; TRÔM – Thảo dược HerbEco
Giỏ hàng

TRÔM

TRÔM

Tên khoa học: Sterculia foetida L.

Tên khác: chim chim rừng, trôm hôi, cây quả mõ, mạy trôm (Tày).

Tên nước ngoài: Poon tree, wild almond, Java olive, bottle – tree (Anh); arbre puant, bois de merde, sterculie fétide (Pháp).

Họ: Trôm (Sterculiaceae).

Mô tả

Cây to, cao 25 – 30m. Thân thẳng, hình trụ, cành có những sẹo lá hình tim. Lá kép chân vịt, mọc so le, có cuống dài, lá chét 10 – 11, hình mác, mặt trên nhạt, mặt dưới màu lục xám; lá kèm dễ rụng.

Cụm hoa mọc ở ngọn gồm những chùm hẹp, nhẵn, dài 15 – 20cm; hoa màu đỏ có mùi rất thối; đài hình ống có lông; cánh hoa 0; hoa đực có cuống bộ nhị mở thành dạng chén ở đầu, bao phấn 15 – 20; hoa cái có bầu hình cầu họp bởi 5 lá noãn, mỗi lá noãn có 8 – 15 noãn.

Quả gồm 5 đại choãi ra, màu đỏ, nhẵn, có lông, mỗi đại khi mở nom giống cái mõ; hạt 10 – 15, màu đen, nhẵn.

Mùa hoa: tháng 2 – 4; mùa quả: tháng 5 – 9.

Phân bố, sinh thái

Chi Sterculia L. có 25 loài ở Việt Nam, hầu hết là cây thân gỗ hay cây bụi. Loài trôm được coi là cây gỗ cổ nhiệt đới, phân bố khá rộng rãi từ vùng Nam Trung Quốc trở xuống. Ở Việt Nam, trôm mọc rải rác ở vùng rừng cây lá rộng thường xanh, trên núi đất hay núi đá. Đôi khi cây cũng được trồng ở quanh làng bản, bờ hồ để lấy bóng mát.

Trôm rụng lá hàng năm vào mùa đông. Đến tháng 3, từ các chồi ngủ mọc ra các lá non, đồng thời cây cũng bắt đầu có hoa. Quả trôm chứa nhiều hạt và chín vào cuối mùa thu. Khi chín, quả khô tự mở cho hạt thoát ra ngoài. Cây con mọc từ hạt được thấy vào cuối mùa xuân hay mùa hè.

Công dụng

Tính vị, công năng: Theo tài liệu nước ngoài, vỏ thân và lá trôm có tác dụng nhuận tràng, làm ra mồ hôi và lợi tiểu. Vỏ thân và hạt với liều lớn gây sẩy thai. Hạt có nhiều dầu, ăn với lượng lớn gây nôn, chóng mặt, tẩy. Dầu hạt có tác dụng nhuận tràng nhẹ, lợi trung tiện. Nước sắc vỏ quả có chất nhầy, có tác dụng gây săn se.

Dầu hạt trôm có thể dùng xào nấu thức ăn, nhưng chủ yếu để thắp sáng. Ở Campuchia, dầu hạt được dùng để rửa mặt và khô dầu chữa ghể ngứa. Nhựa mủ tiết ra từ cây ăn mát. Ở Java và Philippin, vỏ thân và lá non cây trôm được dùng chữa thấp khớp, thủy thũng. Nước sắc lá trôm để rửa vết thương đã mưng mủ. Dịch ép từ lá non chữa sốt; phối hợp với Piper cubela L. làm thuốc chữa ho. Hạt đôi khi được dùng làm thuốc nhuận tràng, tẩy và cũng dùng thực phẩm. Ở Campuchia, người ta dùng vỏ thân cây trôm làm thuốc hạ sốt, nước sắc lá rửa vết thương, vết loét và chữa một số bệnh ngoài da.