi khô, tán bột rắc làm thuốc cầm máu. Lá trầu không (2 – 4g), nhai nuốt nước chữa đau bụng lạnh dạ, tiêu chảy, nôn mửa, không tiêu. Lá trầu không vò đắp chữa hắc lào, mày đay, ghẻ ngứa, sâu kiến đốt; nếu giã nát hòa với rượu bôi lại chữa bỏng; Phụ nữ có thai không nên dùng.

Ở Ấn Độ, lá và tinh dầu trầu không được dùng điều trị các bệnh xuất tiết, bệnh phổi và làm thuốc đắp, thuốc súc miệng hoặc thuốc ngửi trong bệnh bạch hầu. Lá trầu không có trong thành phần chế phẩm thuốc cổ truyền Ấn Độ phối hợp với một số dược liệu khác trị hen phế quản. Thuốc hoàn bào chế từ rễ trầu không, thủy xương bồ và sen được dùng trong 10 ngày liền từ ngày đầu hành kinh để điều trị đau kinh. Ở Indonesia, lá trầu không nghiền nát có trong thành phần một thuốc đặt âm đạo mà người phụ nữ thường dùng 4 – 11 ngày sau khi sinh con.

Bài thuốc

  • Chữa cảm mạo:

Dùng lá trầu không đánh gió, xát ở xương sống từ trên xuống dưới.

  • Chữa vết thương:

a. Lá trầu không, lá thanh táo, lá cỏ răng cưa, lượng bằng nhau, giã nát đắp.

b. Lá trầu không tươi (40g) rửa sạch, đun với 2 lít nước sôi trong 15 – 20 phút. Để nguội, gạn lấy nước trong, cho phèn phi (8g) vào, đánh tan, rồi rửa.

  • Chữa bỏng

Lá trầu không phơi khô, tán bột, chiết xuất bằng phương pháp ngấm kiệt, cô thành cao đặc, rồi pha chế với vaselin thành thuốc mỡ 1% bôi hàng ngày.

  • Chữa mụn nhọt:

Lá trầu không, lá thồm lồm, hoa dâm bụt, đều bằng nhau, giã nát đắp.

  • Chữa đái nhắt:

Rễ trầu không (hoặc thân, lá), rễ cau, mỗi vị 10g. Sắc uống ngày một thang. Dùng vài ngày đến khi khỏi.

  • Chữa viêm chân răng có mủ:

Lá trầu không, nấu cao bôi.

  • Chữa sai khớp, bong gân:

Lá trầu không 12g, nghệ già 20g; lá cúc tần, lá xạ can, mỗi vị 12g. Giã nát, trộn với một ít giấm, bọc gạc đắp lên chỗ sưng đau, 2 – 3 ngày thay băng một lần.

  • Chữa vết thương, bỏng:

Lá trầu không tươi, hành tươi, tỏi tươi, mỗi vị 300g; lá ớt tươi 300g, mật lợn 1 lít. Hành tỏi bỏ vỏ, cùng với trầu không, lá ớt giã nhỏ, cho nửa lít nước nấu kỹ, lọc 2 – 3 lần, cô còn khoảng 300ml. Cho vào 1kg đường đun thành cao lỏng rồi cho mật lợn vào canh kỹ, đựng vào lọ kín. Ngày bôi một lần.

  • Thuốc xoa bóp (đánh gió) chống say nắng:

Lá trầu già 5 lá, tóc rối 15g, dầu hỏa (loại dầu trắng trong) 5 ml. Giã nát lá trầu, trộn với dầu hỏa, tóc rối, gói vào vải mềm. Xát lên người theo chiều dọc cơ thể từ trên xuống, chủ yếu là phần ngực bụng và thăn lưng.